Ảnh: Nikkei Asia.
Kinh tế Trung Quốc ngày càng ảm đạm khi khủng hoảng bất động sản lan rộng
Tháng trước, giới chức Trung Quốc đã gieo hy vọng cho các nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản, khi tuyên bố hỗ trợ cho các nhà phát triển gặp khó khăn.
Tuần trước, viễn cảnh tốt đẹp đó đã tan biến khi Country Garden Holdings, một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, cho biết đã bỏ lỡ đợt thanh toán trái phiếu đáo hạn đầu tiên vào ngày 07/08, trị giá 22,5 triệu USD. Nếu công ty không thanh toán cho các nhà đầu tư sau khi đáo hạn 30 ngày, thì sẽ bị coi là vỡ nợ trái phiếu.
Công ty lại khiến các nhà đầu tư lo lắng một lần nữa khi cho biết khoản lỗ ròng lên tới 55 tỉ nhân dân tệ (7,6 tỉ USD) trong nửa đầu năm nay, so với mức lãi ròng 1,91 tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái.
Các vấn đề của công ty nổi lên trong cùng một tuần mà những tin tức ảm đạm về nền kinh tế Trung Quốc ập đến. Bắc Kinh báo cáo rằng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7 trong khi giá tiêu dùng giảm 0,3%, làm dấy lên lo ngại rằng áp lực giảm phát đang gia tăng. Các khoản vay ngân hàng trong tháng 7 tăng với tốc độ chậm nhất trong 14 năm, bất chấp việc cắt giảm lãi suất gần đây.
Ông Mo Bin, Chủ tịch của Country Garden, đã đề cập đến nền kinh tế Trung Quốc khi nói về những khó khăn của công ty, ông cho biết biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bất động sản giảm, còn khoản dự phòng rủi ro cho các dự án, bị ảnh hưởng doanh số vì tình hình chung của ngành, lại tăng.
Doanh số trong tháng 7 của Country Garden là 12.07 tỉ nhân dân tệ, giảm 60% so với một năm trước và 78% so với năm 2021.
Bộ Chính trị đã khơi dậy sự phục hồi của cổ phiếu bất động sản Trung Quốc sau khi kết thúc cuộc họp tháng 7 với tuyên bố cam kết điều chỉnh và tối ưu hóa chính sách bất động sản một cách kịp thời, và không nhắc đến câu nói ưa thích của Chủ tịch Tập Cận Bình: "nhà ở là để ở chứ không phải để đầu cơ."
Cổ phiếu bất động sản tăng giá đã giúp CSI 300 lần đầu tiên vượt qua mốc 4.000 vào ngày 31/7 kể từ tháng 5 trước. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng tương tự, tăng trên 20.000 vào ngày 31/7 và sau đó trượt trở lại 19.075,19 vào cuối ngày 11/8.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thay đổi lập trường vào tuần trước, bán ròng 25,58 tỉ nhân dân tệ (3,57 tỉ USD) cổ phiếu Trung Quốc thông qua chương trình Kết nối chứng khoán Hồng Kông- đại lục, đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ so với tuần trước trước đó, khi họ mua ròng 12,46 tỉ nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc.
Ông Jonathan Garner, Chiến lược gia chứng khoán tại Morgan Stanley trụ sở Singapore, cho biết giới chức Trung Quốc đã bắt đầu thừa nhận cần phải đảo ngược một số biện pháp đã gây áp lực lên thị trường bất động sản trước đây.
Nhưng ông nói thêm rằng các quan chức Bắc Kinh khó mà giúp đỡ các doanh nghiệp, khi vẫn nhắm đến mục tiêu dài hạn là giảm tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản trong nền kinh tế và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.
Trong khi đó, không có biện pháp quan trọng nào để giải cứu lĩnh vực bất động sản được tiết lộ kể từ cuộc họp của Bộ Chính trị, còn doanh nghiệp bất động sản thì ngày càng ngắc ngoải.
Các nhà doanh nghiệp thiếu tiền mặt khác đang bị đẩy ra khỏi thị trường chứng khoán. Công ty phát triển Languang Tứ Xuyên đã bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tháng 6, sau khi giá cổ phiếu duy trì dưới mức tối thiểu 1 nhân dân tệ trong hơn 20 ngày làm việc. Theo tiết lộ mới nhất trước khi hủy niêm yết, công ty vẫn chưa thanh toán khoản nợ 42,55 tỉ nhân dân tệ và phải đối mặt với nhiều vụ kiện tụng.
Các công ty bất động sản khác đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ của họ bao gồm Ronshine China Holdings, một nhà phát triển quy mô vừa, được niêm yết tại Hồng Kông, có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến phía nam, đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài vào tháng 6, với hơn 2 tỉ USD đáo hạn chưa được thanh toán cho các nhà đầu tư. Zhenro Properties Group, một công ty quy mô trung bình khác được niêm yết tại Hồng Kông, đã vỡ nợ trái phiếu nước ngoài trị giá 300 triệu USD vào tháng 5, một trong những vụ vỡ nợ gần đây nhất của công ty.
Tỉ lệ vỡ nợ của các công ty bất động sản phát hành trái phiếu (%). Ảnh: Nikkei Asia. |
Ông ason Hsu, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Rayliant Global Advisors, cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể vẫn biến động mạnh, khi các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm những tín hiệu từ tuyên bố mới đây của giới chức.
Ông nói: “Đối với các nhà đầu tư dài hạn, họ cần nắm bắt các dấu hiệu về một chính sách kích thích cụ thể từ Bắc Kinh, đồng thời nếu giới Trung Quốc càng chờ đợi lâu thì việc hâm nóng thị trường bất động sản trong nước diễn ra càng tốn kém.
Có thể bạn quan tâm:
M&A giữa các công ty Nhật Bản tăng vọt 80%
Nguồn Nikkei Asia