Biểu tình bên ngoài Nhà Trắng phản đối tình trạng đóng cửa Chính phủ. (Nguồn: AP)

 
Trang Lê Thứ Sáu | 25/01/2019 08:35

Kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt tăng trưởng 0%

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể tụt về mức rất thấp, thậm chí là 0% trong quý I do tình trạng chính phủ đóng cửa kéo dài.

Đó là cảnh báo vừa được đưa ra bởi ông Kevin Hassett, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng. Theo ông Hassett, viễn cảnh xấu nhất này hoàn toàn có thể xảy ra nếu tình trạng đóng cửa hiện nay kéo dài đến cuối tháng 3. Tuy nhiên, khi chính phủ mở cửa trở lại, tình hình sẽ dần được cải thiện và mức tăng trưởng trong quý II sẽ tăng mạnh, có thể đạt 4 hoặc 5%. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng quý I của kinh tế Mỹ yếu hơn đáng kể so với các quý còn lại của năm cũng là điều thường xuyên xảy ra trong vòng vài thập kỷ trở lại đây.

Các lãnh đạo cao cấp của giới ngân hàng mới đây đã cảnh báo, dù các điều kiện cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững ổn, nhưng việc tâm lý nhà đầu tư giảm sút trong bối cảnh Chính phủ liên bang Mỹ buộc phải ngừng hoạt động một phần có thể làm triệt tiêu mất đà tăng trưởng.

Hiện tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa đã kéo dài 33 ngày, kéo theo hơn 800.000 nhân viên nhà nước không được trả lương. 

Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng tài chính JPMorgan, ông Jamie Dimon cho rằng, việc đóng cửa chính phủ sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế. Ông cho hay một số chuyên gia ước tính rằng nếu việc đóng cửa này tiếp diễn trong cả quý I/2019 thì có thể kéo tụt nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế về 0.

Những bất ổn xung quanh việc chính phủ liên bang tiếp tục phải đóng cửa một phần càng khiến triển vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới yếu đi. Nhất là việc này diễn ra vào thời điểm các câu hỏi về việc giải quyết tranh chấp thương mại cũng như chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Kinh te My co the phai doi mat tang truong 0%
Kinh tế Mỹ vốn dựa vào tiêu dùng là chính, vì thế 800.000 nhân viên liên bang bị chậm trả lương, có nghĩa họ sẽ phải giảm hoặc cắt nhiều khoản chi tiêu.

CEO của JPMorgan cũng cho biết, những số liệu thống kê cơ bản của nền kinh tế toàn cầu không phải là quá bi quan. Tuy đà tăng trưởng có chậm lại, nhất là ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và Mỹ, nhưng triển vọng tăng trưởng trên toàn cầu vẫn được duy trì và chi tiêu tiêu dùng vẫn trong tình trạng tốt.

Những nhận xét của của CEO Dimon được đưa ra sau khi JPMorgan và một “đại gia” khác của ngành ngân hàng là Wells Fargo báo cáo kết quả kinh doanh có phần trái chiều trong quý IV/2018. Theo đó, lợi nhuận ròng của JPMorgan trong quý IV/2018 đã tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017 lên 7,1 tỉ USD, với doanh thu tăng 4% lên 26,8 tỉ USD.

Trong khi đó, Wells Fargo báo cáo rằng lợi nhuận quý IV/2018 của ngân hàng này đã giảm 1,4% xuống còn 6,1 tỉ USD sau khi doanh thu giảm 4,9%. Trong đó, sự sụt giảm trong hoạt động cho vay tiêu dùng đã gần như “san phẳng” sự gia tăng của các khoản cho vay thương mại.

Kinh tế Mỹ vốn dựa vào tiêu dùng là chính, vì thế 800.000 nhân viên liên bang bị chậm trả lương, có nghĩa họ sẽ phải giảm hoặc cắt nhiều khoản chi tiêu. Điều này cũng gây tác động không nhỏ tới ngành bán lẻ.

Các ngân hàng tại phố Wall, New York đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I năm nay. JP Morgan hạ 0,25 điểm %. Còn Bank of America Merrill Lynch cắt 0,1 điểm %. Cả 2 ngân hàng này cho biết sẽ hạ tiếp dự báo nếu như tình trạng đóng cửa còn kéo dài"