Thứ Ba | 12/02/2013 15:18

Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 5)

Ấn Độ không còn là lựa chọn tất yếu của lĩnh vực thuê ngoài công nghệ thông tin và nội cần.
Hoạt động thuê ngoài của Ấn Độ đang thay đổi

Nếu Tata Consultancy Services (TCS), công ty phần mềm và thuê ngoài của Ấn Độ, muốn gây ấn tượng với khách hàng về những công hiến của hãng, không gì tốt hơn bằng cách đưa khách hàng đến bộ phận dịch vụ-công nghệ ở Electronics City, Bangalore.

Trong một căn phòng, rất nhiều kỹ sư trẻ ngồi san sát nhau, làm việc trên máy tính mô phỏng mô hình xe hơi đang tăng tốc và va chạm. Cánh cửa bên cạnh là phòng thí nghiệm chất đầy động cơ và phụ tùng xe của hãng sản xuất xe hơi Detroit, khách hàng của TCS. Bên cạnh một động cơ xe hơi là điện thờ nữ thần Durga. Một kỹ sư TCS giải thích “Chúng tôi tôn thờ động cơ xe hơi”. Hàng năm, các bức ảnh về các ngày lễ đều được gửi đến Detroit, và các ông chủ hãng xe này không ngạc nhiên nhiều nhưng hài lòng khi thấy động cơ xe hơi của họ được tôn thờ.

Tuy nhiên, họ muốn giữ yên lặng về công việc được làm ở Ấn Độ. TCS không được phép nêu tên khách hàng của họ. 10 năm trước, TCS, công ty con của Tập đoàn Tata, cùng với các công ty con khác là Tata Motors và Tata Steel (hiện Tata Steel là nhà máy sản xuất thép lớn thứ 7 thế giới, Tata Motors là nhà máy sản xuất ô tô hàng đầu Ấn Độ), chỉ gia công những việc đơn giản nhất cho hãng xe hơi. Nhưng hiện giờ công ty này đang tiến hành thử nghiệm hàng nghìn bộ phận của động cơ xe hơi, sử dụng nhiều mô hình máy tính, và đề xuất những cải tiến thiết kế.

Trong lĩnh vực thuê ngoài hoạt động sản xuất, đến giờ Trung Quốc đang là điểm đến quan trọng nhất, nhưng trong lĩnh vực dịch vụ, phần lớn được chuyển đến Ấn Độ. Theo cuốn “Cẩm nang gia công ở nước ngoài”, trong 10 thành phố hàng đầu về thuê ngoài, Ấn Độ có đến 6. Năm 2008, Ấn Độ tuyên bố có đến 65% công việc IT và 43% công việc quy trình kinh doanh toàn cầu được gia công tại nước này.

Brazil, Nga và Trung Quốc cũng có vị trí quan trọng, và đến năm 2011 có đến 125 địa điểm gia công cho nước ngoài cung cấp dịch vụ IT và Quy trình Kinh doanh (Business Process Outsourcing – BPO), nhưng không một điểm đến nào gần sát Ấn Độ - đất nước có nguồn cung cấp khổng lồ kỹ sư IT và công nghệ cũng như kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh.

Sự khéo léo của người Ấn Độ

5

Công việc tỉ mỉ và cẩn trọng của các lập trình viên người Ấn đã được ghi nhận trong nhiều sản phẩm phương Tây, từ xe hơi, truyện tranh Disney đến phần mềm Window của Microsoft. Năm 2004 các kỹ sư Ấn Độ ở Mumbai đã làm ra tượng Oscar cho lễ trao giải của năm.

Ấn Độ đang cung cấp lực lượng lao động để thực hiện các nhiệm vụ IT đơn giản với chi phí rất thấp. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ là ngăn ngừa sự lan rộng sự cố Y2K tại hàng triệu hệ thống máy tính hồi cuối năm 1999. Các công ty Ấn Độ cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ gia công quy trình kinh doanh (business-process outsourcing – BPO), được định nghĩa là xuất khẩu công việc hàng ngày như chăm sóc khách hàng hoặc xử lý yêu cầu đòi bảo hiểm, thông qua dịch vụ IT vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Hiện nay, như TCS đã chứng minh, các nhà cung cấp thuê ngoài của Ấn Độ đang thực hiện những nhiệm vụ ngày một phức tạp hơn phục vụ các công ty đa quốc gia trên nhiều lĩnh vực như thử nghiệm sản phẩm mới, thiết kế và phân tích phức tạp.

Mối lo ngại về việc làm ở phương Tây nảy sinh vì trong khi các nhà cung cấp thuê ngoài truyền thống của phương Tây như HP hoặc Logica từng chủ yếu tuyển dụng người địa phương, nhưng các công ty non trẻ của Ấn Độ đã giành được công việc thuê ngoài. Bản thân các công ty lớn của phương Tây sau đó đổ xô đi thuê nhân công ở Ấn Độ; IBM hiện là hãng tư nhân lớn thứ 2 ở Ấn Độ, chỉ sau TCS. Các công ty có thể chọn chuyển một số hoạt động IT và dịch vụ nội cần ra nước ngoài trực tiếp đến một hãng có trụ sở tại Ấn Độ hoặc “đội lốt” thông qua một hãng phương Tây với vẻ ngoài của một chuyên gia thuê ngoài.

Hãng Hackett, trụ sở tại Florida chuyên tư vấn cho các công ty về thuê ngoài, ước tính, giai đoạn 2002-2006 hoạt động thuê ngoài đã khiến các công ty quy mô lớn của Mỹ và châu Âu mất đi 2,1 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ (kể cả IT, nguồn nhân lực, thu mua và tài chính), trong khi thuê ngoài dịch vụ gia công quy trình kinh doanh, kể cả trung tâm hướng dẫn và giải đáp qua điện thoại (call centre) và khiếu nại, còn lấy đi nhiều việc làm hơn nữa.

Hackett cho biết, mỗi năm có đến 150.000 việc làm dịch vụ-kinh doanh rời khỏi châu Âu và Mỹ; thuê ngoài dịch vụ vẫn đang phát triển. Nhưng Hackett cũng dự đoán sự dịch chuyển công việc dịch vụ sang Ấn Độ và các nơi khác như Trung Quốc và Brazil sẽ chậm lại sau năm 2014 và dừng hẳn vào năm 2022.

Lý do chính đưa đến dự đoán gây sửng sốt này là phần lớn công việc có thể dễ dàng thuê ngoài đã hết. Pralay Das, nhà phân tích nguồn vốn tại Elara Captial ở Mumbai, ước tính, các ngân hàng Mỹ và châu Âu và các hãng dịch vụ tài chính đã thuê ngoài 80% những gì họ có thể chuyển đến Ấn Độ và nhiều nơi khác.

Lý do thứ hai là nhiều việc làm mà các hãng phương Tây có thể thuê ngoài trong những năm tới đã cạn kiệt do những cải tiến về năng suất. Việc làm mới tại các nền kinh tế phương Tây có xu hướng đòi hỏi khắt khe hơn, mức độ cao hơn và ít có khả năng chuyển ra nước ngoài.

Toàn bộ điều này đã đẩy ngành IT và BPO của Ấn Độ vào tình trạng khó khăn. Nhiều người lo ngại ngành IT và BPO của Ấn Độ sẽ ngừng tăng trưởng hoặc buộc phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn nhiều khi nhu cầu dịch vụ giảm sút.

Pankaj Kapoor, nhà phân tích tại Standard Chartered Bank ở Mumbai cho biết, rõ ràng đối với các nhà cung cấp IT Ấn Độ, nhu cầu thuê ngoài truyền thống – phát triển và bảo trì các phần mềm và ứng dụng thông thường – đang dần ổn định.

Không chỉ mô hình thuê ngoài đang đạt đến điểm bão hòa, mà ngay cả các công ty phương Tây, sau nhiều thập kỷ trải nghiệm, đang thay đổi thái độ về mô hình này. Hãng tư vấn toàn cầu KPMG thậm chí còn công bố: “Cái chết của mô hình thuê ngoài” trong một nghiên cứu hồi năm ngoái.

Rốt cuộc, thuê ngoài là hành động khá mạo hiểm và chứa đựng nhiều chi phí tiềm ẩn. Các công ty trong lĩnh vực dịch vụ cũng như sản xuất/chế tạo giờ đây nhận thức tốt hơn nhiều về những khó khăn ngoài dự tính có thể nảy sinh.

