Thứ Năm | 08/08/2013 12:27

Kinh tế Trung Quốc và lời nguyền nhà cao tầng

Mỗi lần thế giới có tòa tháp cao nhất ở nước nào, nước đó sẽ suy thoái kinh tế sau một thời gian ngắn.
Ngày 20/7 vừa qua, Trung Quốc cho động thổ dự án Sky City tại thành phố Changsha. Tòa nhà dự kiến hoàn thành năm 2014 với tổng kinh phí ước tính gần 1,5 tỷ USD. Và với chiều cao 838m, nó sẽ vượt mặt Burj Khalifa (Dubai) để thành tòa tháp cao nhất thế giới.

Andrew Lawrence - Giám đốc bộ phận nghiên cứu bất động sản khu vực Trung Quốc - Hong Kong tại Tập đoàn Dịch vụ tài chính CIMB (Malaysia) cho biết: "Suốt 150 năm qua, Skyscraper Index luôn cho thấy mối liên hệ giữa sự ra đời của các tòa nhà cao nhất thế giới và suy thoái kinh tế. Với Trung Quốc, chẳng có lý do gì việc này sẽ thay đổi". Theo chỉ số trên, cứ mỗi lần thế giới có tòa tháp cao nhất ở nước nào, nước đó sẽ suy thoái kinh tế sau một thời gian ngắn.

Tại Mỹ, Chrysler Building được xây xong ngày 23/10/1929, biến đây thành tòa tháp cao nhất thế giới thời đó với 319m. Nhưng chỉ 5 ngày sau, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc 13%, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuộc Đại suy thoái.

Tháng 3/1996, tháp đôi Petronas của Malaysia được hoàn thành và cũng là tòa tháp cao nhất thế giới với 452m. Chỉ 16 tháng sau, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra. Thị trường chứng khoán Malaysia mất nửa giá trị, tính đến cuối năm 1997.

Còn ở Dubai, tòa tháp 828m Burj Khalifa được xây xong tháng 10/2009. Hai tháng sau, tiểu quốc này bị khủng hoảng nợ càn quét khi khủng hoảng tài chính lan rộng khắp thế giới. Các cơn bão kinh tế tương tự cũng từng xảy ra sau khi tòa Empire State Building (Mỹ), Trung tâm thương mại thế giới (Mỹ) và Taipei 101 (Đài Loan, Trung Quốc) hoàn thành.

Sky City sẽ là tòa tháp cao nhất thế giới khi hoàn thành. Ảnh: Dvice
Sky City sẽ là tòa tháp cao nhất thế giới khi hoàn thành. Ảnh: Dvice

Lawrence tin rằng cả sự bùng nổ xây dựng và cơn bão tài chính đều có mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng tín dụng. Ông cho biết: "Việc này cũng giống như Trung Quốc trước năm 2008 vậy".

Thời điểm đó, để ngăn cản ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã tung ra rất nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ, nhằm tăng thanh khoản và đầu tư cho nền kinh tế. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng những chính sách trên đã gieo mầm cho bong bóng tín dụng và bất động sản, giờ đang là nỗi ám ảnh với nhà đầu tư và các công ty xây dựng.

Lawrence cho biết: "Trung Quốc sẽ xây tới 40% các tòa nhà chọc trời của thế giới trong 4 năm tới. Rõ ràng là họ đang tạo ra bong bóng xây dựng". Tuần trước, tòa tháp cao nhất nước này - Shanghai Tower cũng đã được cất nóc. Với chiều cao trên 600m, đây sẽ là tháp cao nhì thế giới, chen vào giữa Burj Khalifa và Taipei 101.

Art Gensler - nhà sáng lập Tập đoàn thiết kế và kiến trúc Gensler nhận xét: "Tôi cho rằng họ chỉ muốn có thứ gì đó làm biểu tượng thôi. Và Shanghai Tower sẽ là biểu tượng của Trung Quốc".

Dù vậy, giới phân tích vẫn ngày càng lo ngại về hậu quả nếu bong bóng xây dựng ở Trung Quốc vỡ vụn. Michael Pettis - Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh cho biết: "Câu chuyện của Trung Quốc vừa rẽ ngoặt sang hướng tồi tệ hơn. Nền kinh tế này dường như sắp sụp đổ, và có thể kéo theo cả thế giới".

Các dữ liệu kinh tế công bố tháng trước cho thấy GDP nước này chỉ tăng 7,5% trong quý II, thấp nhất trong 9 tháng, theo Tổng cục thống kê Trung Quốc. Trong khi đó, suốt hơn ba thập kỷ qua, tăng trưởng trung bình của nước này là 10% mỗi năm.

Nguồn VnExpress


Sự kiện