Kinh tế Trung Quốc le lói ánh sáng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 5/2016 giảm 4,1% (tính theo USD) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 0,4% - mức giảm nhỏ nhất kể từ cuối năm 2014, đưa thặng dư thương mại đạt 50 tỷ USD. Do nhân dân tệ giảm giá, nếu tính theo nội tệ, số liệu về xuất nhập khẩu của Trung Quốc khả quan hơn.
Harrison Hu, nhà kinh tế học về Đại lục tại Royal Bank of Scotland Plc ở Singapore, cho rằng, thời kỳ tồi tệ nhất đối với xuất khẩu của Trung Quốc đã qua. Khối lượng xuất khẩu đã tăng nhẹ. Nhân dân tệ giảm giá cũng hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc.
Cùng với những chuyển biến tích cực về nhập khẩu, số liệu về doanh số bán ôtô công bố hôm thứ Tư 8/6 cũng cho thấy nhu cầu nội địa vẫn ổn định. Sức mua ôtô trong tháng 5/2016 tăng 11% lên 1,76 triệu chiếc, ghi nhận tháng tăng thứ 9 trong 10 tháng qua, theo số liệu của Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.
Hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đang vấp phải những làn gió ngược. Hôm thứ Ba 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,4% trong năm nay - bằng tốc độ của năm 2015 - từ 2,9% dự đoán hồi tháng 1/2016.
Trong khi Fed đang cân nhắc nâng lãi suất, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn giữ ổn định tỷ giá nhân dân tệ ở mức thấp kỷ lục từ tháng 10/2015 nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Ma Jun, kinh tế trưởng tại Văn phòng Nghiên cứu thuộc PBOC, đã hạ dự báo của ông về xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay với mức giảm 1% so với dự báo tăng 3,1% đưa ra trước đó, theo một báo cáo ra hôm thứ Tư 8/6.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại là lý do chính để ông Ma Jun hạ dự báo. Xuất khẩu giảm 10 điểm phần trăm có thể khiến GDP giảm 1%.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hong Kong trong tháng 5 tăng kỷ lục 243% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức kỷ lục 204% trong tháng 4.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg