Kỷ nguyên gia công và thuê ngoài đến hồi kết (Phần 3)
ET Water Systems, chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị dẫn nước công nghệ cao cho nhiều doanh nghiệp, sớm gánh chịu thua lỗ, ít nhất không phải vì một số vốn lớn bị đọng trong các công hàng lớn cần nhiều tuần để vận chuyển từ nửa kia bán cầu. Hoạt động cải tiến gặp nhiều trở ngại do khoảng cách giữa sản xuất và thiết kế, và chất lượng cũng là vấn đề.
Năm năm sau, khi khảo sát sự khác biệt giữa tổng chi phí sản xuất tại Trung Quốc và Mỹ, kể cả chi phí vận chuyển, thuế xuất nhập khẩu và các loại phí khác, Mark Coopersmith kinh ngạc nhận thấy chi phí tại California chỉ cao hơn Trung Quốc 10%. Đây chỉ là con số tương đối, chưa tính đến những lợi ích vô hình của việc sản xuất tại các địa điểm gần kề. Đối tác sản xuất mới của ET Water System, General Electronics Assembly, đặt tại San Jose. Tuy vậy, ET Water System hiện sở hữu một cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cùng với một lượng lớn công nhân có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á.
Xu hướng hồi hương sản xuất phải được duy trì với tỷ lệ cân xứng. Hầu hết các công ty đa quốc gia đang hồi hương một số hoạt động sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường Mỹ, và vẫn duy trì nhiều hoạt động tại nước ngoài. Đối với nhiều hãng/công ty lớn nhất, lượng công việc thuê ngoài vẫn lớn hơn lượng công việc được hồi hương. Ví dụ, Caterpillar sẽ khai trương nhà máy mới tại Texas để sản xuất máy xúc đào, nhưng cũng thông báo sẽ mở rộng các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát hồi năm ngoái của Trường Kinh doanh Harvard (HBS), nhiều công ty vẫn quyết định không đặt cơ sở sản xuất tại Mỹ. Giáo sư Michael Porter và Jan Rivkin đã hỏi một số người tại HBS – những người đang điều hành doanh nghiệp – về lựa chọn địa điểm sản xuất, và nhận thấy nhiều người trong số họ quyết định rời khỏi nước Mỹ vì nghĩ rằng mức lương ở nước ngoài thấp hơn nhiều.
Một lý do quan trọng khác là có thể ở gần khách hàng tại các thị trường mới nổi quy mô lớn. Porter và Rivkin cho rằng các doanh nghiệp đang xem xét lại mô hình gia công thuê ngoài. Những doanh nghiệp này dần nhận thấy những chi phí từ lâu vẫn ẩn giấu của mô hình thuê ngoài. Tuy vậy, 2 giáo sư cũng cho rằng, chính phủ Mỹ chưa tạo được môi trường kinh doanh đủ hấp dẫn để lôi kéo các công ty hồi hương.
Áp lực chính trị là điều hoàn toàn tự nhiên đối với các công ty muốn công khai những gì có vẻ giống như hồi hương hoạt động sản xuất. Lenovo cho biết quyết định đưa hoạt động sản xuất máy tính trở lại Bắc Carolina là một cách chăm sóc danh tiếng của hãng cũng như mang lại nhiều lợi ích trực tiếp. Giám đốc phụ trách chuỗi cung cấp toàn cầu của Lenovo, Gerry Smith, cho biết, ông nhận được hàng chục cú điện thoại của bạn đại học chúc mừng về động thái này.
Tuy nhiên, hiện hoạt động hồi hương đang chịu tác động của nhiều yếu tố. Kết quả khảo sát các công ty sản xuất của Mỹ do Tổ chức Tư vấn Boston (Boston Consulting Group – BCG) thực hiện tháng 4/2012, cho thấy, 37% số công ty được khảo sát có doanh số bán hàng năm đạt trên 1 tỷ USD cho biết, họ đang lên kế hoạch hoặc cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ.
Trong số các công ty lớn nhất, doanh số bán trên 10 tỷ USD, 48% đang hồi hương. Lý do phổ biến nhất được đưa ra là chi phí lao động tại Trung Quốc ngày một cao hơn. Năm ngoái, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tiến hành khảo sát 108 doanh nghiệp sản xuất toàn cầu của Mỹ, và kết quả là 14% số này có kế hoạch cụ thể để đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ, 1/3 đang tích cực xem xét động thái tương tự.
