Thứ Tư | 19/12/2012 10:33

Kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái mới

Nếu khủng hoảng eurozone xấu hơn, Mỹ không vượt qua được "bờ vực tài khóa" và Trung Quốc "hạ cánh cứng" thì kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.
Liên Hợp Quốc ngày 18/12 công bố báo cáo mới về kinh tế thế giới, trong đó nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã yếu đi đáng kể trong năm 2012, và dự báo vẫn tăng trưởng chậm trong hai năm tới, đồng thời kêu gọi cần có những thay đổi chính sách để kích thích tăng trưởng và giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm.

Báo cáo nhan đề “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2013” do Vụ kinh tế và Các vấn đề xã hội Liên Hợp Quốc (DESA) công bố dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,4% năm 2013 và 3,2% năm 2014, giảm đáng kể so với dự báo đưa ra cách đây một năm.

Ngoài ra, báo cáo cho rằng tốc độ tăng trưởng là không đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm mà nhiều nước đang đối mặt hiện nay. Với chính sách và xu hướng tăng trưởng này, có thể phải mất ít nhất năm năm nữa với Mỹ và châu Âu để bù đắp lại số việc làm đã mất trong cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế 2008-2009.

Báo cáo ghi nhận rằng những yếu kém tại các nền kinh tế phát triển là nguyên nhân chủ yếu gây suy giảm kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế phát triển, nhất là một số nước châu Âu, đang rơi vào vòng xoáy "thất nghiệp cao, rủi ro ngành tài chính, nợ công cao, thắt chặt tài khóa và tăng trưởng chậm lại".

Một số nền kinh tế châu Âu và khu vực eurozone nói chung đã rơi vào giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới mức kỷ lục 12% trong năm 2012. Kinh tế Mỹ đã giảm tốc đáng kể năm nay và dự báo chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm tới. Tình trạng giảm phát vẫn tiếp tục đe dọa nền kinh tế Nhật Bản.

Những khó khăn kinh tế ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế đang phát triển do nhu cầu yếu và thay đổi đột ngột dòng vốn.

Ông Rob Vos, Giám đốc bộ phận phân tích và chính sách phát triển của DESA đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cảnh báo nếu khủng hoảng ở khu vực eurozone xấu hơn, Mỹ không vượt qua “vách đá tài chính” và Trung Quốc "hạ cánh cứng", khi đó kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Khẳng định chính sách hiện nay là chưa đủ, báo cáo kêu gọi các nước cần thay đổi chính sách tài khóa, chuyển từ tập trung củng cố tài khóa ngắn hạn sang kích thích tăng trưởng, đồng thời thực hiện tài khóa bền vững trong trung và dài hạn.

Báo cáo cũng khuyến nghị các chính sách tiền tệ cần được phối hợp tốt hơn và các biện pháp cải cách ngành tài chính cần được thúc đẩy để ngăn chặn những rủi ro tỷ giá và thay đổi đột ngột dòng tiền.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện