Chủ Nhật | 04/11/2012 10:38

Kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cú sốc nào tiếp theo?

Trung Quốc hạ cánh cứng, vách đá tài chính Mỹ hay sự sụp đổ của ngân hàng lớn có thể là những cú sốc lớn tiếp theo với kinh tế toàn cầu.
Khoảng cách giữa hành vi của các nhà đầu tư ham thích tiền bạc, tài chính hào phóng với thực tế rằng các nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu - một hiện tượng được gọi là "sự mất kết nối rộng lớn" - đang ngày càng nới rộng.

Sớm hay muộn, trong bất cứ trường hợp nào thì điều đó cũng sẽ kết thúc. Kích thích tài chính, tiền tệ mạnh mẽ hay những sức mạnh khác trong quá khứ và hiện tại có thể khuyến khích tăng trưởng. Một số nhà đầu tư chỉ ra tình hình ổn định gần đây của giá nhà tại Mỹ như là khởi đầu của sự hồi sinh.

Gary Shilling, một chủ mục của trang thông tin kinh tế tài chính Bloomberg, chủ tịch của hãng tư vấn A. Gary Shilling & Co. tại New Jersey, có những hoài nghi của riêng ông. Làn sóng giảm nợ khổng lồ trong khu vực tư nhân tại Mỹ và cả nước ngoài; những căng thẳng không thể giải quyết giữa các quốc gia Giéc-manh phương Bắc và các nước khu vực Địa Trung Hải phía Nam trong khu vực đồng tiền chung euro; sự thay đổi cần thiết tại Trung Quốc từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng nội địa cho thấy rằng "nguy cơ" hoạt động đầu tư sẽ suy sụp tương ứng với các nền kinh tế tăng trưởng chậm và suy thoái thường kỳ.

Điều gì sẽ gây ra việc đánh giá lại đầy khó khăn của các nhà đầu tư triển vọng? Có thể là một cú sốc, như trường hợp với sự hào hứng sau hai lần nới lỏng định lượng (QE) đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chương trình hoán đổi trái phiếu Operation Twist. Khủng hoảng nợ Hy Lạp đầu năm 2010 đã kết thúc đợt cổ phiếu tăng giá nhờ QE1. Đợt tăng điểm nhờ QE2 của thị trường chứng khoán kết thúc đầu năm 2011 khi những lo ngại về Hy Lạp lần thứ hai nổi lên và khủng hoảng tài chính, kinh tế châu Âu lan rộng. Lạc quan nhờ Operation Twist chấm dứt khi người ta nhận ra rằng những vấn đề của châu Âu có thể nan giải, và cùng với những lo ngại về vách đá tài chính tại Mỹ.

Dự báo những cú sốc chỉ là mang tính may rủi, dù Gary Shilling có thể liệt kê ra một vài khả năng.

Tác động Trung Quốc

Một đợt hạ cánh cứng tại Trung Quốc (nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng sang tăng trưởng chậm, tiến gần tới suy thoái) có thể gây ra việc đó, với tăng trưởng giảm xuống từ 5 tới 6%, đặc biệt sau ảnh hưởng từ giảm thương mại toàn cầu, nhu cầu và giá hàng hóa nguyên liệu, cũng như tiền tệ của các nhà sản xuất hàng hóa. Có một sự đồng thuận ngày càng tăng rằng điều này là có thể. Quan điểm đó có thể giải thích cho sự thay đổi gần đây từ vị thế nguy cơ - với đoản vị trái phiếu Kho bạc Mỹ, trường vị cổ phiếu, đoản vị đồng đô la Mỹ và trường vị hàng hóa nguyên liệu - sang đảo ngược.

Việc vách đá tài chính sụp đổ cũng là một khả năng khác. Nếu Quốc hội và chính phủ Mỹ không hành động vào cuối năm nay, việc cắt giảm thuế từ thời tổng thống Bush sẽ hết hạn, thuế thu nhập đối với người lao động quay trở lại 6,2% từ mức 4,2%, trợ cấp thất nghiệp giảm từ mức tối đa 99 tuần xuống 26 tuần, và 1.200 tỷ USD cắt giảm chi tiêu liên bang bắt buộc, tăng thuế trong 10 năm bắt đầu kích hoạt. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính vách đá tài chính sẽ giảm 4% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013. Bản thân nó sẽ tạo ra một cuộc suy thoái lớn và ảnh hưởng của nó sẽ góp phần tạo ra một nền kinh tế suy thoái.

Ông Gary Shilling tin rằng chính phủ Mỹ sẽ tránh vách đá tài chính, ít nhất là tạm thời. Ngay cả khi các đại biểu và thượng nghị sĩ liên kết với Đảng Trà muốn được bầu lại, và nói với các cử tri của họ rằng thắt lưng buộc bụng là tốt cho linh hồn họ thì cũng sẽ không thu được nhiều phiếu. Với tình trạng bế tắc giữa Quốc hội và chính phủ hiện giờ, họ có thể sử dụng cái gọi là một giai đoạn kém hiệu quả sau bầu cử để trì hoãn việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, để Quốc hội và chính quyền mới giải quyết đống lộn xộn. Đó là điều đã xảy ra tháng 12 vừa rồi - khi họ đàm phán một thời gian nghỉ 3 tháng - và quay trở lại vào tháng 2, khi học trì hoãn hành động trong phần còn lại của năm.

