Thứ Hai | 14/12/2015 19:20

Kinh tế Trung Quốc dần ổn định, rào cản cuối cùng của Fed đã được dỡ bỏ?

Số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định, loại bỏ rào cản lớn nhất đối với việc nâng lãi suất của Fed.

Theo số liệu của Bloomberg, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 11 ước tính tăng trưởng 6,85% - con số tốt nhất kể từ tháng 6, sau khi các báo cáo công bố hôm thứ Bảy 12/12 cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đều vượt dự báo.

Sự tăng trưởng bất ngờ của các cỗ máy tăng trưởng truyền thống cùng sự tích cực của những nhân tố mới trong nền kinh tế Trung Quốc đã giúp dọn đường cho Fed nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Trung Quốc đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và tăng chi tiêu tài khóa - dù hiện nay mức đòn bẩy đã lên cao kỷ lục, ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.

Wang Tao, kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc tại UBS Group AG ở Hong Kong, cho biết, nền kinh tế thực của Trung Quốc đang dần ổn định. Các biện pháp tăng cường hỗ trợ tăng trưởng đã được đưa ra và tiếp tục triển khai, giúp củng cố đà tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Sau 6 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 11/2014 không thể giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu giảm tháng thứ 5 liên tiếp, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đang thay đổi chiến thuật. Hôm thứ Sáu 11/12, PBOC đã phát tín hiệu sẽ giảm dần mức độ neo tỷ giá giữa nhân dân tệ (NDT) và USD bằng cách theo dõi biến động tỷ giá giữa NDT với nhiều đồng tiền trong giỏ tiền tệ.

Hoạt động cho vay cũng là một dấu hiệu khác về sự ổn định khi số liệu của PBOC cho thấy các khoản vay mới bằng NDT trong tháng 11 tăng lên 708,9 tỷ NDT, thoát khỏi đáy 15 tháng qua, trong khi chỉ tiêu rộng nhất đo lường mức tín dụng mới cũng hồi phục lên 1,02 nghìn tỷ NDT (158 tỷ USD).

Theo báo cáo hôm 12/12, sản lượng công nghiệp tháng 11 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 5,7% dự đoán của các nhà kinh tế học trong khảo sát Bloomberg. Trong 11 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tăng 11,2% trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 10,2%.

Louis Kuijis, phụ trách kinh tế học châu Á tại Oxford Economics ở Hong Kong, nhận định, nguy cơ hạ cánh cứng khá thấp. Các biện pháp nới lỏng chính sách vĩ mô thực hiện hồi đầu năm nay đã có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách đã tăng cường các biện pháp kích thích khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm từ 7,3% năm 2014 xuống 7% trong nửa đầu năm 2015 và xuống 6,9% trong quý III/2015.

Trong bối cảnh nhập khẩu giảm và lạm phát tăng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tăng cường biện pháp kích thích nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình cho đến cao, song song với tiến trình dịch chuyển mô hình kinh tế từ tập trung sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng sang mô hình trong đó tiêu dùng và dịch vụ đóng vai trò trọng tâm.

Một số nhà kinh tế học thuộc Bloomberg cho rằng, các biện pháp kích thích phát huy tác dụng trong việc ổn định tăng trưởng. Báo cáo của Trung Quốc hôm 12/12 đã giúp Fed loại bỏ trở ngại đối với việc nâng lãi suất trong phiên họp chính sách diễn ra vào ngày 15-16/12 tới đây.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg