Nguồn ảnh: The Washington Post
Kỷ nguyên của “kim loại đỏ” sau đại dịch COVID-19
Theo Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group, đại dịch COVID-19 mở đường cho “thời đại kim loại đỏ”, khi mà các chính phủ tăng gấp đôi các khoản đầu tư. Điều này thúc đẩy nhu cầu về đồng.
Hàng hóa chịu sự tác động mạnh của đại dịch. Đây được coi là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng chung của nền kinh tế.
Trong tháng 3, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh mẽ đã đẩy giá cả tụt dốc không phanh trong đỉnh điểm của đại dịch. Mặc dù vậy, giá niêm yết của đồng trên Sàn giao dịch kim loại London vào hôm nay vẫn đạt mức 5.909 USD mỗi tấn, tăng 0,5%. Theo Reuters, mức giá này khá gần mức giá cao nhất trong 5 tháng qua (khoảng 5.928 USD mỗi tấn).
Trong một nghiên cứu của ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group dự đoán, đại dịch sẽ thúc đẩy xu hướng hỗ trợ của các chính phủ trong môi trường đầu tư và số hóa. Điều này tạo nên sự bùng nổ nhu cầu về đồng.
Ông Gloystein cho rằng, “Xu hướng phát triển kỹ thuật số và chương trình phục hồi nền kinh tế xanh sẽ tạo điều kiện bùng nổ nhu cầu về kim loại đồng, đặc biệt tại châu Á và châu Âu. Xe điện, mạng 5G và năng lượng điện tái tạo, tất cả những điều này đòi hỏi một lượng lớn kim loại đỏ.”
Ông Gloystein dự báo, nhu cầu đồng có thể giảm 5% trong năm 2020 do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, với các chính sách kích thích tài khóa trên diện rộng sẽ thúc đẩy nhu cầu về kim loại đỏ này trở lại ở mức trước khủng hoảng trong năm 2021. Trong khi đó, các nhà kinh doanh và giới khai thác dự kiến mức tiêu thụ sẽ tăng 4% vào năm tới.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Liên bang Mỹ dự báo giá đồng sẽ tăng vào đầu tháng 6, mức giá kì vọng năm 2020 là 5.621 USD một tấn, tăng 5,4%. Mức giá dự kiến trong năm 2021 là 6.250 USD một tấn. Các dự báo đã làm giảm “các gói kích thích tài chính đáng chú ý” và kỳ vọng giao dịch mua nguyên liệu thô sẽ tăng lên khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Theo Reuters, các nhà phân tích Morgan Stanley cũng hy vọng nhu cầu về kim loại đồng sẽ nhanh chóng quay trở lại mức trước đại dịch. Với các biện pháp kích thích toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và sự gián đoạn nguồn cung sẽ thúc đẩy nhu cầu về đồng tăng trở lại.
Các nghiên cứu xây dựng mạng lưới sạc xe điện, thiết kế lại đường để đi xe đạp, chống lũ lụt và trồng cây. Nguồn ảnh: PA |
Đầu tư Xanh
Theo báo cáo của Eurasia Group, trong thập kỷ này, các chương trình năng lượng sạch và số hóa dự kiến sẽ đẩy nhu cầu đồng tăng trưởng trung bình hàng năm lên 2,5%. Lượng đồng tiêu thụ dự kiến lên tới 30 triệu tấn vào năm 2030.
Ông Gloystein cho rằng, việc thay đổi chính sách ở châu Á và châu Âu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu về đồng. Sự thay đổi trong lĩnh vực vận tải dự kiến sẽ là “động lực lớn nhất của nhu cầu sử dụng đồng”.
Hiện tại, ngành công nghiệp sản xuất xe điện chỉ chiếm 1% nhu cầu đồng. Kì vọng nhu cầu này sẽ đạt 10% trong năm 2030.
Ông Gloystein cũng dự đoán, Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ đầu tư hàng trăm tỉ USD vào việc số hóa nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia khác cũng cam kết “mạnh tay” đầu tư vào cơ sở hạ tầng Xanh và xe điện.
Đồng sẽ trở nên quan trọng với hầu hết các ngành công nghiệp hiện đang phát triển. Đây sẽ là thời đại của “kim loại đỏ”.
Sa lầy chính trị
Người hưởng lợi chính từ nhu cầu đồng tăng là các quốc gia ở nam bán cầu, nơi phát triển ngành khai thác đồng. Tuy nhiên, có thể thấy ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác đồng như đòn bẩy chính trị ở cả Úc và Nam Mỹ.
Sự trỗi dậy trong nền kinh tế đồng có ý nghĩa về mặt chính trị.
Trung Quốc sử dụng lượng đồng tinh chế lớn nhất thế giới. Nguồn ảnh: Financial Times |
Vị trí thống lĩnh của “gã khổng lồ” Trung Quốc với tư cách là người mua nguyên liệu thô mang lại cho Trung Quốc nhiều sức mạnh chính trị hơn đối với các khu vực khai thác đồng.
Theo Eurasia Group, với việc tiêu thụ khoảng 13 triệu tấn hàng hóa trong năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành người sử dụng đồng tinh chế lớn nhất thế giới.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc đã lan rộng trong những năm gần đây sau khi chính phủ Úc cấm các mạng nội địa 5G của công ty viễn thông khổng lồ Huawei Trung Quốc. Và việc Úc hỗ trợ Mỹ trong tuyên bố cho rằng sự hiện diện của công ty Huewei làm nguy hại đến bảo mật quốc gia.
Gần đây, mối quan hệ này càng trở nên tệ hại hơn nữa bởi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra về trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19. Ngược lại, Trung Quốc cũng áp thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa của Úc.
Mặc dù, các nhà lập pháp Úc nỗ lực nhằm điều chỉnh việc xuất khẩu ra khỏi Trung Quốc nhưng mục tiêu này khá hạn chế bởi nhu cầu đồng tăng.
Trong bối cảnh đó, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Chile, quốc gia xuất khẩu đồng đứng đầu thế giới. Chile cũng là thành viên trong sáng kiến thương mại “Vành đai và Con đường”.
Doanh số của xuất khẩu đồng cho Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Chile. Doanh số xuất khẩu đồng cao càng làm tăng sự phụ thuộc của Chile vào Trung Quốc và khiến quốc gia này chịu áp lực chính trị từ phía Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ gây bất lợi đối với Chile trong các cuộc đàm phán thương mại Thái Bình Dương, việc sử dụng thiết bị Huawei và cả trong quan hệ với Mỹ.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Peru, khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của nước này gần gấp đôi số lượng hàng hóa xuất sang châu Âu hoặc Mỹ.
Có thể bạn quan tâm:
► Cứng rắn với Ấn Độ, Trung Quốc có vẻ như đã mạo hiểm?
► Trung Quốc phải chuẩn bị cho những rủi ro khi bị Mỹ cấm vận
Nguồn CNBC