Thứ Bảy | 14/09/2013 10:53

Kinh tế toàn cầu sẽ chấn động lần nữa khi Trung Quốc chuyển mình

Phần lớn chuỗi giá trị được tạo ra bởi lực lượng lao động trình độ cao hơn sẽ ở lại Trung Quốc thay vì vào túi các công ty đa quốc gia.
Một thời gian dài sau khi những lo ngại về chính sách tiền tệ của Mỹ lắng dịu, vấn đề khác nghiêm trọng hơn vẫn là nỗi ám ảnh đối với các nhà hoạch định chính sách: Làm thế nào để ứng phó với giai đoạn 2 của cuộc Cách mạng kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, giai đoạn thứ nhất của cuộc Cách mạng kinh tế Trung Quốc – công nghiệp hóa – đã làm rung chuyển thế giới. Các quốc gia sản xuất hàng hóa bùng nổ nhờ vào nhu cầu vô hạn đối với tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc. 6 trong số 10 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ vừa qua ở châu Phi.

Cơn lũ hàng hóa Trung Quốc giá rẻ đã tràn ngập khắp các quốc gia phát triển và mới nổi đồng thời khiến hàng loạt người ở các quốc gia này mất việc. Tuy nhiên tác dụng tích cực của nó là việc giữ lạm phát ở mức thấp cũng như cung cấp hàng loạt loại hàng hóa tiêu dùng đến tay hàng chục triệu người.

Giai đoạn 2 của quá trình phát triển của Trung Quốc cũng hứa hẹn không kém phần quan trọng.

Tiêu dùng sẽ thay thế vị trí của đầu tư để làm động lực chính cho tăng trưởng. Các ngành dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP Trung Quốc trong khi tỷ trọng công nghiệp sẽ giảm. Các ngành sản xuất dựa vào lao động giá rẻ sẽ phải nhường chỗ cho các phương thức sản xuất “xanh – sạch” hơn.

Phần lớn chuỗi giá trị được tạo ra bởi lực lượng lao động đào tạo bài bản và năng suất hơn, sử dụng công nghệ mới sẽ ở lại Trung Quốc thay vì chảy vào túi các công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kế hoạch của Trung Quốc.

Ông Li Jian – Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc cho biết trong vài thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu nhưng sẽ không tập trung vào chế biến nguyên liệu thô nhập khẩu cũng như phụ kiện để tái xuất khẩu nữa: “Trung Quốc đã nhận ra rằng không thể phụ thuộc một cách mù quáng vào đầu tư và xuất khẩu để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhu cầu của Trung Quốc sẽ trở nên cân bằng hơn”.

Rủi ro cao

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc thực sự muốn hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, nước này đã cố ý “kìm hãm” tăng trưởng trong nửa đầu năm – vốn gây ra căng thẳng trên các thị trường – nhằm giải quyết các ưu tiên cơ cấu trong dài hạn.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như các nhà lãnh đạo mới nhậm chức của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phê chuẩn kế hoạch chi tiết cho công cuộc cải cách của nước này tại phiên họp toàn thể vào tháng 11 trong đó một trong những thử thách thực sự đối với sự tín nhiệm của các vị lãnh đạo mới này là việc phải vượt qua được rào cản của các nhóm lợi ích vốn chống đối lại mô hình tăng trưởng mới.

Do đó, nền kinh tế toàn cầu cũng đang đứng trước nhiều rủi ro.

Philip Schellekens – kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới tại Washington cho biết không thể quan trọng hóa tầm quan trọng của các cải cách mà Bắc Kinh đang muốn thực hiện. Trong bối cảnh Trung Quốc thay đổi thì phần còn lại của thế giới cũng sẽ thay đổi: “Các chuyển dịch cơ cấu dự kiến diễn ra ở Trung Quốc trong vòng 2 thập niên tới quan trọng hơn là các rủi ro trong ngắn hạn”, ông nói.

Xét 1 cách toàn diện thì các quốc gia đang phát triển xuất khẩu hàng hóa và tài nguyên thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các quốc gia phát triển vốn dĩ giầu có hơn. Tuy nhiên, vẫn có 1 ngoại lệ là trường hợp của Australia – nơi mà hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu đến từ Trung Quốc. Trước đó, việc chấm dứt phụ thuộc của ngành khai khoáng vào Trung Quốc cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Nhu cầu hàng hóa vẫn sẽ ở mức cao, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ vốn bình quân đầu người ở Trung Quốc mới chỉ ở mức 10% của Mỹ và quá trình đô thị hóa vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên quá trình tái cân bằng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa liên quan đến tiêu dùng nhiều hơn là đầu tư.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng có quá nhiều các thị trường mới nổi đã chi tiêu số tiền mà họ kiếm được từ giá nguyên liệu thô tăng cao thay vì đầu tư các khoản lời bất thường này vào cơ sở hạ tầng cũng như các khoản đầu tư khác. Kết quả là tăng trưởng ở các quốc gia này đang chậm lại trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chững lại.

“Sự thèm khát” của Trung Quốc đối với các hàng hóa nông nghiệp cũng như năng lượng vẫn sẽ tăng cao nhưng theo hãng tư vấn Capital Economics có trụ sở ở London thì hãng này rất lo ngại về các quốc gia xuất khẩu kim loại vốn không tích trữ thu nhập đột xuất của mình và do đó hiện đang chịu thâm hụt tài khoản vãng lai trong đó có Nam Phi, Zambia, Chile cũng như Peru là chịu rủi ro cao nhất.

