Thứ Năm | 30/08/2012 12:34

Kỷ nguyên “Made in Japan” sắp kết thúc

Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu mới của chính các doanh nghiệp nước này.
f

Lần đầu tiên trong lịch sử, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, trong đó có Nissan Motor chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài và xuất khẩu trở lại Nhật Bản. Điều này là bởi họ muốn tránh ảnh hưởng của đồng yên mạnh, lực lượng lao động già cỗi ở Nhật Bản trong khi có thể tận dụng ưu thế khi tay nghề của lực lượng lao động nước ngoài bắt đầu được cải thiện.

Quyết định của Nissan đã mở đường cho một số doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản như Shiseido, Toshiba chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Nhật Bản. Thực tế, số nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài đã tăng gấp đôi trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt tăng 31% trong 2 năm qua.

Lợi nhuận doanh nghiệp Nhật Bản tăng 2-3 lần nếu chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Lợi nhuận doanh nghiệp Nhật Bản tăng 2-3 lần nếu chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Shiseido cho biết trong tháng tới sẽ giới thiệu tới khách hàng Nhật Bản loạt sản phẩm trang điểm của họ sản xuất tại Đài Loan và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên công ty mỹ phẩm lớn nhất của Nhật Bản nhập khẩu một trong những dòng hàng này.

Toshiba ngừng sản xuất dòng TV Regza trong nước năm trước sau gần một nửa thế kỷ. Trong khi đó, công ty sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất Nhật Bản Panasonic cũng đã chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điện thoại di động sang Malaysia và Trung Quốc để tăng sức cạnh tranh về giá.

Theo khảo sát của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản, tỷ lệ sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài sẽ đạt kỷ lục 39% vào năm tài khóa 2014-2015, tăng so với 33% cách đây 2 năm.

Đồng yên tăng, lực lượng lao động già cỗi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản. Goldman Sachs ước tính, cứ mỗi 1 yên tăng so với USD, lợi nhuận hoạt động của Nissan giảm khoảng 2,4%, Toyota giảm 3,3%. Trong khi đó, nếu chuyển sản xuất ra nước ngoài, lợi nhuận biên của họ có thể tăng từ 2,5 đến 3 lần.

Mặc dù vai trò của ngành công nghiệp Nhật Bản đang giảm dần, nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những công xưởng lớn nhất thế giới, đặc biệt với các dòng sản phẩm công nghệ cao, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Yuqing Xing nhận định.

“Nhật Bản vẫn còn một lượng lớn kỹ sư, công nhân kỹ thuật và công nghệ cao. Tôi không cho rằng, Nhật Bản sẽ bị gạt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Xing nói. Ông này cũng cảnh báo thêm, việc thay đổi phương thức nhập khẩu sẽ khiến tình trạng giảm phát của Nhật Bản tồi tệ hơn bởi nó tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất, khi đó, giá trong nước sẽ giảm hơn nữa.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện