Thứ Tư | 20/02/2013 14:44

Kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn hậu công nghiệp?

Thời đại hậu công nghiệp của kinh tế Trung Quốc được thể hiện qua việc ngành dịch vụ đang dần lấn lướt khu vực sản xuất.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn nổi danh về sức mạnh công nghiệp. Tính riêng năm 2012, các nhà sản xuất, khai mỏ, tiện ích và xây dựng chiếm hơn 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Nếu so sánh với Mỹ, con số này lớn hơn rất nhiều bởi ngành công nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 20% GDP của Mỹ.

Có thể nói, vai trò của ngành công nghiệp trong sản lượng kinh tế Trung Quốc là quá lớn. Điều này đặc biệt đúng khi so sánh kinh tế Trung Quốc với kinh tế Mỹ thời đại hậu công nghiệp, cũng như các nền kinh tế khác có cùng nhịp độ phát triển.

Theo tính toán của World Bank và Viện nghiên cứu Brookings, phần đóng góp của ngành sản xuất vào GDP tổng của Trung Quốc cao hơn 18% so với mức tiêu chuẩn toàn cầu trong năm 2005. Ngược lại, ngành dịch vụ lại thấp hơn 8% so với mức trung bình (đồ thị).
Biểu đồ 1
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dựa dẫm quá nhiều vào các nhà máy sản xuất. Gần như mọi chính sách từ trợ cấp đất đai, tín dụng cho đến nguồn lực đều tập trung cho ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ giá rẻ cũng giúp hỗ trợ sức cạnh tranh cho các mặt hàng sản xuất. Những mặt hàng này sau đó lại được xuất khẩu ra nước ngoài để thu về ngoại tệ.

Trong khi đó, các ngành dịch vụ của Trung Quốc không có được những đặc ân như thế.

Tuy nhiên, năm 2013 có thể là cột mốc đánh dấu một bước chuyển thú vị của kinh tế Trung Quốc. Năm 2013 có thể là năm trỗi dậy của khu vực dịch vụ Trung Quốc so với khu vực sản xuất.

Theo các con số thống kê quốc gia, ngành dịch vụ Trung Quốc (bao gồm vận tải, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, phục vụ, tài chính, bất động sản, nghiên cứu khoa học và một số lĩnh vực khác) chiếm tới 44,6% GDP của Trung Quốc trong năm 2012, chỉ thấp hơn đôi chút so với ngành công nghiệp (45,3%). Từ biểu đồ, có thể thấy ngành dịch vụ Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh.

Biểu đồ 2
Sự gia tăng của ngành dịch vụ còn được phản ánh trong sự tái cân bằng liên tục giữa nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, ngành dịch vụ mạnh hơn cũng là yếu tố quan trọng giúp tái cân bằng cho Trung Quốc.

Ngoài ra, các ngành dịch vụ có xu hướng thâm dụng lao động khá lớn, do đó việc mở rộng ngành dịch vụ sẽ khuyến khích tạo việc làm nhanh hơn, mức lương cao hơn và kéo theo chi tiêu hộ gia đình cũng lớn hơn.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, song ngành dịch vụ nước này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Dù có sức tăng trưởng lớn, song vai trò của ngành dịch vụ trong GDP Trung Quốc vẫn rất thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu.

Không thể phủ nhận, đóng góp của ngành dịch vụ vào nền kinh tế tổng của Trung Quốc đã cải thiện rõ rệt so với năm 2005, song kể từ đó đến nay kinh tế Trung Quốc cũng có những bước chuyển lớn. Xét về quy mô kinh tế, hai nhà phân tích Messrs Ghani của World Bank và Homi Kharas của viện Brookings cho rằng ngành dịch vụ đáng lẽ phải chiếm từ 55-60% GDP của Trung Quốc. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thay đổi căn bản vai trò của ngành dịch vụ.

Nguồn The Economist/Khampha


Sự kiện