Cho đến gần đây, lý do quan trọng nhất khiến các công ty chuyển một lượng lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài là cắt giảm chi phí. Một thập kỷ trước, mức lương tại các thị trường mới nổi chỉ bằng 1/10 các nước giàu, một cơ hội quá tốt không thể bỏ qua. Trong cuộc suy thoái 2008-2009, theo Cliff Justice, chuyên gia hàng đầu của KPMG về gia công thuê ngoài, cuộc đua thuê ngoài tăng tốc, ngày càng nhiều công việc phức tạp và giá trị cao hơn được chuyển ra nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Justic, nhiều công ty nhận thấy họ đang mất dần sự kết nối với nhiều chức năng kinh doanh và hoạt động quan trọng. Đồng thời, lợi thế về chi phí từng thúc đẩy các công ty thuê ngoài đang dần biến mất. Mức lương trả cho kỹ sư phần mềm đang tăng nhanh và lạm phát ngày một cao hơn. Bundeep Rangar, giám đốc điều hành hãng tư vấn Indus View, cho biết, đối với IBM, tổng chi phí lao động của hãng tại Ấn Độ từng thấp hơn 80% so với tại Mỹ, nhưng giờ đây khoảng cách này chỉ còn 30-40%, và tiếp tục giảm.

Bản thân ngành thuê ngoài Ấn Độ cũng tiếp tục gánh chịu chi phi lao động ngày một tăng dẫn đến nhiều vấn đề về chất lượng. Nguyên nhân chính là phần lớn công việc thuê ngoài có đặc điểm lặp đi lặp lại và rất tẻ nhạt. Hơn nữa, nhiều ngành địa phương như bán lẻ, bảo hiểm và ngân hàng đang tạo ra nhiều công việc thú vị với triển vọng nghề nghiệp tốt hơn những gì lĩnh vực thuê ngoài IT và quy trình kinh doanh mang lại.

5

Chắc chắn, nhiều công việc thuê ngoài tại Ấn Độ những năm gần đây có tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhưng chi phí lao động tại thị trường này cũng đang tăng. Trung Quốc và Ấn Độ rất thiếu lực lượng các nhà phân tích và phát triển sản phẩm chuyên nghiệp, do vậy, mức lương trả cho những công việc này tăng 30%/năm. Theo ông Justice, mức lương trả cho những người có kỹ năng phân tích và phát triển sản phẩm tại Ấn Độ và Trung Quốc giờ đây thậm chí có thể cao hơn ở Mỹ và châu Âu, trong khi những bất lợi nảy sinh do khoảng cách địa lý vẫn tiếp tục tăng.

Lý do tại sao không

Những năm 1990 khi mô hình thuê ngoài còn tương đối mới mẻ, quan niệm phổ biến là đối tác bên ngoài thường giỏi hơn nhân viên nội bộ trong lĩnh vực IT, các hoạt động hành chính văn phòng và hậu cần (back-office) vì họ là những chuyên gia. Thậm chí nếu đối tác bên ngoài không giỏi hơn thì ít nhất giá thuê cũng thấp hơn. Quan niệm này được biết đến là “your mess for less”.

Tuy nhiên, giờ đây rõ ràng các công ty nước ngoài thường không thể làm tốt hơn công việc back-office tẻ nhạt, thậm chí còn tệ hơn. Nhiều mối quan hệ gia công và thuê ngoài có kết cục rất đáng thất vọng và thậm chí có thể dẫn đến kiện tụng.

Sau vài năm một số giám đốc điều hành nhận thấy mối quan hệ thuê ngoài cuối cùng lại có kết cục chua chát. Một công ty thuê ngoài nhiều hoạt động IT đồng nghĩa với việc đang mạo hiểm đánh mất bí quyết công nghệ trong lĩnh vực chủ chốt.

Theo ông Justic từ KPMG, một số công ty của Mỹ từng chuyển nhiều hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và các nước khác hiện đang xây dựng “năng lực vô hình” (shadow capability) trong hoạt động dịch vụ tại quê nhà. Sử dụng nguồn ngân sách không chính thức, một số giám đốc phụ trách thông tin đang tuyển dụng nhân viên đến cơ sở tại quê nhà để làm công việc tương tự như nhóm nhân sự nước ngoài đang làm.

Tuy chỉ một số ít công ty làm như vậy, nhưng những gì đang diễn ra đã cho thấy giá trị mà các công ty kỳ vọng vào khoảng cách địa lý. Thậm chí, một số người tiên phong trong phong trào thuê ngoài, kể cả General Electric và General Motors, đã quyết tâm hành động và đưa công việc IT trở lại quê nhà.

Nguồn Economist/Khampha


Sự kiện