Chủ Nhật | 15/07/2012 16:02

Kinh tế Mỹ Latinh gặp nguy hiểm vì phụ thuộc vào Trung Quốc

Tỷ trọng khổng lồ và cơ cấu xuất khẩu bất hợp lý sang Trung Quốc đang khiến kinh tế Mỹ Latin gặp nguy hiểm trước suy giảm tăng trưởng nước này.
Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của một số nền kinh tế lớn của Mỹ Latinh gồm Brazil, Colombia, Chile và Peru tăng 10 lần kể từ 2001. Trung Quốc giờ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tất cả các quốc gia này, trừ Colombia.

Từ năm 2001, khi Trung Quốc tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc của Chile tăng gấp 4 lần lên 22,8%. Xuất khẩu sang Trung Quốc của Brazil tăng 5 lần lên 17,3%. Tại Peru, tỷ lệ này tăng gấp 2 lên 15,3%. Chiến lược gia châu Mỹ Latin của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (CIBC) John Welch cho biết 5 năm qua, Mỹ Latinh đã nhận được nguồn thu nhập lớn, khi giá xuất khẩu tăng mạnh.

Thậm chí vì Trung Quốc, bản đồ kinh tế khu vực được thiết lập lại. Ví dụ, các trang trại đậu tương ở khu vực xa xôi Trung Tây Brazil mọc lên, hay kế hoạch về những đường sắt mới tại Colombia để cạnh tranh với kênh đào Panama, thậm chí cả 1 thị trấn Peru ở Andes phải di dời để đáp ứng công ty khai mỏ Chinalco của Trung Quốc.

Tuy nhiên 90 tỷ USD xuất khẩu trực tiếp chỉ là 1 phần câu chuyện. Đồng thời với việc các quốc gia Mỹ Latin đổ xô đi sản xuất nhiên liệu, quặng và kim loại phục vụ các nhà máy Trung Quốc, họ lại càng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm, tác động mạnh, đầu tiên lên giá, và sau đó lên khối lượng xuất khẩu, Carlos Gonzalez, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Hiệp hội xuất khẩu Peru cho biết. Ông cũng cho hay 90% doanh thu của Peru sang Trung Quốc là kim loại. Các công ty khai mỏ cũng là những doanh nghiệp trả thuế cao nhất ở Peru. Điều này khiến thậm chí cả các chương trình xã hội nước này cũng có thể bị ảnh hưởng.

Hàng hóa chiếm hơn 60% tất cả xuất khẩu ở tất cả các nước Mỹ Latin, trừ Mexico. Hiện tại, tăng trưởng Trung Quốc chậm lại đã ảnh hưởng tới giá nguyên liệu thô, có khả năng làm tổn thương kinh tế các nước như Venezuela và cả Argentina.

Tăng trưởng xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc giảm hơn 1/2 trong 6 tháng đầu năm 2012, dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy ngày 10/7.

Nhập khẩu đồng Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới kim loại này giảm đẩy giá đồng thấp nhất 6 tháng trong tháng 6. Chỉ số hàng hóa Thomson Reuters-Jefferies CRB cũng giảm xuống thấp nhất từ 9/2010.

Nhu cầu thấp hơn cùng xu hướng giá giảm, bắt đầu từ tháng 2 đang nhanh chóng cho thấy các hậu quả. Peru lần đầu tiên trong hơn 3 năm thâm hụt thương mại vào tháng 4. Doanh thu xuất khẩu đồng của Chile giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Peru Julio Velarde từng nói rằng tăng trưởng Peru có thể phản ánh suy giảm ở Trung Quốc "Nếu tốc độ tăng trưởng Trung Quốc giảm 25%, Peru cũng thế". Nhu cầu Trung Quốc phần nào giúp kinh tế nước này tăng trưởng bình quân năm 6,4% 10 năm qua, và giảm tỷ lệ nghèo đói xuống khoảng 28%.

