Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu tại Davos 2022 (Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022). Ảnh: World Economic Forum.

 
Nguyên Hồ Thứ Năm | 26/05/2022 15:33

Kỷ nguyên toàn cầu hóa dài 3 thập kỷ sắp đến hồi kết?

Các Giám đốc điều hành và các nhà đầu tư đã tập trung tại Davos để thảo luận về những thách thức kinh tế và tài chính đang gia tăng.

Ảnh hưởng địa chính trị từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, kết hợp với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do virus gây ra, thị trường bất ổn gần đây và tình hình kinh tế xấu đi nhanh chóng khiến các nhà lãnh đạo và nhà đầu tư phải gặp nhiều khó khăn với các quyết định chiến lược quan trọng.

Ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Goldman Sachs International kiêm cựu chủ tịch của Ủy ban châu Âu, cho biết: “Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang sau đại dịch và giờ là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Những xu hướng này khiến người ta không khỏi lo về một thế giới bị phân tách. Onshoring*, quốc hữu hóa và khu vực hóa đã trở thành xu hướng mới nhất của các công ty, làm chậm tốc độ toàn cầu hóa.”

*Onshoring còn được gọi là reshoring, là quá trình đưa hoạt động sản xuất một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng từ nước ngoài về nước.

Các cuộc thảo luận về xu hướng thoát khỏi toàn cầu hóa giữa các công ty đã tăng lên trong những tuần gần đây. Số lượt đề cập đến việc thu hồi chuỗi cung ứng về trong hoặc gần nước sở tại của các công ty, trong các cuộc họp báo thu nhập doanh nghiệp và hội nghị nhà đầu tư, đang ở mức cao nhất kể từ năm 2005, theo nhà cung cấp dữ liệu Sentieo.

Đây sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự đối với những người tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos trong tuần này. Kể từ cuộc họp cuối cùng vào tháng 01/2020, những sự kiện lớn trên thế giới đã liên tiếp xáo trộn các chuỗi cung ứng.

Ông Jonathan Grey, Chủ tịch của Blackstone Group cho biết: “Các công ty đang nói rằng tôi cần đưa cơ sở sản xuất của mình đến gần hơn với khách hàng.”

Người đứng đầu công ty dược phẩm lớn nhất châu Á cho biết thời đại toàn cầu hóa dựa trên hình thức thuê ngoài (outsource) để cắt giảm chi phí đã qua.

Cuộc thảo luận giữa các doanh nghiệp về Ngưng toàn cầu hóa đã đạt mức cao mới.
Cuộc thảo luận giữa các doanh nghiệp về Ngưng toàn cầu hóa đã đạt mức cao mới.

Ông Christophe Weber, Giám đốc điều hành của Takeda, có trụ sở chính tại Nhật Bản, cho biết các nhà sản xuất thuốc sẽ tiếp tục tìm kiếm sự tăng trưởng ở các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc vì tiềm năng cao. Nhưng trọng tâm của công ty đã chuyển sang một hình thức toàn cầu hóa bền vững hơn.

Ông Weber chia sẻ: “Còn quá sớm để nói rằng toàn cầu hóa đã kết thúc nhưng khái niệm toàn cầu hóa mà mọi người từng biết đến giờ không còn đúng nữa. Toàn cầu hóa của vài năm trước là khi giao thương không có ràng buộc, giờ đây Thế giới phẳng đã chấm dứt rồi.” 

Takeda đã thực hiện chính sách tìm nguồn cung ứng kép để xây dựng chuỗi cung ứng của mình trở nên dồi dào hơn.

Theo ông  Rachid Mohamed Rachid, Chủ tịch Valentino và Balmain, các ngành công nghiệp tiêu dùng cũng đang trải qua sự chuyển dịch khỏi toàn cầu hóa.

Ông nói: “Một số công ty xa xỉ đang suy nghĩ lại về chiến lược của họ, vốn có xu hướng phụ thuộc nhiều vào quảng bá thương hiệu toàn cầu, bán cho khách du lịch và vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới. . . Các cửa hàng ngày nay ở London, Paris hoặc Milan hiện đang  chú trọng phục vụ cho cư dân địa phương nhiều hơn so với trước đây."

Ông Dominik Asam, Giám đốc tài chính của Airbus, cảnh báo điều này có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Ông nói: “Nếu hàng thập kỷ tăng năng suất do toàn cầu hóa thúc đẩy bị đảo ngược trong một thời gian ngắn, điều này sẽ khiến lạm phát tăng cao và dẫn đến một cuộc suy thoái lớn kéo dài. Đây chính là lý do tại sao tôi tin rằng các cường quốc kinh tế lớn sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn một viễn cảnh tàn khốc như vậy”.

Có thẻ bạn quan tâm: 

Đại dịch, chiến tranh và lạm phát đã tạo ra thêm 573 tỉ phú mới