Kinh tế thế giới và bóng ma bảo hộ thương mại
Dự báo tăng trưởng giảm
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 và 2013 xuống còn lần lượt 3,3% và 3,6%, thấp hơn khoảng 0,3% so với dự báo trước đó, trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đang vấp phải khó chung là hệ thống tài chính khủng hoảng và thâm hụt ngân sách cao. Đối với Mỹ, vấn đề "vách đá tài khóa" vẫn chưa chấm dứt, ảnh hưởng tới khả năng chi tiêu kích thích kinh tế của chính phủ.
Trong quý IV/2012 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,1%. Nợ công cũng đã vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD, tăng gần 1.000 tỷ USD so với năm ngoái và tương đương 104% GDP. Một khi vấn đề nợ công vẫn còn đó, nó sẽ kéo thuế tăng theo, và tăng thuế sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái mới, từ đó khiến đồng USD mất giá và gây tác động domino cho cả châu Âu.
Trước mắt, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia cũng có nguy cơ lâm vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, hai nền kinh tế đầu tàu là Pháp và Đức thì vẫn chưa thống nhất về các cơ chế tài trợ vốn cho các ngân hàng và các thành viên eurozone đang "lâm nguy", nên vấn đề trái phiếu châu Âu vẫn còn bỏ ngỏ.
Tình hình Nhật Bản còn bi quan hơn nữa khi động lực xuất khẩu không còn. Tính từ nửa đầu tài khóa 2012 (từ tháng 4-9/2012), Nhật Bản chứng kiến mức thâm hụt tăng tới 90,1% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 1979.
Các quan chức Nhật Bản lo ngại về nguy cơ bóng ma "vách đá tài khóa" ở Mỹ sẽ ám ảnh và đẩy nền kinh tế này vào suy thoái. Theo một thống kê mới đây, GDP của Nhật Bản giảm 0,9% trong quý III/2012 và nền kinh tế này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
Báo cáo chính thức cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2012 chỉ đạt 7,8%. Tăng trưởng của Ấn Độ cũng được ước tính chỉ 4,9% trong năm vừa qua, mức thấp nhất trong một thập niên. Trong khi đó, các nhà kinh tế tính toán rằng nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á này cần phải tăng trưởng ở mức hai con số để giảm thiểu đáng kể tình trạng đói nghèo.
Nhu cầu từ bên ngoài giảm cũng đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển điển hình ở Đông Nam Á như Indonexia, Malaixia...
Bóng ma bảo hộ
Tốc độ toàn cầu hóa chậm lại thể hiện rõ nhất khi xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng khốc liệt, bởi từng nước đều cảm nhận được sức nóng khủng hoảng. Điều này thể hiện qua tốc độ tăng trưởng thường niên của tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sụt giảm.
Theo các số liệu sơ bộ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hoạt động của ngành dịch vụ thương mại toàn cầu như du lịch và đi lại bằng hàng không đã không tăng trưởng trong quý II/2012 và là quý giảm tốc thứ tư liên tiếp.
Trong khi đó, hoạt động dịch vụ chiếm tới 2/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới và số liệu của UNCTAD và WTO bao quát hầu hết các lĩnh vực dịch vụ xuyên biên giới như tài chính, pháp lý, viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng...
Vấn đề bảo hộ thương mại thể hiện tùy theo đặc điểm khủng hoảng ở mỗi nước, nhưng cái cớ chung mà mỗi nước đưa ra đó là họ phải tự lo cứu mình trước. Khi dân chúng mất công ăn việc làm hàng loạt, thì khuynh hướng bảo hộ mậu dịch càng trở nên khốc liệt nhằm bảo vệ quyền lợi riêng của quốc gia, bảo vệ việc làm cho dân chúng. Các nước đều tìm cách dựng rào cản đối với hàng nhập khẩu để người dân tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, và như vậy trao đổi thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho rằng trong khi hành động bảo hộ thương mại chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, thì hậu quả của nó lại rất dài hạn và khiến suy thoái kinh tế trở nên trầm trọng hơn. Bởi một khi hàng hóa dịch vụ không được tiêu thụ ở nơi chúng mang lại giá trị lớn nhất cho người tiêu dùng, tổng giá trị sản lượng của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm một cách tương đối.
Nguồn Tin tức