Kinh tế Nhật: Hì hục cải tổ, dậm chân tại chỗ?
“Đang có vấn đề gì với kinh tế Nhật vậy?”, đó là tựa đề một bài phân tích mới đây trên trang tin tức Bloomberg. Việc nước Nhật đang gặp rắc rối không phải là chuyện gì mới mẻ, mà đã diễn ra từ hơn 2 thập kỷ nay. Bất chấp hàng loạt động thái kích cầu bằng chính sách tiền tệ lẫn tài chính, nước Nhật vẫn tăng trưởng ì ạch.
Kể từ lúc Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào cuối năm 2012 đến nay, GDP thực của Nhật mới chỉ tăng vỏn vẹn 2,2%. Mới đây, trong quý 1/2016, GDP nước này cũng chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ tổ chức một cuộc họp nhằm quyết định xem có nên áp dụng tiếp các biện pháp kích cầu mạnh tay hay không.
Tuy nhiên, nếu xem xét các chỉ số cơ bản, thì sẽ thấy rằng việc vực dậy nước Nhật không phải là điều đơn giản. Nhật là nước có nhiều người già nhất thế giới (26,3% dân số trên 65 tuổi), lại vừa có tỷ lệ sinh đẻ thuộc hàng thấp nhất thế giới. Đã vậy, nước này lại có rất ít người nhập cư (chiếm 1,6% dân số, so với mức bình quân của các nước phát triển là 12,2%).
Kể từ đầu những năm 1990, khi phép lạ tăng trưởng chấm dứt, nước Nhật đã rơi vào trạng thái giảm phát kéo dài, dẫn tới việc chi tiêu của người dân đi xuống và các công ty lũ lượt đầu tư ra nước ngoài. Điều này dẫn tới tình trạng thu nhập người dân không tăng, và suy thoái diễn ra thường xuyên.
Abenomics: Đánh cược vào đòn bẩy
Dưới thời thủ tướng Abe và các chính sách kích cầu mang tên Abenomics, khối nợ công của nước Nhật đã gia tăng đáng kể, bằng 247% GDP vào thời điểm hiện tại, cao gấp 3 lần mức bình quân của các nước phát triển. Theo đánh giá của Bloomberg, Abenomics đã góp phần làm hạ tỷ giá đồng yen và kích thích lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng thu nhập và tiêu dùng của người dân Nhật vẫn không có nhiều cải thiện.
Mức đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vẫn không chưa quay lại được mức của hồi năm 2007 (bảng bên trái), và tình trạng giảm phát vẫn chưa được triệt tiêu hoàn toàn (bảng bên phải). Ảnh: Bloomberg |
Với khối nợ công cao ngất ngưởng, chính phủ Nhật đang lên kế hoạch tăng thuế bán hàng (sales tax) để có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, khi họ từng thử áp dụng cách này hồi năm 2014, GDP ngay lập tức đã giảm đáng kể và đưa nước Nhật vào tình trạng suy thoái.
Sau khi chính phủ tăng thuế hồi năm 2014, suy thoái đã lập tức diễn ra. Ảnh: Bloomberg |
Chiến lược nới lỏng của BOJ
Kể từ năm 2013, BOJ đã mạnh tay mua lại rất nhiều tài sản nhằm thực hiện biện pháp nới lỏng định lượng và kích thích lạm phát. Hiện tại khối tài sản của BOJ đang nằm ở mức kỷ lục là hơn 80% GDP, so với mức 24,6% tại Mỹ và 27,3% của khối Euro.
Mặc dù việc hạ giá đồng yen đã mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu và làm tăng giá cổ phiếu, mức chi tiêu của người dân và lạm phát vẫn không buồn “nhúc nhích”. Tới nay, BOJ vẫn chưa đạt được mức chỉ tiêu lạm phát là 2%. Tới năm nay, đồng yen lại tiếp tục lên giá do được nhiều nhà đầu tư quốc tế xem là một tài sản an toàn.
Đồng yen đã lên giá khá mạnh từ đầu năm tới nay. Ảnh: Bloomberg |
Có lối ra nào cho nước Nhật?
Theo nhận định của Bloomberg, vẫn có những giải pháp khả thi để vực dậy nền kinh tế Nhật, tuy nhiên việc thực hiện chúng sẽ không phải là điều đơn giản.
Về vấn đề lao động và dân số, việc vận động phụ nữ Nhật đi làm nhiều hơn cũng như kéo dài độ tuổi về hưu là cách để cải thiện nguồn nhân công. Tuy nhiên, nền văn hóa già cỗi và cứng nhắc tại nhiều doanh nghiệp Nhật là trở ngại rất lớn cho giải pháp này. Việc thu hút người nhập cư cũng là điều mà người Nhật rất ngại chấp nhận.
Để kích thích tăng trưởng thu nhập, việc đưa ra các chính sách mở cửa thị trường lao động để tạo ra một môi trường linh hoạt hơn hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội cải thiện lương bổng. Tuy nhiên, điều này sẽ gặp sự kháng cự quyết liệt từ các doanh nghiệp và công đoàn, và không mấy chính trị gia có đủ bản lĩnh để làm điều này. Tương tự, việc tăng thuế để cải thiện nguồn thu ngân sách cũng sẽ gặp sự cản trở quyết liệt từ khối doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg