Kinh tế toàn cầu đối mặt với “khủng hoảng kinh tế 3.0”
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), các nước này sẽ chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 5,8% trong giai đoạn từ nay đến năm 2016, thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với 5 năm trước khi khủng hoảng 2009 diễn ra.
Bất đồng sâu sắc
Cuối tuần vừa qua, các bộ trưởng tài chính rời cuộc họp thường niên của IMF và World Bank với những mối bất hòa sâu sắc về biện pháp vượt qua khủng hoảng. Thống đốc NHTW Hàn Quốc hối thúc châu Á tăng cường các biện pháp kích thích trong khi Nga và Brazil kêu gọi các nước phát triển hãy tự giải quyết vấn đề của chính họ.
Cùng với Brazil, các quốc gia phát triển, trong đó có Thụy Sĩ và Nhật Bản, đều cho rằng đồng nội tế của họ quá mạnh. Trong khi đó, các nước vẫn bất đồng về các biện pháp thắt chặt ngân sách và hối thúc Mỹ giải quyết vấn đề chính sách tài khóa.
Cuộc tranh luận tập trung ở vấn đề các nền kinh tế mới nổi nên kinh thích kinh tế bao nhiêu là đủ. Trong khi cả Hàn Quốc và Brazil đều đã hạ lãi suất trong tuần trước, Singapore cùng với Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chần chừ với lo ngại về lạm phát và bong bóng tài sản.
Tăng trưởng của Trung Quốc
Đối với công xưởng quan trọng nhất là Trung Quốc, rất có thể cú sốc mới nhất đối với nền kinh tế thế giới sẽ đến trong tuần giữa tháng 10, khi quốc gia này công bố tốc độ tăng trưởng quý III. Theo dự báo, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng 7,4%, thấp nhất trong vòng 3 năm vừa qua.
Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp có thể giáng một đòn mạnh vào các thị trường hàng hóa cũng như các nền kinh tế khác.
Lực cầu yếu từ Trung Quốc khiến Alcoa, nhà sản xuất nhôm lớn nhất nước Mỹ, đã phải cắt giảm dự báo lượng nhôm tiêu thụ trên toàn thế giới giảm 1 điểm phần trăm.
Trung Quốc hiện đang chiếm tới 65% nhu cầu về quặng sắt và 40% lượng đồng tiêu thụ trên toàn thế giới. Như vậy, Trung Quốc suy giảm có nghĩa là các nước sản xuất lớn như Australia, Brazil và Chile sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm thường dẫn đến giá hàng hóa sụt giảm 1,5 điểm phần trăm, đe dọa các nước giàu tài nguyên như Canada.
Trong khi đó, khoảng 80% nguyên liệu đầu vào nhập khẩu của nước này đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Bên cạnh đó, những hàng nhập khẩu công nghệ cao từ Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu về máy móc thiết bị yếu đi.
Nguồn CafeF