Phân tích sự suy giảm thương mại với Trung Quốc, các nhà kinh tế Bank of America Merrill Lynch thấy rằng xuất khẩu của các nước Mỹ Latin tập trung vào một số ít sản phẩm chính, như đồng ở Chile và các hạt có dầu ở Argentina. Chúng cũng nhạy cảm về giá hơn các sản phẩm công nghiệp, vốn có tỷ lệ trong xuất khẩu đang ngày một giảm.

Từ năm 2001, tỷ lệ của xuất khẩu các sản phẩm chế tạo trong tổng xuất khẩu 7 nền kinh tế hàng đầu Mỹ Latin thu hẹp lại do sản xuất nhiên liệu và sản phẩm khai mỏ bùng nổ. Sản phẩm chế tạo Brazil chiếm hơn 1 nửa xuất khẩu nước này năm 2001, nhưng chỉ chiếm còn 35% năm 2010, theo dữ liệu của WTO.

Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu khu vực vẫn chưa lường được tác động của việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Giá quặng sắt giao ngay giảm 2% năm nay, nhưng một số công ty khai quặng Brazil vẫn lạc quan về nhu cầu ở Trung Quốc có thể đẩy giá quặng lên, dù không nhiều như trước.

Ngân hàng Interbank lại nhìn thấy cơ hội cho Peru từ việc Trung Quốc hướng tới tiêu dùng nội địa. Juan Carlos Rios, giám đốc văn phòng Thượng Hải của ngân hàng cho biết tiềm năng của Trung Quốc sẽ nằm ở việc bán các sản phẩm chế biến. Ông cho biết thêm giới trung lưu Trung Quốc thích quần áo cotton Pima của Peru, nhu cầu nho và bơ vẫn mạnh mẽ, ngay cả khi nhu cầu kim loại giảm.

Tuy nhiên, mặc dù Peru hy vọng gấp đôi tỷ lệ hàng hóa nông nghiệp trong tổng xuất khẩu tới 2016 nhưng chênh lệch tỷ lệ này giữa hàng hóa chế biến, hàng hóa nông nghiệp và nguyên liệu thô vẫn vô cùng lớn.

Tổng xuất khẩu hàng hóa chế năm ngoái nước này 10,7% tổng xuất khẩu, từ 18,1% năm 2001. Trong khi xuất khẩu quần áo bông Pima của Peru chỉ bằng 0.05% xuất khẩu đồng với vỏn vẹn 384.000 USD.



Công ty khai mỏ quốc doanh của Trung Quốc Chinalco, cho biết cuối tháng 7 sẽ hoàn tất xây dựng một thành phố mới cho 5.000 cư dân sống trên mỏ đồng Toromocho trị giá 2,2 tỷ USD của mình.

Theo Chinalco, thị trấn trị giá 50 triệu USD của công ty này sẽ giúp cư dân nghèo thị trấn tiếp cận các tiện nghi họ đang thiếu thốn, như nước sạch, hệ thống nước thải và điện. Họ cho rằng đây là dự án xã hội được tư nhân tài trợ lớn nhất trong lịch sử khai mỏ Peru và giúp công ty tránh khỏi sự phản đối từ cộng đồng khiến nhiều dự án lớn ngừng lại.

Chinalco cho biết 75% cư dân thị trấn đã đồng ý di chuyển. Tuy nhiên một số dân làng và quan chức địa phương phản đối do lo sợ mất nơi sinh sống mà không được bồi thường đảm bảo và thích đáng.

Toromocho dự kiến ​​sẽ mở vào cuối năm 2013, hoạt động 35 năm, và sản xuất 250.000 tấn đồng một năm - gần 1/4 sản lượng 2011 của Peru.

Nếu việc này thành công có thể nâng cao danh tiếng các công ty Trung Quốc, vốn bị cáo buộc chà đạp lên lợi ích công nhân và cư dân Peru cũng như các nước đang phát triển trong quá khứ.


Nguồn Reuters/ DVT


Sự kiện