Thứ Tư | 29/05/2013 15:53

Kỷ nguyên giảm giá USD đến hồi kết?

Xu hướng giảm giá của USD suốt 3 thập kỷ qua của USD có thể có thể sắp hết khi kinh tế Mỹ phục hồi mạnh, thị trường chứng khoán bùng nổ.
Đồng bạc xanh của Mỹ theo chiều hướng giảm giá suốt 30 năm qua do tăng trưởng kinh tế yếu và tác động của chương trình nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kể từ khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ phục hồi, chứng khoán bùng nổ, Mỹ có thể xuất khẩu ròng dầu mỏ trong vòng vài năm tới có thể coi là những dấu hiệu cho thấy một kỷ nguyên mới đang mở ra với đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất thế giới này.

Giám đốc điều hành tại công ty quản lý quỹ Barchetta, Ed Ponsi, nhận định: “Tôi cho rằng tâm lý thị trường sẽ chuyển dịch theo hướng hỗ trợ USD tăng giá. Cách đây 10 năm đa số cho rằng euro cuối cùng sẽ thay USD thành đồng tiền dự trữ quốc tế, nhưng có lẽ giả thuyết này khó thành hiện thực”.

Chỉ số Dollar đo sức mạnh của USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác lên 84,5 điểm tuần trước, đánh dấu mốc cao nhất 3 năm sau hàng loạt số liệu kinh tế khả quan của Mỹ. Hiện tại, chỉ số này là 84,25 điểm, sát mốc kỷ lục thiết lập năm 1985 và thời điểm trước khi bong bóng công nghệ nổ tung năm 2001. Chỉ số Dollar được dự báo tiếp tục tăng trong những tháng tới cùng đà phục hồi kinh tế Mỹ.

Dấu hiệu thay đổi

Các chiến lược gia cho rằng, USD đang tăng cùng với đà tăng của chỉ số S&P 500 stock là một dấu hiệu tích cực đối với đồng tiền này bởi nó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào chứng khoán Mỹ.

Theo số liệu của Bộ tài chính Mỹ, lượng chứng khoán và trái phiếu Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2005 với giá trị lên đến 13,26 nghìn tỷ USD.

Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ của Deutsche Bank tại châu Âu, ông George Saravelos, cho rằng, sự thay đổi căn bản của năm nay đó là USD không còn là đồng tiền biến động thất thường do tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư.

"Từ đầu năm nay S&P 500 tăng mạnh, nhưng đồng thời USD cũng tăng mạnh, đó là điều hiếm thấy những năm trước kia. Đây là một trong những lý do chính tại sao chúng ta kỳ vọng USD sẽ tăng giá”, ông Saravelos nói.
Kỳ vọng USD lên giá

Kỳ vọng Mỹ sẽ thành nước xuất khẩu ròng dầu mỏ từ một nước nhập khẩu ròng trong những năm tới do bùng nổ sản xuất năng lượng cũng khiến triển vọng USD tăng giá mạnh hơn, giới phân tích nhận định.

Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn khả quan hơn các nền kinh tế châu Âu hay Nhật Bản. Điều này cũng kích thích kỳ vọng USD lên giá, đặc biệt nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm quy mô kích thích tiền tệ.

"USD vẫn ở mức thấp kỷ lục nhưng chúng tôi cho rằng giao dịch USD vẫn rất khả quan và sẽ tiếp tục tăng”, chiến lược gia tiền tệ tại ngân hàng Canada CIBC nhận định.

Tuần trước, HSBC đã điều chỉnh dự báo giá USD. HSBC cho rằng, euro sẽ xuống 1,22 USD/EUR vào năm tới từ mức 1,37 USD/EUR dự báo trước đó. Hiện euro giao dịch ở 1,2854 USD/EUR.
"Dự báo USD lên giá của chúng tôi không căn cứ vào khả năng Fed giảm nới lỏng tiền tệ nhưng nếu Fed thực sự hành động như vậy thì chúng tôi cho rằng USD sẽ tăng. USD vốn đã tăng nhưng mới chỉ là bắt đầu”, chuyên gia của HSBC nhận định.

Nguồn CNBC/Dân Việt


Sự kiện