Ảnh: Caixin

 
Vũ Hạo Thứ Năm | 13/02/2020 20:10

Kinh tế Trung Quốc bị tàn phá nặng nề bởi sự lây lan của virus corona

Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe, còn hơn thế nữa.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra hiện đang gây ra “cơn đau đầu” tột độ cho nền kinh tế thực của Trung Quốc.

Mặc dù những trường hợp lây nhiễm virus corona đầu tiên được ghi nhận vào cuối tháng 12/2019, nhưng căn bệnh này vẫn chưa được nhìn nhận nghiêm tức cho đến ít nhất là ngày 20/01/2020. Đây là thời điểm chính phủ Trung Quốc xác nhận loại virus corona chủng mới này có thể lan truyền từ người này sang người khác.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã áp lệnh hạn chế đi lại ở khắp đất nước, từ đó gây gián đoạn cho mạng lưới logistics và tàn phá nhiều ngành công nghiệp từ lọc dầu cho đến sản xuất thiết bị.

Giá hàng hóa, bao gồm cả dầu, quặng sắt và đồng, đều tụt dốc, phản ánh tác động tức thời của virus corona đến nhu cầu tại Trung Quốc. Chẳng hạn như giá dầu Brent – một trong hai giá dầu tiêu chuẩn chính trên thế giới – giảm 15% trong giai đoạn 20/01-06/02/2020, xuống mức 55 USD/thùng.

Nhu cầu dầu giảm mạnh

Thành phố Vũ Hán – tâm chấn của sự bùng phát dịch bệnh – đã bị chặn cửa khẩu vào ngày 23/01, trong đó những phương tiện vận tải vào thành phố này đều bị chặn, bao gồm những chuyến bay, tàu lửa và xe buýt. Không lâu sau đó, các biện pháp kiểm soát đi lại trên khắp thế giới bắt đầu có hiệu lực. Rồi đến lượt các hãng hàng không trên khắp thế giới tạm ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Vào chiều ngày thứ Sáu (07/02), 67 hãng hàng không đã dừng tổng cộng 2.297 chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc, theo dữ liệu từ VariFlight, công ty cung cấp thống kê về ngành hàng không. Xét riêng Trung Quốc, 41 hãng hàng không đã hủy tổng cộng 11.800 chuyến bay.

Trên các con đường, hệ thống xe buýt công cộng ở 28 tỉnh thành hoàn toàn bị tạm ngưng hoặc ngưng một phần tính tới ngày 30/01/2020. Các chuyến xe buýt liên tỉnh cũng bị đình chỉ hoạt động ở ít nhất 16 tỉnh thành, theo các quan chức Trung Quốc.

Bộ giao thông vận tải Trung Quốc ước tính rằng trong 10 ngày cho đến ngày 02/02, người dân ở Trung Quốc đã thực hiện 190 triệu chuyến đi bằng đường sắt, đường bộ, đường hàng không hoặc đường biển, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.

Sự thay đổi đó tác động nặng nề đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Ngành công nghiệp vận tải tiêu thụ tới 70% nhiên liệu và các sản phẩm dầu tinh chế khác trong nước, theo thông tin từ ông Pan Xiang, nhà phân tích dầu tại Huatai Futures Co. Ltd. "Dịch virus corona đã kìm hãm lượng tiêu thụ dầu tại Trung Quốc", ông Pan nói.

Trong báo cáo công bố vào cuối tháng 1/2020, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo nhu cầu dầu quý 1/2020 của Trung Quốc sẽ giảm hơn 250.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Trước đó trong tháng này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã tổ chức một cuộc họp bàn luận về việc cam kết cắt giảm sản lượng mạnh hơn trước đó vì sự bùng phát của virus corona. Họ lo ngại virus này có thể gây tổn hại đến nhu cầu toàn cầu.

Một hành khách mang áo mưa bước qua trạm xe điện ngầm ở Quảng Châu. Nguồn: Caixin
Một hành khách mang áo mưa bước qua trạm xe điện ngầm ở Quảng Châu. Nguồn: Caixin

Hàng tồn kho tăng mạnh

Nhu cầu yếu ớt đã dẫn đến sự tích tụ hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng thượng nguồn trong nhiều lĩnh vực của ngành năng lượng. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc nói chung chứng kiến hàng tồn kho tăng vọt (vì nhu cầu giảm), ông Zhu Fang, nhà phân tích tại Liên đoàn Công nghiệp Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (CPCIF), cho biết.

Sự tích tụ hàng tồn kho cũng xuất hiện trong các ngành công nghiệp nặng khác, bao gồm luyện thép và đồng. Hôm thứ Sáu (07/02), hàng tồn kho thép của Trung Quốc chạm mức cao nhất mọi thời đại là 25 triệu tấn, tăng 54% so với mức trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo Mysteel.com, nhà cung cấp dữ liệu công nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải.

Ông Xu Xiangchun, nhà phân tích cao cấp tại Mysteel.com, đánh giá tình trạng tích tụ hàng tồn kho gây áp lực rất lớn cho các công ty. Nhiều công ty thép đã cắt giảm sản xuất tại các nhà máy ở các tỉnh trên cả nước, bao gồm cả Hà Bắc và Thiểm Tây, ông Xu nói.

Ngoài nhu cầu yếu, một vấn đề khác đối với các công ty năng lượng là mảng logistics bị kìm hãm vì những lệnh hạn chế đi lại. Từ đó khiến việc giao hàng trở nên khó khăn, một giám đốc điều hành của công ty tại một nhà máy lọc dầu có trụ sở tại Sơn Đông chia sẻ. Các công ty nhỏ hơn được cho là bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch virus corona.

Sự thiếu hụt lao động và khó khăn trong việc trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã đặt ra những thách thức lớn hơn đối với nhiều nhà máy lọc dầu có quy mô nhỏ hơn. Phần lớn những công ty quy mô nhỏ đều không có dòng tiền dồi dào và phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngân hàng, giám đốc điều hành nhà máy lọc dầu cho biết.

Về lâu dài, sự bùng phát của virus corona có thể làm rung chuyển toàn ngành trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp năng lượng, ông Xu Qiyuan, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cho biết.

Điều đó rất đúng đối với trường hợp của dầu. Đây là lĩnh vực mà trong nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các công ty mở rộng kinh doanh trong chuỗi công nghiệp, từ lọc dầu đến sản xuất hóa chất, Pang Guanglian, nhà nghiên cứu tại Liên đoàn Công nghiệp Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (CPCIF), cho biết. Những người chơi nhỏ hơn, như những người ở Sơn Đông, sẽ bị vắt kiệt sức, ông nói.

Gián đoạn chuỗi cung ứng

Bên cạnh ngành công nghiệp nặng, những ngành khác cũng hứng chịu tác động nặng nề.

Vũ Hán là một trung tâm sản xuất màn hình hiển thị, trong đó các nhà máy được điều hành bởi các ông lớn trong ngành như BOE Technology Group, TCL và Tianma Microelectronics. Nhiều nhà sản xuất đã bị thiếu hụt nguồn cung kể từ khi Vũ Hán bị chặn cửa khẩu vào tháng 01/23.

Trước đó trong tháng này, TCL cho biết rằng trong khi các bộ phận của hai nhà máy ở Vũ Hán hoạt động bình thường, việc sản xuất có thể bị gián đoạn do những hạn chế về logistics và sự chậm trễ trong việc vận chuyển nguyên liệu thô. Ông Chen Hu của viện nghiên cứu công nghiệp AVC Revo dự báo việc sản xuất màn hình hiển thị của Trung Quốc sẽ giảm 10% trong tháng 2/2020 vì virus corona.

Ngành công nghiệp điện thoại thông minh của Trung Quốc có thể cũng bị thiệt hại ở mức độ tương tự. Công ty nghiên cứu Strateg Analytics dự báo đầu tháng này rằng doanh số bán điện thoại thông minh tụt 30% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Xét tới chuyện 70% điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, virus corona có khả năng làm tổn thương chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như trường hợp của Apple. Ít nhất 40% điện thoại thông minh được sản xuất bởi nhà thầu sản xuất Foxconn tại một nhà máy ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam.

Bà Sui Qian, nhà phân tích tại Strateg Analytics, hy vọng rằng các doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu Appe có thể giảm 13% trong quý đầu năm nay do sự gián đoạn hoạt động của Foxconn.

Khởi động lại sản xuất

Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt biện pháp tài chính để đối phó với tác động kinh tế từ virus corona, trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bơm tổng cộng 1,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống tài chính vào ngày 03-04/02 để vực dậy các thị trường trong nước.

Các chính quyền địa phương cũng làm theo, tung ra các chính sách hỗ trợ của riêng họ. Vào ngày 04/02/2020, chính quyền tỉnh Sơn Đông tung ra hàng loạt biện pháp tài chính và thuế để giúp các công ty vừa và nhỏ, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc hỗ trợ những công ty như thế này.

Dù vậy, các nhà phân tích đề xuất rằng thay vì sử dụng tới phương án nới lỏng tài khóa và tiền tệ, Bắc Kinh nên tập trung vào tạo dựng môi trường tốt hơn để giúp các công ty khởi động lại sản xuất.

Một lĩnh vực quan trọng là logistics, ông Xu cho biết. Động thái kế tiếp mà Chính phủ nên làm là dần dần giảm bớt hạn chế đối với vận tải, ông cho biết.

Nguồn Nikkei Asian Review