Hoặc họ có thể chờ một chính quyền mới tuyên thệ nhậm chức và giải quyết vấn đề vách đá tài chính.
Vách đá tài chính

Cách này hay cách khác, Gary nghi ngờ việc nền kinh tế sẽ thoát khỏi vách đá tài chính. Một người bạn cũ của ông, một cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới thường nói rằng: "Quốc hội cuối cùng sẽ làm điều cần thiết, nhưng chỉ khi bị buộc phải làm và làm càng muộn càng tốt."

Chẳng mấy người ở Washington có thể đứng nguyên trên các nguyên tắc và để nền kinh tế rơi xuống vực thẳm.

Gary ngờ rằng nhiều doanh nhân và người tiêu dùng Mỹ tin vách đá tài chính sẽ không được ngăn chặn, mặc dù nhiều người dẫn ra mối đe dọa cho sự bất ổn nói chung đang làm chậm chi dùng và đầu tư vốn. Tuy nhiên, lưu ý rằng xoa dịu lo ngại về vách đá tài chính sẽ không tăng kích thích cho nền kinh tế. Nó sẽ chỉ đơn giản giữ chi tiêu hiện tại của chính phủ và thuế suất nguyên vẹn.

Khả năng khác là một đợt tăng giá dầu, có thể khởi đầu bởi cuộc khủng hoảng liên quan tới Iran tại Trung Đông, làm tiêu tan hứng thú của nhà đầu tư. Đó là điều đã xảy ra sau lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 và cách mạng Hồi giáo của Iran năm 1979. Để đảm bảo chắc chắn, nước Mỹ đang ít phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, và lượng dầu nhập từ Trung Đông cũng ít. Tuy nhiên xăng có thể thay thế và giá tăng ở những nơi khác sẽ tác động tới Mỹ, cùng với châu Âu và Trung Quốc. Chi phí năng lượng tăng khổng lồ sẽ gánh nặng với những người tiêu dùng vốn đã căng thẳng lo lắng.

Nguy cơ đe dọa nữa là một ngân hàng châu Âu lớn sẽ sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các ngân hàng đang gắn chặt với nhau qua các khoản vay, cho thuê, phái sinh và các công cụ khác, vì thế một đòn giáng vào châu Âu sẽ ảnh hưởng khắp thế giới.

Các ngân hàng thường xem xét rủi ro hoạt động phái sinh trên cơ sở ròng sau các khoản tự bảo đảm và bù đắp khác được hạch toán. Nhưng tổng giá trị danh nghĩa của các công cụ phái sinh gấp 26 lần tổng mức ròng, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, và nếu một ngân hàng thắt chặt bụng, các ngân hàng đối tác sẽ mắc kẹt với số tiền danh nghĩa.

Lợi nhuận doanh nghiệp

Thất vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp lớn cũng được thêm vào danh sách những cú sốc có thể xảy ra. Các chuyên gia phân tích lạc quan nhất tại Phố Wall tin rằng lợi nhuận hoạt động của chỉ số Standard & Poor 500 giảm nhẹ trong quý III so với cùng kỳ năm trước, nhưng dự kiến tăng trở lại 14% trong quý IV. Tuy nhiên, giả sử dự đoán của Gary Shilling là đúng và lợi nhuận hoạt động giảm xuống 80 USD/cổ phiếu trong 4 quý liên tiếp, do suy thoái kinh tế làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp, lợi nhuận biên từ mức kỷ lục và thiệt hại chuyển đổi tiền tệ do đồng đô la tăng giá. Con số 80 USD thấp hơn 20% so với ước tính của các chuyên gia phân tích, và sẽ là một nỗi thất vọng lớn cho nhiều nhà đầu tư lạc quan.

QE1, QE2 và Operation Twist đã tăng một lượng lớn tiền. Nhưng điều đó không đúng trong trường hợp QE3 và những động thái gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ít nhất là cho đến giờ. Các tuyên bố của Fed và ECB liên tiếp gần đây đều không tác động nhiều tới S&P 500. Kể từ khi đạt đỉnh ngày 14/9, một ngày sau khi QE3 được công bố, chỉ số này đã liên tục đi ngang, khác hẳn với những ngày giao dịch sau 3 lần nới lỏng định lượng trước đó. Các trái phiếu Kho bạc Mỹ, vốn chỉ thay đổi nhỏ sau những vòng nới lỏng đầu tiên, đã có một đợt tăng ngắn.

Vẫn sớm khi đánh giá QE3, nhưng điều này cho thấy các nhà đầu tư đang cảnh giác, thận trọng, và tin tưởng rằng Fed đã quay trở lại quá thường xuyên? Các nhà đầu tư dự đoán hạ cánh cứng tại Trung Quốc hay một trong những cú sốc khác đã liệt kê ở trên?

Một loạt những điều này cho thấy điều kiện hiện nay rất xấu. Kích thích tài chính, tiền tệ khổng lồ tại Mỹ và những nơi khác trong 5 năm qua đã thất bại trong việc bù đắp cho một loạt các biện pháp giảm nợ trong khu vực tư nhân toàn cầu. Và các biện pháp như vậy không thể hiệu quả cho tới khi quá trình đó được hoàn thành trong 5 tới 7 năm tới.

Nguồn Khampha


Sự kiện