Nghiên cứu hồi năm ngoái của Hackett Group, hãng chuyên tư vấn về gia công và thuê ngoài trụ sở tại Florida, cũng cho thấy kết quả tương tự. Dự đoán 2 năm tới, xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất từ các nước có chi phí cao sang các nước có chi phí thấp sẽ chậm lại, và hoạt động hồi hương sẽ tăng gấp 2 lần so với 2 năm trước. Michel Janssen, trưởng nhóm nghiên cứu của Hackett Group, cho biết “Mô hình gia công tại nước ngoài đang tiến đến trạng thái cân bằng [hoạt động gia công tại nước ngoài bằng 0].
Sự thay đổi quan trọng diễn ra trong thập kỷ vừa qua là mức lương tại các nước có chi phí thấp đã tăng lên. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương tại châu Á giai đoạn 2000-2008 tăng 7,1-7,8%/năm.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của hãng tư vấn Hay Group, tiền lương trả cho vị trí quản lý cao cấp tại nhiều thị trường mới nổi, như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, hiện ngang bằng hoặc cao hơn Mỹ và châu Âu. Mặt khác, theo Viện Toàn cầu McKinsey, mức lương tại các nền kinh tế phát triển chỉ tăng 0,5-0,9%/năm cùng kỳ. Trong ngành sản xuất/chế tạo, khủng hoảng tài chính đã khiến mức lương sụt giảm đáng kể: mức lương thực tế trong lĩnh vực sản xuất/chế tạo của Mỹ giảm 2,2% kể từ năm 2005.
Trái lại, theo BCG, giai đoạn 2002-2005, lương và phúc lợi trung bình của công nhân nhà máy tại Trung Quốc tăng 10%/năm, và lên 19%/năm giai đoạn 2005-2010. Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu mức tăng hàng năm lương tối thiểu đạt 13% vào năm 2015.
Đình công diễn ra ngày một nhiều hơn, và khi chúng diễn ra, theo lời của một giám đốc, chính phủ thường đề nghị giám đốc nhà máy ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của công nhân. Sau những bất ổn về lao động, mức lương tại một số nhà máy tăng mạnh. Honda, hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản, sau cuộc đình công năm 2010, tăng 47% lương cho công nhân Trung Quốc. Foxconn, công ty con của Hon Hai Precision Industries, hãng Đài Loan chuyên gia công cho Apple và nhiều hãng công nghệ khác, đã tăng 2 lần mức lương cho công nhân tại tổ hợp nhà máy ở Thâm Quyến sau hàng loạt các vụ tử tự. Những rắc rối về lao động sẽ còn tiếp tục.
Đẩy tôi …
Sau nhiều thập kỷ luôn phàn nàn về mức lương cao, điều kiện thoải mái và nhiều kỳ vọng vô lý của công nhân tại Mỹ và châu Âu, nhiều doanh nhân giờ đây lại đang kêu ca về công nhân Trung Quốc. Tham vọng của công nhân nước này ngày một tăng và họ ngày càng ít sẵn lòng làm thêm giờ những công việc buồn tẻ trong nhà máy. Bên cạnh đó, công nhân được bảo vệ nhiều hơn theo Bộ luật lao động mới ban hành năm 2008, kể cả quyền được ký hợp đồng dài hạn sau một năm làm việc, và công nhân nhận thức ngày một tốt hơn về quyền lợi của họ. Một chuyên gia tư vấn đã đùa rằng sa thải công nhân ở Trung Quốc giờ đây khó như ở Pháp.
Alain Deurwaerder, giám đốc điều hành nhà máy sản xuất mô-tô Ducati tại Thái Lan, cho biết, “Thị trường lao động Trung Quốc căng thẳng và quá tải đến mức tất cả lao động chất lượng cao đều kiệt sức, bạn phải tuyển dụng nhiều người có bằng cấp và năng lực thấp hơn, và như vậy, chất lượng trở thành vấn đề đau đầu”. Một giám đốc điều hành khác người châu Âu phàn nàn về tính liên tục thay đổi của lực lượng lao động Trung Quốc: “Nếu một ai đó phía bên kia đường trả thêm 50% lương, họ sẽ đi ngay lập tức”.
Lorne Schaefer, ông chủ Jenlo Apparel Manufacturing, công ty sản xuất đồ may mặc của Canada, đã khai trương nhà máy tại Lizhou, miền Nam Trung Quốc năm 2008 vì ông không thể tuyển thêm được công nhân tại quê nhà; người nhập cư gốc Trung Quốc và Việt Nam thế hệ thứ 2 ở Montreal không còn muốn làm việc trong ngành này. Hiện nay, Lorne Schaefer đang vấp phải vấn đề tương tự tại Trung Quốc.
Thế hệ công nhân mới nhất, số lượng ngày càng một giảm do chính sách một con của nước này, không còn hứng thú với công việc nặng nhọc trong nhà máy, họ cũng không muốn làm việc cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu vì tiêu chuẩn chất lượng tại đây cao hơn rất nhiều so với sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa. Do vậy, thậm chí trong các ngành cần nhiều lao động như dệt may, lợi ích chi phí mà Trung Quốc mang lại đang giảm rõ rệt.
Chỉ riêng chi phí lao động cao hơn là chưa đủ để thúc giục các công ty rời bỏ Trung Quốc. Đất nước này có chuỗi cung cấp phụ trợ cho các ngành công nghiệp tốt nhất thế giới và cơ sở hạ tầng hoạt động rất hiệu quả. Nhiều công ty/hãng đã đầu tư rất nhiều tiền của vào cơ sở của họ tại Trung Quốc.
Và những công ty ban đầu đến Trung Quốc chỉ để tìm kiếm chi phí lao động thấp hơn giờ đây muốn ở lại đây vì Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ. Tuy vậy, Gordon Orr, chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của McKinsey, cho rằng “quyết định tiếp tục đầu tư vào cơ sở sản xuất mới tại Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn”.
Một câu trả lời là đầu tư vào các nước khác có chi phí thấp. Ví dụ, Myanmar đang được chú ý nhiều hơn khi có tin phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng theo ông Sirkin, quy mô, kỹ năng và năng suất của lực lượng lao động nước này và các nước khác như Việt Nam và Campuchia, còn kém xa Trung Quốc. Hơn nữa, công nhân tại các nước này cũng đang đòi hỏi mức lương cao hơn và nhiều quyền lợi hơn.
Mexico, với lợi thế lớn nhờ có chung đường biên giới với Mỹ, đang được các công ty Mỹ cân nhắc đặt cơ sở sản xuất. Mức lương trung bình của công nhân nhà máy tại Mexico hiện chỉ cao hơn đôi chút so với Trung Quốc, trong khi thời gian vận chuyển hàng từ Mexico sang Bắc Mỹ chỉ được tính bằng ngày chứ không phải bằng tháng như Trung Quốc. Một số công ty như Chrysler thậm chí đang sử dụng Mexico làm cơ sở sản xuất cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Mexico cũng trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của ngành hàng không vũ trụ. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và tội phạm ma túy tràn lan có thể khiến nhiều công ty chùn bước.
Trong khi mức lương tại Trung Quốc tăng nhanh, chi phí tại Mỹ lại giảm. Việc chiết xuất thành công khí đốt tự nhiên từ đá phiến sét giúp cắt giảm đáng kể chi phí năng lượng. Hãng kế toán PricewaterhouseCoopers cho rằng, chi phí năng lượng tại Mỹ thấp hơn có thể tạo ra 1 triệu việc làm trong ngành sản xuất/chế tạo khi các doanh nghiệp xây nhà máy mới. Các công ty như Dow Chemical, chuyên về hóa chất, và Vallourec của Pháp, chuyên về ống thép, công bố các khoản đầu tư mới vào Mỹ nhằm tận dụng lợi thế về chi phí năng lượng và cung cấp thiết bị chiết xuất.
… và kéo bạn
Một trong các bang miền Nam, Alabama, năm ngoái được khích lệ to lớn khi Airbus, hãng chế tạo máy bay châu Âu, cho biết, sẽ mở một nhà máy mới quy mô lớn tại đây. Airbus cũng dự định mở rộng sản xuất ở châu Á bên cạnh nhà máy chính tại Thiên Tân, Trung Quốc, gần sát các thị trường mới nổi đang tăng trưởng nhanh. Fabrice Brégier, giám đốc điều hành Airbus, cho biết, đối với công nhân lành nghề “Trung Quốc không còn là nước có chi phí thấp”.
Các tổ chức công đoàn lớn ở Mỹ đôi khi sẵn lòng cho phép giảm lương để giữ việc làm ở lại quê nhà. Năm 2007, Công đoàn Công nhân ngành ô-tô Mỹ (UAW) chấp nhận cơ cấu lương 2 bậc, theo đó công nhân lao động thủ công mới tuyển dụng chỉ hưởng 1/2 mức lương của người có thâm niên cao hơn. Năm 2011, sau chi chính phủ tung ra gói cứu trợ ngành ô-tô, 3 ông lớn trong ngành này đã tuyển dụng nhiều hơn số công nhân hưởng lương bậc 2, cắt giảm đáng kể chi phí lao động. Ford đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc và Mexico về Ohio và Michigan, nhờ vào thỏa thuận mới với UAW.
Như đã đề cập trong phần ví dụ về ET Water Systems, chi phí vận chuyển đóng vai trò lớn trong quyết định hồi hương. Theo báo cáo của McKinsy về hoạt động sản xuất toàn cầu, chi phí vận tải đường biển, đường bộ và đường sắt gia tăng gây thiệt hại nhiều nhất cho các công ty sản xuất hàng hóa có “mật độ giá trị” tương đối thấp như hàng tiêu dùng, thiết bị/dụng cụ và đồ gia dụng. Điều này khiến việc hồi hương trở nên hấp dẫn hơn.
Emerson, hãng sản xuất thiết bị điện, đã chuyển các nhà máy từ châu Á về Mexico và Bắc Mỹ. Hãng IKEA của Thụy Điển, chuyên sản xuất sản phẩm gia dụng, đã khai trương nhà máy đầu tiên tại Bắc Mỹ như một biện pháp cắt giảm chi phí vận chuyển, và Desa, hãng sản xuất dụng cụ chạy điện, đã hồi hương về Mỹ hoạt động sản xuất từ Trung Quốc vì số tiền tiết kiệm được từ chi phí vận tải và nguyên liệu đủ để bù đắp chi phí lao động cao hơn.
|
Công nghệ in 3-D, một quy trình trong đó máy móc làm ra sản phẩm bằng cách phủ lớp các vật liệu lên nhau, đang được nhiều phòng phận nghiên cứu và nhiều nhà máy sử dụng. Disney đang phát triển công nghệ in 3-D trong sản xuất đồ chơi tương tác, và cho biết, trong tương lai các thiết bị tương tác bên trong loại đồ chơi như vậy có thể được in thay vì lắp ráp thủ công. Các máy in 3-D có thể hoạt động suốt ngày đêm. Hiện giờ, máy in loại này chủ yếu được sử dụng để sản xuất nguyên mẫu và các phụ kiện phức tạp, nhưng tới đây, chúng cũng sẽ được sử dụng để sản xuất thành phẩm.
Robot cũng đang tạo ra sự khác biệt về tỷ trọng chi phí lao động trong tổng chi phí. Nhiều nhà máy trên thế giới đang sử dụng robot rẻ hơn, thân thiện với người sử dụng hơn và khéo léo hơn, và chi phí đầu tư và vận hành chúng tại Mỹ cũng chỉ ngang bằng tại Trung Quốc.
Theo McKinsey, liên quan đến chi phí lao động, giá trung bình của robot tại nhiều nền kinh tế phát triển từ năm 1990 đã giảm 40-50%. Baxter, robot thế hệ mới do hãng Rethink Robotics của Mỹ chế tạo, có giá 22.000 USD/robot, an toàn và đơn giản đến mức thậm chí một công nhân không có chuyên môn cũng có thể vận hành, cài đặt và có thể hoạt động ngay bên cạnh con người thật.
Việc sử dụng Baxter và các loại robot cùng loại có nghĩa rằng hoạt động sản xuất/chế tạo sẽ ngày càng ít đi, nhưng vẫn còn rất nhiều công việc tại trụ sở các hãng/công ty. Và thậm chí nếu bản thân hoạt động sản xuất/chế tạo không cần nhiều công nhân, thì chuỗi cung cấp xung quanh nó cũng sẽ tạo ra công việc mới.
Nguồn Economist/Khampha