Kinh tế Pháp "rung lắc" sau khủng bố
Vết máu đã khô trên quảng trường Republique, trung tâm vùng Saint Denis, phía Bắc thủ đô Paris. Và trong vòng một tháng qua, lượng hoa, nến cầu nguyện cho các nạn nhân chuỗi khủng bố chấn động nước Pháp đủ phủ kín sân vận động Stade de France.
Chuỗi tấn công liên hoàn tại Paris vào đêm ngày 13 tháng trước không những đang phủ sắc xám trên toàn bộ những lĩnh vực chiếm tỉ trọng GDP cao, như du lịch, tài chính đến tiêu dùng, mà còn dập tắt hy vọng tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Ngoài thiệt mạng 130 nạn nhân, hậu quả thực tế mà khủng bố IS để lại là kéo giảm nhịp tăng trưởng của nền kinh tế Pháp và quét sạch 1/4 mức tăng trưởng được xác lập trước đó.
“Nước Pháp một lần nữa bị cuốn trở lại đà suy giảm trước đó”, Jack Kennedy, hiện là chuyên gia kinh tế cấp cao tại Markit Economics, nhận định. Còn nhớ trước cuộc tấn công, nền kinh tế Pháp trong quý III đã quay trở lại được đà tăng trưởng 0,3% kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Thiệt hại đầu tiên là ở tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo ngày 8.12 của Ngân hàng Trung ương Pháp, dự báo tăng trưởng trong quý IV/2015 giảm 0,1%, tương đương bốc hơi khoảng 500 triệu euro, kèm theo đó là sự suy giảm đồng loạt của chỉ số niềm tin và chỉ số công nghiệp tháng 11.
Ngành du lịch bị liên lụy đầu tiên vì là một trong những ngành thế mạnh khi đóng góp 7,3% vào GDP năm ngoái của nền kinh tế “đất nước hình lục lăng”. Ngành này mang về doanh thu năm 2014 hơn 21 tỉ euro từ gần 46 triệu lượt khách du lịch và cung cấp việc làm cho khoảng 500.000 người tại Paris. Theo Công ty Du lịch ForwardKeys, một tuần sau cuộc tấn công, số khách du lịch hủy bỏ chuyến bay tới Pháp là 21%, số lượng đặt vé mới giảm 27%. Như vậy, cuộc khủng bố đã làm cho ngành du lịch nước này sụt giảm mạnh hơn, trong bối cảnh số lượng đặt tour du lịch cho kỳ nghỉ đông tại Pháp đã giảm 2% so với năm ngoái, sau cuộc thảm sát Charlie Hebdo vào hồi tháng Giêng.
Theo số liệu thống kê của Markit Economics, tăng trưởng của ngành dịch vụ Pháp trong tháng 11 ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Số lượng khách đặt vé máy bay đến Paris trong mùa Giáng sinh năm nay giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành du lịch ế ẩm kéo theo sự đi xuống của ngành hàng không. Vừa mới đây, hãng hàng không Air France-KLM của Pháp đã công bố chi phí tài chính do cuộc tấn công khủng bố trong tháng 11gây ra là 54 triệu USD và nhiều khả năng, xu hướng này vẫn còn tiếp diễn trong tháng 12. Giám đốc Điều hành hãng này còn nhấn mạnh, ngành hàng không và du lịch có thể mất tới vài tháng hoặc lâu hơn nữa để phục hồi.
Báo cáo phân tích của Bộ Tài chính Pháp cho biết, tổng thiệt hại của cuộc tấn công khủng bố mà IS gây ra lên nền kinh tế Pháp ước khoảng 2,1 tỉ USD (0,1% GDP), bao trùm lên các ngành du lịch, hàng không và tiêu dùng. Ba ngành chủ chốt trong nền kinh tế sụt giảm, khiến cho thị trường chứng khoán tại Paris cũng không mấy khả quan. Chỉ số CAD 40 Index chứng kiến sự suy giảm kỷ lục 9% so với hồi tháng 4 đầu năm, trước khi chuỗi tấn công xảy ra. Người phát ngôn của Euronext xác nhận xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn đang diễn ra đồng loạt tại nhóm cổ phiếu ngành khách sạn (5%), du lịch (2,3%), hàng không (5%). Song hành với đó là hệ lụy nặng nề trên thị trường tiền tệ, khi đồng euro đã giảm trung bình lần lượt 0,5% so với đồng USD và yen.
Ngành tiêu dùng cũng không khá hơn là bao, khi sắc xám vẫn đang bao trùm nước Pháp, trong lúc tâm lý lo sợ vẫn ám ảnh người dân. Xu hướng tiêu dùng của người dân cũng vì khủng bố mà thay đổi. Thay vì đến các trung tâm thương mại lớn, giờ đây người dân có xu hướng tìm đến các cửa hàng tiện lợi cũng như dịch vụ mua sắm online.
Cuộc khủng bố lần này không những càn quét nền kinh tế Pháp mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Chính phủ Pháp trong việc thắt chặt an ninh, chống khủng bố. Một nguồn tin cho biết, lực lượng an ninh của Pháp đã trình một bản thảo lên chính phủ nước này, trong đó quy định cấm Wi-Fi công cộng và truy cập vào mạng Tor, phần mềm máy tính có chức năng xóa dấu vết, ẩn địa chỉ IP của máy truy cập internet.
Ngân sách cho các dự án thắt chặt an ninh và quốc phòng năm 2016 đạt con số kỷ lục 600 triệu euro, có thể khiến mức thâm hụt ngân sách chạm mốc 2,4% GDP. Các nhà lập pháp nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng, đồng thời thông qua văn bản sửa đổi, để việc tiến hành ngăn chặn tình trạng khủng bố được dễ dàng hơn. Sau cuộc khủng bố, người dân nước này cũng sẵn sàng chấp nhận các biện pháp an ninh của chính phủ, thậm chí là cả việc nghe lén.
Tinh thần đoàn kết của người Pháp đã được kiểm chứng thông qua sự kiện khủng bố, không chỉ ở tinh thần không khoan nhượng mà còn sẵn sàng hy sinh quyền tự do công dân. Tất cả để đổi lấy sự tăng cường an ninh và để tránh trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, đề xuất một khoản trợ cấp trị giá 560.000 euro dành cho những thương nhân ở thủ đô bị ảnh hưởng nặng sau cuộc xả súng tháng trước. Đồng lòng với chính giới Pháp, một loạt ngôi sao giải trí tên tuổi tham gia quảng bá cho các địa điểm du lịch an toàn của nước Pháp. Nhằm khơi lại hình ảnh Paris yên bình và kiêu hãnh, nữ minh tinh Léa Seydoux, người thủ vai chính siêu phẩm Điệp viên 007, đã có động thái đi ăn tối không có vệ sĩ tại một nhà hàng đã xảy ra thảm sát.
Nguyệt Minh