Kỷ nguyên gia công và thuê ngoài đến hồi kết (Phần 2)
Dù có nói hay không thì chi phí lao động thấp hơn luôn là lý do chính. Sự sống còn của nhiều hãng đang bị đe dọa trước việc đối thủ cạnh tranh liên tục hạ giá bán. Việc này thường kéo theo tình trạng đóng cửa hoặc giảm công suất nhà máy tại Mỹ và châu Âu khi nhiều nhà máy mới được mở tại Trung Quốc, Mexico, Đài Loan, Thái Lan, Đông Âu hoặc bất kỳ nơi nào có chi phí thấp hơn.
Triết lý cơ hội này được Jack Welch, giám đốc điều hành GE, lột tả xuất sắc nhất. Ông cho rằng chiến lược lý tưởng của một công ty toàn cầu là tất cả nhà máy sản xuất của mình trên một con thuyền lớn, đi đến khắp nơi trên thế giới để tận dụng mọi lợi thế ngắn hạn ở nhiều nền kinh tế và tỷ giá hối đoái.
Thuê ngoài mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Đối với công nhân tại các nước có chi phí thấp, thuê ngoài có nghĩa là có thêm việc làm và mức sống được nâng lên. Công nhân tại nước giàu có thể chuyển công việc cực nhọc cho người khác. Đối với giới doanh nghiệp, chi phí lao động thấp hơn mang lại lợi nhuận cao hơn. Người tiêu dùng phương Tây được tiếp cận với nhiều nguồn hàng hóa hơn với giá thấp hơn rất nhiều nếu hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì tại quê nhà.
Nhưng chuyển hoạt động sản xuất từ phương Tây sang phương Đông cũng góp phần làm biến mất một số việc làm tại nước giàu, nhất là những công việc không cần nhiều kỹ năng, nhưng giúp làm gia tăng tầng lớp trung lưu. Thuê ngoài trở thành một đặc điểm của toàn cầu hóa – đặc điểm mà công nhân tại thế giới phát triển ghét bỏ và lo sợ nhất. Khoảng một thập kỷ trước, nhiều hãng/công ty nhận ra rằng họ có thể sử dụng internet để chuyển hoạt động công nghệ thông tin, nội cần và hậu cần sang các nước như Ấn Độ và Philippines. Ngành công nghiệp thuê ngoài của Ấn Độ thực sự đã cất cánh và tiếp tục tăng trưởng.
Việc làm trong ngành sản xuất/chế tạo và dịch vụ rời khỏi nước giàu đang là chủ đề tranh luận gay gắt do những định nghĩa khác nhau và các công ty không công bố con số cụ thể. Nếu một nhà máy đóng cửa và một nhà máy khác khai trương ở nửa kia bán cầu, kết quả rất rõ ràng, nhưng nếu một hãng/công ty của Pháp vẫn giữ lại toàn bộ số công nhân tại quê nhà đồng thời tăng công suất tại Marocco để bán hàng vào Pháp, thế có phải là việc làm đã được chuyển ra nước ngoài?
|
Những dự báo gây chú ý như vậy đang gây ra tình trạng báo động. Trong cuộc khảo sát của NBC News và Wall Street Journal năm 2010, 86% người Mỹ được hỏi cho biết mô hình thuê ngoài của các công ty/hãng nội địa là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn kinh tế của nước này. Chính phủ mới của Pháp đã bổ nhiệm bộ trưởng Arnaud Montebourg trong một nỗ lực chống lại hiện tượng “di rời”. Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng bày tỏ mối lo ngại về việc liệu sau 20 năm nữa nước này có còn sản xuất xe hơi nữa hay không.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao tại các nước phương Tây sau khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã khiến người dân ở nhiều nước thù ghét mô hình thuê ngoài đến mức nhiều công ty hiện đang lưỡng lự có tham gia vào mô hình này hay không. Mối lo ngại của người dân về vấn đề này cũng khích lệ các chính trị gia chỉ trích rằng chính mô hình thuê ngoài của các công ty đang làm cho tình trạng thất nghiệp trở nên trầm trọng hơn.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Barack Obama hồi năm ngoái cũng viện dẫn rằng đối thủ Đảng Cộng hòa, Mitt Romney, đã chuyển hàng nghìn việc làm ra nước ngoài khi ông này góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân (private equity). Đổi lại, ông Romney đã công kích hãng sản xuất xe hơi Chrysler về kế hoạch sản xuất xe Jeep tại Trung Quốc.
Nguồn Economist/Khampha