Kinh tế Trung Quốc đang “méo mó” hơn thời kỳ Đại nhảy vọt
Đó là nhận định của ông Ha Jiming – Phó chủ tịch Goldman Sachs Group Inc, đồng thời là chiến lược gia đầu tư tư nhân tại Trung Quốc – đưa ra trong cuộc họp tại New York hôm 14/10, được tổ chức bởi tạp chí Caixin.
“Kinh tế Trung Quốc mất cân bằng hơn so với nửa thế kỷ trước – thời điểm mà những quyết sách "Đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng”, Ha Jiming – Phó chủ tịch Goldman Sachs Group Inc, đồng thời là chiến lược gia đầu tư tư nhân tại Trung Quốc – phát biểu trong cuộc họp tại New York hôm 14/10, được tổ chức bởi tạp chí Caixin.
Năm 1958-1960, Mao Trạch Đông thực hiện chính sách "Đại nhảy vọt": sử dụng dân số khổng lồ của Trung Quốc trong việc cải cách kinh tế - xã hội nhằm đưa Trung Quốc từ một nước nông nghiệp trở thành nền kinh tế công nghiệp hiện đai. Để đẩy mạnh sản lượng thép, Mao Trạch Đông kêu gọi người dân nấu chảy mọi thứ như đồ dùng gia đình, tay nắm cửa để làm nguyên liệu; chặt cây, tàn phá thiên nhiên để làm nhiên liệu cho các lò nung. Quyết sách cẩu thả, vội vàng, thiếu nền tảng đã khiến "Đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông trở thành thảm họa kinh tế, gây ra nạn đói khủng khiếp khiến hàng chục triệu người bỏ mạng.
Đó là thời kỳ đen tối của Trung Quốc. Và một tuyên bố mới đây của chuyên gia kinh tế Ha Jiming khiến thế giới rùng mình khi cho rằng lịch sử có thể lặp lại, thậm chí, tệ hại hơn khi kinh tế Trung Quốc có quá nhiều méo mó, Bloomberg cho biết.
Ông Ha Jiming là tiến sĩ kinh tế trường Đại học Kansas. Từ 1993-2004, ông là chuyên gia kinh tế cấp cao của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington. Sau khi giữ chức Kinh tế trưởng China International Capital Corp, năm 2010, ông gia nhập Goldman Sachs.
Chính trị ảnh hưởng đến kinh tế
Nhà kinh tế cấp cao tại IMF trong hơn 10 năm cho biết: "Kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phục hồi cho đến khi Tập Cận Bình khắc phục tình trạng giảm phát, sản xuất dư thừa và cho vay quá mức". Đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc năm ngoái tăng đến 46% GDP - một con số lịch sử tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một nguy cơ lớn của Trung Quốc là xây dựng kinh tế như một cách làm chính trị. Ông nhấn mạnh, việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá đang khiến nền kinh tế nước này đối mặt nhiều rủi ro.
Trung Quốc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nhà máy, xây dựng các tòa nhà, máy móc, cùng với sự bùng nổ cho vay thổi phồng các khoản nợ chính phủ ở các tập đoàn và địa phương. Theo dự đoán của những chuyên gia kinh tế của Bloomberg, GDP có thể chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý 3, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 2009, và thấp hơn mục tiêu chính phủ đề ra là 7%.
Nhà nước can thiệp quá nhiều vào kinh tế
Tại Trung Quốc, nhà nước chi phối quá nhiều vào nền kinh tế. Các công ty nhà nước tạo ra sức ì nặng nề đối với kinh tế khi nắm giữ 110 tỷ nhân dân tệ (tương đương 17 nghìn tỷ USD) nhưng chỉ đóng góp 3% lợi nhuận, ít hơn một nửa số lợi nhuận của các công ty tư nhân đóng góp. Vì thế, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước trở thành chìa khóa then chốt kích thích sự phát triển của nền kinh tế thứ 2 thế giới, theo nhận định của Nicholas Lardy – thành viên cấp cao Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Nhân dân tệ (CNY) trượt giá cũng gây ra không ít phiền phức cho bất cứ ai “dính dáng” đến Trung Quốc. Chính phủ kiểm soát việc đầu tư ra nước ngoài để thắt chặt kiểm soát vốn, khiến việc chuyển tiền ra nước ngoài ngày càng khó khăn hơn.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã phải chi hàng trăm tỷ USD để thúc đẩy ngoại tệ sau khi CNY mất giá bất ngờ vào tháng 8 – một chiến lược nhằm nâng cao sự ảnh hưởng của CNY đến việc quyết định tỷ giá. Dù PBoC tuyên bố ngân hàng này đủ khả năng để giữ CNY ổn định nhưng ông Ha Jiming cho biết mọi thứ chỉ có thể cầm cự trong thời gian ngắn. Đồng bạc Trung Quốc sẽ tiếp tục rớt giá trong những năm sắp tới tương ứng với cán cân thương mại nước này chuyển từ thặng dư sang thâm hụt.
Bằng một số biện pháp, đồng CNY đã được định giá quá cao. Ông Ha cho ví dụ, một chiếc hamburger Big Mac tại Trung Quốc có giá đắt hơn hẳn những nước có thu nhập tương đương. Chi phí lao động tại Trung Quốc cũng cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Một lần nữa, chuyên gia kinh tế cấp cao này khẳng định: "Đồng CNY nhất định sẽ tiếp tục mất giá".
Nguồn DNSG