Thứ Tư | 05/03/2014 09:35

Kinh tế Nga đã mất gì vì khủng hoảng Ukraine?

“Putin quan tâm tới nền kinh tế Nga, nhưng ông ấy quan tâm nhiều hơn tới sự vĩ đại của nước Nga và ảnh hưởng khu vực”.
Theo nhận định của hãng tin tài chính Bloomberg, cách ứng xử của Nga trong vấn đề Ukraine đã khiến nước này thiệt hại nhiều tỷ USD, và mức thiệt hại còn có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào vùng Crimea của Ukraine đã khiến thị trường chứng khoán nước này sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm trong phiên giao dịch ngày 3/3 và kéo đồng Rúp xuống mức thấp kỷ lục, buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1998.

Hai tỷ phú Nga Gennady Timchenko và Leonid Mikhelson, những người được cho là có quan hệ thân cận với ông Putin, mất tổng cộng 3,2 tỷ USD trong giá trị tài sản ròng do cổ phiếu của hãng khí đốt Novatek sụt 18%.

Lộ điểm yếu kinh tế

“Nga chính là đối tượng thiệt hại lớn trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Timothy Ash, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi thuộc Standard Bank ở London, nhận xét. “Niềm tin trong và ngoài nước Nga sẽ chịu một cú sốc lớn. Đầu tư sẽ giảm và có khả năng xảy ra sự tháo chạy của các dòng vốn. Các ngân hàng Nga làm ăn ở Ukraine có thể thua lỗ, đồng Rúp mất giá thêm, tăng trưởng kinh tế của Nga yếu đi”.

Bloomberg đánh giá, cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất từ thời Chiến tranh lạnh đã làm lộ ra những điểm yếu của nền kinh tế Nga dựa trên ngành công nghiệp năng lượng. Lĩnh vực dầu khí chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Nga. Bởi vậy, khi giá nhiên liệu chững lại, tiềm năng tăng trưởng kinh tế nước này cũng bị rút kiệt, khiến Moscow phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái ngay giữa lúc các đối tác thương mại chính của Nga hồi phục.

Trong một báo cáo đưa ra vào tháng trước, ông Antonio Spilimbergo, trưởng phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Moscow, đánh giá rằng, nước Nga cần một mô hình kinh doanh mới, đa dạng hơn để đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai.

Năm 2013, nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD của Nga có mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm do tiêu dùng yếu đi và đầu tư chững lại cùng với nhu cầu năng lượng. Kinh tế Nga tăng 1,3% trong năm 2013, thấp nhất kể từ cuộc suy thoái 2009, từ mức tăng 3,4% đạt được trong năm 2012.

Giới quan sát đánh giá rằng, ông Putin đang nỗ lực cải thiện ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine sau khi ông Viktor Yanukovych, một nhân vật thân Moscow, bị lật đổ khỏi ghế Tổng thống ở Kiev hôm 22/2 sau những cuộc biểu tình đẫm máu ở thành phố này khiến 82 người thiệt mạng. Bất chấp cảnh báo của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), ông Putin đã cử hàng ngàn quân tới Crimea, nơi nước Nga đã đặt hạm đội biển Đen kể từ khi hạm đội này được thành lập dưới thời nữ hoàng Catherina đại đế vào năm 1783.

Ngân hàng Nga thành nạn nhân

Cuộc khủng hoảng Ukraine là một trong những nguyên nhân chính đẩy tỷ giá đồng Rúp Nga giảm 9% từ đầu năm đến nay, mức giảm mạnh thứ nhì trong số 24 đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi, sau đồng Peso của Argentina.

Riêng trong ngày 3/3 vừa rồi, đồng Rúp mất giá 1,8% so với USD, buộc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản 1,5 điểm phần trăm và bán khoảng 12 tỷ USD ra thị trường để cứu tỷ giá.

Theo Bloomberg, “cuộc chơi” của Nga ở Ukraine cũng có thể xói mòn những nỗ lực tìm kiếm các khoản vay quốc tế trị giá 8 tỷ USD mà ít nhất 10 công ty Nga, trong đó có tập đoàn VimpelCom của tỷ phú Mikhail Fridman, đang thực hiện. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng, Nga có thể bị loại khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8), đóng băng tài sản và ra các lệnh cấm đi tới một số nơi trên thế giới đối với các quan chức Nga. Cảnh báo này có thể buộc các ngân hàng nước ngoài đánh giá lại xem có nên cho các công ty Nga vay vốn hay không.

Tháng 11 năm ngoái, khi Nga đề xuất cho Ukraine vay 15 tỷ USD và bán khí đốt giá rẻ, động thái này được cho là nhằm gây ảnh hưởng để Kiev không ký thỏa thuận thương mại tự do đã được lên kế hoạch với EU. Khi đó, Putin nói rằng, các ngân hàng Nga đang nắm 28 tỷ USD tiền nợ và tài sản ở Ukraine. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings hôm 25/2 nhận định rằng, các khoản nợ xấu ở Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng Nga.

Bên cạnh đó, các công ty Nga cũng có các khoản đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và nông nghiệp ở Ukraine. Nước này là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 39,6 tỷ USD trong năm 2013, trong đó Nga xuất khẩu sang Ukraine đạt 23,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15,8 tỷ USD.

Quan trọng hơn cả đối với Nga là hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraine mà qua đó, hãng dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Một nửa số khí đốt mà Nga xuất sang châu Âu đi qua hệ thống này. Nga hiện là nguồn cung đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Đồng Rúp và thị trường chứng khoán Nga đã tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 4/3 sau khi ông Putin nói rằng, ông chưa có kế hoạch dùng vũ lực ở Ukraine. Mặc dù vậy, những diễn biến vừa qua sẽ còn ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong những tháng tới, thậm chí có thể dài hơn - theo đánh giá của chuyên gia kinh tế cao cấp Lilkit Gevorgyan thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight.

Giới đầu tư bỏ chạy

Việc giới đầu tư bán tháo cổ phiếu Nga vừa rồi có thể khiến nhiều người nhớ lại diễn biến thị trường khi Nga đưa quân vào Georgia, một nước Liên Xô cũ khác, hồi năm 2008. Khi đó, Nga chỉ can thiệp vào Georgia trong 5 ngày, nhưng 6 tháng sau đó, giới đầu tư đã rút ít nhất 290 tỷ USD khỏi Nga - theo ước tính của ngân hàng BNP Paribas. Cùng với đó, theo ước tính của Bloomberg, trong 5 tháng sau cuộc can thiệp, tổng giá trị tài sản ròng của 25 người giàu nhất Nga đã sụt giảm 230 tỷ USD.

Ngay trước khi các cuộc biểu tình ở Kiev chuyển thành đẫm máu vào tháng trước, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Andrei Klepach đã nhận định rằng, các dòng vốn chạy khỏi Nga đang tăng và có thể đạt 35 tỷ USD trong quý 1, cao hơn một nửa mức thoái vốn khỏi Nga trong năm 2013 là 63 tỷ USD.

Ngoài những điểm yếu của Nga như tình trạng tham nhũng, quan liêu và hệ thống chính trị lỏng lẻo, mối đe dọa quân sự ở Crimea bổ sung thêm lý do để các nhà đầu tư tháo chạy khỏi nước Nga. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp Nga là một trong những quốc gia có mức độ tham nhũng cao nhất thế giới, đồng hạng với Pakistan và Nicaragua ở vị trí thứ 127/176 quốc gia được xếp hạng.

“Những ngày qua, nước Nga đã cảm thấy bị ‘mất mặt’. Họ không quen với việc thất bại trong những cuộc đối đầu gần nhà như thế này. Cho dù những diễn biến ở Ukraine được định hình bởi kinh tế hay chính trị, thì nước Nga vẫn có khả năng phải chịu sự thất bại về kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi Neil Shearing thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics ở London nhận định.

Mục tiêu của Putin?

Tuy vậy, theo đánh giá của ông Michael Ganske, trưởng bộ phận thị trường mới nổi thuộc công ty Rogge Global Partners ở London, ông Putin vẫn sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cần thiết để ngăn Ukraine trở nên thân thiết với phương Tây.

Ông Ganske cho rằng, Nga coi dân số 45 triệu người của Ukraine là chìa khóa cho mục tiêu xây dựng một khối thương mại cạnh tranh với EU. Liên minh hải quan của Nga bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan. Khi còn đương chức, ông Yanukovych muốn thắt chặt quan hệ với liên minh này. Armenia cũng đã nhất trí gia nhập liên minh này.

“Putin quan tâm tới nền kinh tế Nga, nhưng ông ấy quan tâm nhiều hơn tới sự vĩ đại của nước Nga và ảnh hưởng khu vực”, ông Ganske đánh giá.

“Là một cựu điệp viên, ông Putin có ý tưởng về một nước Nga lớn ở trong đầu, và ông ấy không chấp nhận tầm quan trọng của nước Nga trong bối cảnh địa chính trị hiện nay đã suy giảm. Ông ấy không thích ý tưởng rằng Ukraine đang dịch chuyển xa khỏi nước Nga và trở thành một phần của EU ở một cấp độ nào đó, chứ chưa nói gì tới NATO”.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện