Thứ Sáu | 16/05/2014 17:09

Kinh tế Mỹ xuất hiện những dấu hiệu trái chiều

Ngày 15/5, Mỹ công bố một loạt các số liệu kinh tế với số liệu tích cực như đơn xin trợ cấp thất nghiệp, lạm phát và tiêu cực như sản lượng công nghiệp và niềm tin tiêu dùng.
Bộ Lao động cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 24.000 đơn xuống 297.000 đơn tính đến ngày 10/5, đánh dấu mức thấp nhất trong 7 năm và thấp hơn so với dự báo các chuyên gia kinh tế là 320.000 đơn.

Mặc dù hoạt động sa thải đang chậm lại nhưng nhiều công ty vẫn khá thận trọng trong việc tuyển dụng nhân sự mới cho đến khi nào chi tiêu tiêu dùng phục hồi bền vững.

Số đơn xin trợ cấp trung bình trong 4 tuần giảm xuống 323,250 đơn so với 325,250 đơn vào tuần trước. Số người tiếp tục nộp đơn giảm 9.000 người xuống 2,76 triệu người tính đến ngày 3/5 và chạm mức thấp nhất kể tử tháng 12/2007. Tỷ lệ người thất nghiệp trong số những cá nhân đủ điều kiện để nhận trợ cấp vẫn duy trì ở mức 2% tính đến ngày 3/5.

Trong khi đó, giá sinh hoạt tại Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 1 năm trong tháng 4, cho thấy lạm phát có thể sẽ tăng nhanh hơn nhờ nhu cầu của người dân phục hồi sau quý I ảm đảm.

Bộ Lao động công bố, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,3%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2013. Con số này cao hơn so với mức tăng của tháng trước đó là 0,2% và ngang với dự báo của các chuyên gia. Trong 12 tháng qua, giá cả đã tăng 2%, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2013.

Lạm phát đang dần tiến tới mức mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hỗ trợ cho quyết định tiếp tục cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng hàng lớn chưa từng thấy của ngân hàng trung ương.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp xuống thấp nhất trong 7 năm cùng với giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trng 10 tháng cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang đạt được đà phục hồi mạnh mẽ.

Trái ngược lại, sản lượng công nghiệp tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 4 do hoạt động sản xuất suy yếu trên diện rộng.

Fed cho biết, sản lượng tại các nhà máy, khu khai thác mỏ và công ty sản xuất điện, nước giảm 0,6% trong tháng 4 sau khi tăng 0,9% trong tháng 3 và nằm trong phạm vi dự báo của các chuyên gia kinh tế. Hoạt động sản xuất - chiếm 75% trong tổng sản lượng của Mỹ - giảm 0,4%.

Kết quả đáng thất vọng này cho thấy, hoạt động công nghiệp đang có dấu hiệu ngưng trệ sau đợt tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm nhờ các nhà máy đã hoạt động trở lại sau thời kỳ mùa đông khắc nghiệt.

Ngoài ra, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Bloomberg cũng giảm 2,2%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 13/10. Tính đến ngày 11/5, chỉ số này ở mức 34,9 điểm.

Mức tăng của lương hạn chế, giá thực phẩm và xăng tăng cao có thể là lý do khiến niềm tin tiêu dùng của người dân giảm mạnh vào tuần trước. Số liệu này nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng và tăng tốc độ tăng lương để tạo động lực phục hồi trong nhu cầu và chi tiêu của người dân cũng như nền kinh tế.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Sự kiện