Kinh tế Nga có thể trụ vững đến khi nào?
Loạt đòn trừng phạt Nga của phương Tây có lẽ sẽ không phát huy hết tác dụng nếu giá dầu không đột ngột lao dốc thảm hại từ giữa năm 2014. Tất nhiên vào mùa hè năm ngoái, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu không hề lường trước được cú sốc về giá dầu. Thậm chí, giá dầu còn tăng lên mức kỷ lục trong tháng 6/2014 - chưa đầy một tháng trước khi phương Tây công bố trừng phạt.
Kể từ đó đến tháng 11/2014, dưới sức ép trừng phạt và đà lao dốc của giá dầu, chính phủ Nga liên tiếp mất hàng tỷ USD trong doanh thu ngân sách từ dầu; đồng thời, bị "đá" ra khỏi các thị trường vốn lớn nhất thế giới. Đến tháng 12/2014, ngân hàng trung ương Nga buộc phải tung gói cứu trợ cho doanh nghiệp dầu khí quốc doanh Rosneft để duy trì hoạt động.
Tuy nhiên theo một số nguồn tin phân tích gần đây, việc Tổng thống Vladimir Putin đứng đằng sau, hậu thuẫn cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine cũng gây thiệt hại không nhỏ đối với kinh tế Nga.
Với 3 yếu tố này (giá dầu lao dốc, đòn trừng phạt của phương Tây và nội chiến ở Ukraine), kinh tế Nga đang bị dồn vào thế cùng lực kiệt với khủng hoảng tiền tệ và kinh tế suy yếu sâu.
Để giải quyết vấn đề này, ngân hàng trung ương Nga buộc phải nâng lãi suất lên 17% để ngăn chặn đà lao dốc của nội tệ. Tuy nhiên một tháng sau đó, các nhà hoạch định chính sách đã tuyên bố hạ lãi suất do lo ngại về rủi ro lạm phát. Đáng thất vọng là, các biện pháp này đều không có hiệu quả, bởi ruble vẫn bắt đáy so với USD trong khi kinh tế Nga rơi tự do.
Kết quả là, lạm phát tại Nga liên tục lên cao, khiến ngân hàng trung ương Nga buộc phải hạ lãi suất và chấp nhận rủi ro ruble tiếp tục lao dốc.
Kho dự trữ ngoại hối (ngoại tệ và vàng) của Nga cũng theo đó giảm nhanh chóng.
Trước khi lao dốc tự do từ giữa năm 2014, đà tăng giá liên tục của giá dầu cùng với sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất dầu thô đã mang lại cho chính phủ Nga khoảng 600 tỷ USD. Tuy nhiên do dầu thô trượt giá mạnh, con số này đã giảm dần xuống còn 364 tỷ USD, theo số liệu mới nhất của ngân hàng trung ương Nga. Trong đó, chính phủ Nga đã chi gần 100 tỷ USD kể từ tháng 7/2014 để cứu ruble.
Cứ với tốc độ này, kho dự trữ ngoại hối của Nga dự báo sẽ giảm xuống 200 tỷ USD vào cuối năm nay.
Không chỉ ảnh hưởng đến kho dự trữ ngoại hối, lạm phát cao cũng khiến hoạt động kinh doanh tại Nga ế ẩm do người dân hạn chế chi tiêu khi mức lương thực tế ngày càng giảm mạnh. Rõ ràng, Nga đang tiến gần đến giai đoạn suy thoái. Câu hỏi đặt ra là: "Kinh tế Nga sẽ suy thoái ở mức nào?"
Phần lớn các ngân hàng đều dự đoán rằng, GDP Nga sẽ giảm vài điểm % trong năm nay. Ví dụ, Ngân hàng Thế giới ước tính, GDP Nga sẽ giảm 1,5% trong năm 2015 trong kịch bản giá dầu ổn định ở 70 USD/thùng.
Hiện nay, giá dầu thô Brent đang dần phục hồi và ổn định trung bình ở 60 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp trong tương lai do sản lượng dầu thô tại Mỹ tiếp tục tăng cao, còn nhu cầu của thế giới lại suy giảm. Đây cũng là lý do khiến một số chuyên gia phân tích cho rằng, Nga có thể phải đối mặt với thảm họa kinh tế lớn hơn nhiều.
Thậm chí nếu Nga ngừng cung cấp vũ khí cho quân ly khai tại miền Đông Ukraine, hủy bỏ quyết định sáp nhập Crimea và phương Tây gỡ bỏ hết các lệnh trừng phạt thì kinh tế Nga vẫn phải hứng chịu hậu quả từ đà lao dốc của giá dầu.
Nhìn vào kinh tế Nga lúc này, quyết định sáp nhập Crimea được xem là một bước đi sai lầm của chính phủ Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin vẫn rất được lòng người dân Nga. Bởi kể từ khi nhậm chức Tổng thống năm 1999, ông Putin đã giúp kinh tế Nga tăng trưởng vượt bậc cũng như ổn định tình hình chung của đất nước. Tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, từ mức hơn 25% tổng dân số xuống còn 11% và thu nhập bình quân theo đầu người tăng hơn 2 lần.
Tuy nhiên, vụ ám sát lãnh đạo đảng đối lập Boris Nemtsov của Nga mới đây (ngày 28/2) được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức tín nhiệm hiện tại của ông Putin.
Nguồn DVO/ Bloomberg