Người thắng kẻ thua

Đương nhiên là giá nguyên liệu thô thấp hơn sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng và giảm lạm phát cho các quốc gia nhập khẩu nguyên nhiên liệu.

Điển hình là mặt hàng quặng sắt. Với việc không quốc gia nào có đủ khả năng lấp đầy khoảng trống tiêu thụ quặng này mà Trung Quốc để lại (vốn nhập khẩu 2/3 sản lượng thế giới), giá quặng sắt có nguy cơ giảm 1 nửa vào năm 2015 trong bối cảnh cung vượt xa cầu.

Một lợi thế khác nữa là việc các quốc gia mới nổi như Ấn Độ và Indonesia sẽ có cơ hội chiếm lấy các lĩnh vực sản xuất – chế tạo cơ bản mà Trung Quốc để lại. Bangladesh đã nhanh chân để trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may số 2 thế giới.

Brazil là điển hình cho một quốc gia lâu nay vốn chịu sức ép khủng khiếp từ Trung Quốc trong các ngành sử dụng lao động có trình độ thấp như da giầy và sẽ còn đối đầu với Trung Quốc trong các lĩnh vực có giá trị cao hơn. Do đó các chính sách nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Sau khi bỏ lỡ cơ hội cải cách trong lúc kinh tế đang bùng nổ, Brazil cũng đang có nguy cơ lỡ cơ hội trong quá trình Trung Quốc cải cách để lại trừ khi nước này cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm bớt tình trạng quan liêu, tham nhũng cũng như cải cách hệ thống thuế.

Jens Arnold – phụ trách các vấn đề về Brazil tại Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết: “Một số các thiếu sót cơ cấu nghiêm trọng của nền kinh tế Brazil đã được che giấu trong thời kỳ bùng nổ vừa qua. Chỉ khi đợt bùng nổ giá cả hàng hóa nguyên liệu chậm lại thì các thiếu sót về mặt cung ứng mới lộ rõ”.

Ông He Yifeng – chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Hongyuan Securities ở Bắc Kinh cho biết đối với các nền kinh tế phát triển thì sự quá độ của Trung Quốc lần này là 1 con dao 2 lưỡi: “Đối với Mỹ và EU, sự tái cân bằng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực cạnh tranh cho họ. Tuy nhiên các nền kinh tế này có thể tập trung vào phân khúc cao cấp trong chuỗi giá trị dựa vào việc xuất khẩu công nghệ và kiến thức.”

Bùng nổ dịch vụ

Vốn là một thị trường béo bở cho các nhà cung cấp hàng hóa xa xỉ đến từ châu Âu, Trung Quốc sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các công ty nước ngoài trong bối cảnh thu nhập tăng cao cũng như người tiêu dùng ngày càng kỹ tính hơn đối với các loại hàng hóa.

Ông Haibin Zhu – kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của JP Morgan tại Hong Kong cho biết lựa chọn sử dụng sữa ngoại của các bậc phụ huynh lúc nào cũng lo về an toàn thực phẩm là ví dụ điển hình: “Chúng ta sẽ thấy dịch chuyển trong giỏ hàng hóa tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm là tín hiệu tốt đối với các nhà xuất khẩu quốc tế - đăc biệt là các công ty đến từ các nền kinh tế phát triển.”

Một “mỏ vàng” khác cho các nền kinh tế phát triển là lĩnh vực dịch vụ - hiện chiếm khoảng 43% GDP Trung Quốc – tỷ lệ nhỏ nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ông James Emmett – giám đốc toàn cầu của bộ phận Tài trợ thương mại của HSBC tại London cho biết quá trình đô thị hóa và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty ở Anh cũng như nhiều quốc gia khác trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục và du lịch: “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi về mặt bản chất trong xã hội Trung Quốc.”

Ông Stephen Roach – giảng viên Đại học Yale và là cựu kinh tế trưởng của Morgan Stanley Asia cho biết: “Trong bối cảnh các ngành dịch vụ đang nở rộ, các công ty nước ngoài có thể thu về đến 6 nghìn tỷ USD đến năm 2025 trên tất cả các lĩnh vực như bán lẻ, giao thông, khách sạn và tài chính.”

Ông Zhu thuộc JP Morgan dự đoán tỷ trọng đầu tư trên GDP sẽ giảm từ 48% xuống còn 35% vào năm 2018-2020 trong bối cảnh tiêu dùng (của hộ gia đình và chính phủ) tăng từ 50% lên 60-65%.

Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều khả năng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức trung bình 10% kể từ những năm 1970 và mức 7,7% vào năm 2012 xuống chỉ còn 6,5% vào giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên các quan ngại của thị trường về lần quá độ này của kinh tế Trung Quốc cần phải được lưu tâm. Ông Philip Schellekens của Ngân hàng Thế giới cho biết kể cả khi tăng trưởng chậm lại chỉ còn 5% 1 năm vào năm 2030 thì sản lượng 1 năm của Trung Quốc vẫn sẽ ngang với toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc: “Kể cả việc Trung Quốc đang đối diện với một quá trình chuyển đổi toàn diện thì trong dài hạn, sự chuyển đổi này sẽ là rất tích cực".

Nguồn Reuters/Dân Việt


Sự kiện