Kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng hay chỉ chững lại?
Những dự báo về xu hướng suy giảm trong kinh tế toàn cầu của chuyên gia quản lý quỹ phòng hộ Hugh Hendry và tác giả tác phẩm "Cuộc suy thoái mới" Richard Duncan đã thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tin tưởng rằng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sụt giảm từ từ chứ không phải đổ vỡ nhanh chóng.
Phó trưởng ban kinh tế toàn cầu tại UBS Investment Bank, Paul Donovan nhận định: "Chúng ta đang trải qua một trong những giai đoạn thay đổi cấu trúc lớn nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu kể từ 1971-1973".
Ông Donovan cho rằng sự trở lại của các nguy cơ đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong cách thức hoạt động của các công ty. "Ngay vào lúc này, điều chúng ta đang nhìn thấy là sự gia tăng trong chi phí vốn toàn cầu. Điều đó có nghĩa chúng ta phải thay đổi các kỳ vọng", ông nói.
Theo ông Donovan, khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã để lại một vết sẹo lớn, mà hậu quả là một thế hệ các doanh nghiệp dự trữ tiền mặt không muốn dựa vào các ngân hàng để có được các khoản hỗ trợ tài chính và thương mại đã ra đời. Điều đó tạo nên một mối quan hệ khác biệt. Nó khiến nền kinh tế trở nên thiếu động lực và kém năng động, cũng như tăng trưởng thấp hơn trong tương lai.
Kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và sự sụp đổ của Lehman Brothers, các công ty và ngân hàng đang cố gắng tích lũy nhiều tiền hơn trong bảng cân đối ngân sách, và tránh bị mắc nợ bất chấp lãi suất cho vay xuống mức thấp kỷ lục.
Do đó, việc đưa ra các dự báo chính xác cho nền kinh tế toàn cầu càng trở nên khó khăn hơn, ông Donovan lập luận.
"Việc dự đoán sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều trong tương lai. Chúng ta đang thay đổi kỳ vọng cũng như cách thức hoạt động của thị trường. Ý tưởng về thị trường vốn toàn cầu đã sụp đổ và giờ chúng ta đang dần phân hóa thành từng khu vực. Hiện giờ rất khó dự đoán kết quả của xu hướng này", ông nói.
Nguồn CNBC/DVT