Thứ Hai | 23/07/2012 09:14

Kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn tồi tệ nhất kể từ năm 2009

6 trong 17 quốc gia eurozone rơi vào suy thoái, kinh tế Mỹ vật lộn để tăng trưởng trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang chậm lại rõ rệt.
Bong bóng khủng hoảng ngày một mở rộng cho thấy nền kinh tế thế giới chưa bao giờ được liên kết một cách chặt chẽ - điều đó có nghĩa một khu vực suy yếu sẽ kéo theo nhiều khu vực khác. Đó là lý do vì sao sự chậm lại của châu Âu lại làm tổn thương các nhà máy sản xuất của Trung Quốc. Và sản xuất Trung Quốc lại kéo theo xuất khẩu Brazil, khi các nhà máy thu hẹp nhập khẩu quặng sắt từ quốc gia Nam Mỹ.

Kết quả là, mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng thế giới trong năm nay còn 3,5%, tốc độ chậm nhất kể từ suy thoái năm 2009. Một số nhà kinh tế thậm chí còn dự đoán kinh tế toàn cầu tăng trưởng chưa đến 1%. Do đó, nhiều người có lý do để tin rằng thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.

Để cứu vãn nền kinh tế, trong tháng qua, các ngân hàng trung ương tại Trung Quốc, Anh, Brazil, Hàn Quốc và châu Âu đồng loạt hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu tập trung hơn vào kích thích tăng trưởng thay vì hạ nợ và cắt ngân sách.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang quá chậm chạp trong việc tăng sức mạnh cho các ngân hàng và nới lỏng chi phí đi vay cho Italia và Tây Ban Nha. Nếu kinh tế châu Âu tiếp tục xấu đi, nó sẽ gây tác động nguy hại to lớn tới toàn thế giới.

Điều đó được thể hiện rõ qua việc giá cổ phiếu Mỹ và nhiều nơi trên thế giới biến động hầu như mỗi ngày theo những diễn biến khủng hoảng nợ châu Âu.

Bên cạnh nguy cơ suy thoái, kinh tế toàn cầu còn phải đối mặt với một nguy cơ khác không kém phần nghiêm trọng: đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng ở mức đáng báo động tại châu Âu và Mỹ.

d

Mỹ đến nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là động cơ kéo toàn cầu thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Nhưng giờ đây, bản thân nó cũng cần có sự giúp đỡ. Ba năm kể từ Cuộc khủng hoảng 2009 chấm dứt, kinh tế Mỹ không thể duy trì được động lực. Và đó cũng là ba năm liên tiếp kinh tế Mỹ trì trệ và không đạt được những mục tiêu ban đầu đề ra. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đứng ở mức 8,2% trong tháng 6.

Người Mỹ cũng bắt đầu chi tiêu ít hơn, làm ảnh hưởng nặng nề tới khu vực kinh doanh bán lẻ. Điều đó khiến các nhà kinh tế tỏ ra bi quan vào triển vọng tăng trưởng trong quý II năm nay. Nhiều người tin rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ thậm chí còn không đạt nổi mức 1,9% trong quý I.

Tình trạng kinh tế Mỹ đang rất tồi tệ, song kinh tế châu Âu còn đáng lo ngại hơn. Các khoản nợ chính phủ chồng chất, các ngân hàng sa sút và tăng trưởng kinh tế kém cỏi, tất cả đang đè nặng lên nền kinh tế ốm yếu của châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu lên tới 11%, cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.

6 trong 17 quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu rơi vào suy thoái, đặc biệt là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha. Chỉ có Đức và Pháp là trong tình trạng tốt hơn, song cả hai đều có thể tăng trưởng chậm hơn trong năm nay.

v

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây dự báo rằng kinh tế eurozone sẽ giảm 0,3% trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại sự suy giảm của eurozone có thể còn tồi tệ hơn.

Khi kinh tế Mỹ và châu Âu suy kém, nhiều người đặt hy vọng vào các nền kinh tế mới nổi với hy vọng họ sẽ làm động lực mới cho thế giới. Tuy nhiên, trái với hy vọng đó, các nước mới nổi đều đang chậm lại rõ rệt, điển hình là Trung Quốc - ngôi sao kinh tế mới trong những năm trở lại đây. Tuần trước, Bắc Kinh cho biết tăng trưởng kinh tế xuống thấp nhất 3 năm. Trong quý II, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoài, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009.

Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc lại đẩy một số nền kinh tế đối tác khác vào cảnh khó khăn. Brazil - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới - được dự báo chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu là do suy thoái ở Trung Quốc làm giảm nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược của Brazil, điển hình là đậu nành, sắt. Ngoài ra, khủng hoảng châu Âu cũng tác động mạnh mẽ khiến nhiều ngành công nghiệp chủ chốt của Brazil bị tổn thương.

Tương tự như vậy, triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới - cũng chậm lại và chỉ tăng 5,3% trong quý I, thấp nhất trong vòng 9 năm qua.

Sự tăng trưởng chậm lại của các nước đang phát triển cũng làm mờ hy vọng thoát khỏi suy thoái của châu Âu và Mỹ.

"Trong một thế giới liên kết như hiện tại, chúng ta không đủ khả năng nhìn nhận những gì đang diễn ra không chỉ trong phạm vi quốc gia của riêng mình. Cuộc khủng hoảng này không chỉ gói gọn trong từng biên giới mỗi nước, mà nó đang tới gõ cửa từng gia đình trên thế giới", Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định.

Nguồn Businessinsider/Khampha


Sự kiện