Kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ ổn định "Great Moderation 2.0"
Theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), biến động trong tăng trưởng giữa các nước công nghiệp lớn giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Giới đầu tư cũng an tâm hơn với biện pháp tính toán rủi ro - sử dụng hợp đồng quyền chọn - để dự báo biến động của thị trường chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa và trái phiếu xung quanh mức thấp nhất trong gần 7 năm. Ví dụ như chỉ số giá hợp đồng quyền chọn trong S&P 500 - Chicago Board Options Exchange.
Đây là lý do John Normand, trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá và giá quốc tế tại JPMorgan Chase & Co., gọi thời đại này là "Great Moderation 2.0".
Trên thực tế, những số liệu trên đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán hơn là trái phiếu, đồng thời tạo ra sự minh bạch trong chi tiêu dài hạn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là, hậu quả của cuộc suy thoái đã hoàn toàn được xóa bỏ. Tăng trưởng vẫn ở dưới mức chuẩn và vẫn có những rủi ro đối với hoạt động đầu tư, khiến những "quả bom" trong quá khứ bùng nổ.
Dự báo mới nhất của IMF cho thấy, biến động trong sản lượng sản xuất của Nhóm G7 sẽ giảm xuống 0,4% trong năm 2014 so với gần 3% trong năm 2010 và 0,8% là mức trung bình trong 2 thập kỷ kết thúc vào năm 2007. Trên thị trường lao động, biến động trong tăng trưởng việc làm cũng giảm xuống 0,1% trong năm nay so 1,7% trong năm 2009.
Hoạt động thương mại đang suy yếu. Chỉ số Rủi ro thị trường (Market Risk Index) của Bank of America ở mức -1,14 điểm vào ngày 2/5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 6/2007. Theo chỉ số Biến động toàn cầu FX (Global FX Volatility Index) của JPMorgan, biến động trên thị trường tiền tệ có giá trị giao dịch 5,3 nghìn tỷ USD/ngày, cũng ở mức thấp nhất trong khoảng 7 năm.
Dominic Wilson, trưởng chuyên gia kinh tế thị trường tại Goldman Sachs, nhận định, thế giới đang quay trở lại thời kỳ tĩnh lặng xét về biến động thị trường và kinh tế.
Năm 2002, trong một công trình nghiên cứu, hai giáo sư James Stock thuộc Đại học Harvard và Mark Watson thuộc Đại học Princeton đã phân tích những dấu hiệu và chỉ ra rằng, biến động trong hoạt động kinh tế của Mỹ đã giảm xuống khoảng từ 10% đến 25% do sự áp chế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với lạm phát. Họ cảnh báo rằng, khoảng thời gian 15 năm qua có thể là sự ngắt quãng trước khi quay trở lại thời kỳ kinh tế biến động dữ dội hơn.
Phân tích này đã gây được tiếng vang lớn trong giới hoạch định chính sách với lời phát biểu của cố Chủ tịch Fed Ben S. Bernanke vào năm 2004 cho rằng, thời kỳ tĩnh lặng trên là một bước phát triển đáng chú ý của nền kinh tế.
10 năm sau, nhóm nghiên cứu của ông Wilson đã chỉ ra những xu hướng giải thích cũ và mới đối với câu hỏi tại sao thế giới lại đang quay trở lại thời kỳ yên tĩnh như trước cuộc khủng hoảng năm 2008.
Sự chuyển đổi này có thể phản ánh, chính sách tiền tệ hiện tại hiệu quả hơn trong việc ổn định tăng trưởng và lạm phát so với những gì từng được áp dụng vào những năm 1970. Nền kinh tế cũng đã phát triển, ít hướng tới những lĩnh vực phụ thuộc vào nhu cầu, như dịch vụ, nhờ hiệu quả của chuỗi cung ứng và quản lý tồn kho.
Goldman Sachs lại đưa ra lời giải thích khác. Sau cuộc khủng hoảng, chính phủ áp dụng những quy định chặt chẽ hơn đối với nợ ngân hàng và cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Ví dụ, tại khu vực đồng euro, các khoản vay cho các doanh nghiệp và hộ gia đình đã giảm 2,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Ông Normand nhận định, thời đại Great Moderation 2.0 có thể không quá tuyệt vời như trước bởi một vấn đề là, sự tĩnh lặng của thị trường có thể sẽ không kéo dài đến năm 2015 do chu kỳ kinh doanh sẽ kết thúc và xuất hiện những lo ngại về lạm phát. Khi đó, thị trường sẽ biến động mạnh hơn.
Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu rằng, suy thoái sâu trong thời gian gần đây cũng cho thấy những hạn chế của khái niệm Great Moderation.
Ông Furman cho rằng, ngày nay, khả năng ứng phó với những cú sốc kinh tế nhỏ của giới hoạch định chính sách đã tốt hơn nhiều so với những năm 1970, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững. Giống như các đợt kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách cũng bị kiểm tra khả năng giải quyết những mối đe dọa lớn hơn và có tần suất nhỏ hơn đối với nền kinh tế.
Giai đoạn tĩnh lặng của thị trường cũng thúc đẩy suy nghĩ tự mãn trong giới đầu tư, khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Các ngân hàng trung ương vốn đã có những lo ngại về sự ổn định trong hệ thống tài chính khi giá bất động sản ở Anh tăng 10,9% trong tháng 4 cũng như sự tăng giá của cổ phiếu công nghệ và trái phiếu lợi suất cao ở Mỹ.
Peter Dixon, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Commerzbank, đặt dấu hỏi về sự tồn tại của một thời đại Great Moderation mới khi lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu của nhiều ngân hàng trung ương, giảm phát lan rộng tại khu vực châu Âu, nhiều nền kinh tế thậm chí còn dưới mức tăng trưởng của năm 2007.
Theo IMF, dấu hiệu mới nhất cho thấy biến động đã giảm xuống là mức tăng trưởng thấp hơn. Nhóm G7 tăng trưởng ở 2,6% trong những năm 1990 và 2,2% trong nửa đầu những năm 2000. Kể từ năm 2009, tăng trưởng trung bình của G7 là 1,9%.
Neil Dutta, trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Viện nghiên cứu vĩ mô Renaissance, cho rằng, nếu thời kỳ tĩnh lặng này tiếp tục kéo dài thì giới đầu tư cần thận trọng với việc nắm giữ quá nhiều trái phiếu kho bạc khi kinh tế đạt được đà tăng trưởng.
Trong kịch bản cũ mà ông Dutta vẽ ra, lãi suất sẽ tăng dần cùng với tăng trưởng kinh tế, khuyến khích nhu cầu của giới đầu tư với các tài sản rủi ro như chứng khoán. Ông ước tính rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong 57 tháng, và 38 tháng còn lại sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 95 tháng trong thời kỳ Great Moderation trước.
Joachim Fels, chuyên gia chiến lược toàn cầu tại Morgan Stanley, cũng đưa ra triển vọng tương tự đối với kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ năm 1970, ông xác định 6 giai đoạn tăng trưởng của kinh tế toàn cầu là 1970 - 1974, 1976-1979, 1983-1990, 1994-2000, 2002-2008 và kể từ năm 2010.
Fels cho biết, sự phục hồi gần đây của kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài vì xu hướng phục hồi chậm chạp sẽ tạo điều kiện cho hoạt động tuyển dụng và đầu tư tăng lên. Lạm phát thấp cũng đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg