Thứ Bảy | 02/03/2013 20:11

Kinh tế Mỹ: Chờ đợi búa rìu

Kinh tế Mỹ đã sống sót nhờ thị trường nhà đất phục hồi. Tuy nhiên, lệnh cắt giảm chi tiêu tự động vừa thông qua có thể khiến mọi thứ thay đổi.
Ngày 1/1, khi tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa đồng ý gia hạn thêm các chính sách cắt giảm thuế tiền lương và nâng thuế đánh vào người giàu, họ đã chơi trò xúc xắc may rủi đối với nền kinh tế.

Các chính trị gia cược rằng nền kinh tế sẽ phục hồi đủ mạnh để chống chọi với mức thuế cao hơn cùng với các khoản cắt giảm chi tiêu, trong đó có lệnh cắt giảm chi tiêu tự động bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/3. Tương đương với 1,9% GDP, khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 85 tỷ USD là khoản cắt giảm lớn thứ 2 trong nhóm các nước phát triển, chỉ đứng sau Hy Lạp.

Tại chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, dường như chính phủ đã thua trong cuộc chơi này. “Khách hàng của chúng ta ở đâu và tiền của họ ở đâu?”, tờ Bloomberg trích dẫn lá thư được một giám đốc cấp cao của Walmart gửi đi vào ngày 1/2. Tính đến ngày 12/2, doanh số của tháng 2 thực sự là “một thảm họa”.

Tuy nhiên, Walmart lại phác họa nên 1 bức tranh tươi sáng hơn vào ngày 21/2, khi công bố lợi nhuận. Thực tế là doanh số có sụt giảm, nhưng thủ phạm không phải là sự tăng lên về thuế suất mà là các khoản hoàn thuế hoãn lại. Năm ngoái, khách hàng tiêu khoảng 4 tỷ USD tiền mặt tiền hoàn thuế thu nhập tại các cửa hàng của Walmart. Năm nay, con số chỉ là 1,7 tỷ USD.

Gió ngược chiều

Bị chững lại dù vào cuối năm ngoái do nhân tố khách quan (bao gồm siêu bão Sandy), nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức khoảng 2%. Đây là con số tương đương với tốc độ trung bình của cả năm 2012. Nền kinh tế đang bị mắc kẹt giữa không chỉ những cơn gió ngược mà là cả những cơn gió xuôi triệt tiêu lẫn nhau. Ngoài chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, cơn gió ngược bao gồm cả giá xăng tăng cao đe dọa làm giảm tiêu dùng và có thể khiến GDP giảm 0,2%.

Trong khi đó, nhân tố thuận lợi chính là sự phục hồi đang lan tỏa trên thị trường nhà đất. Doanh số bán nhà mới trong tháng 1 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Hàng tồn kho hiện ở mức 4,1 tháng – thấp nhất trong 8 năm và sẽ là động lực lớn thúc đẩy hoạt động xây dựng mới. Giá nhà tăng và thị trường chứng khoán ở sát mức cao kỷ lục khiến tài sản của các hộ gia đình tăng thêm 4.800 tỷ trong năm ngoái, lên con số khoảng 65.000 tỷ USD - gần bằng với mức trước khủng hoảng. Theo giới phân tích, hiệu ứng này có thể khiến GDP năm 2013 tăng thêm 0,7%.

Giá nhà tăng cao cũng có thể làm giảm nguồn cung tín dụng thế chấp do các vụ vỡ nợ hay tịch biên giảm xuống.
Hệ lụy khó lường

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để tuyên bố Mỹ đã chiến thắng trong trò chơi may rủi, đặc biệt là với lệnh cắt giảm chi tiêu tự động vừa được thông qua. Khó có thể đoán được những hệ lụy mà chính sách này mang đến.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cắt giảm chi tiêu 1.200 tỷ trong vòng 1 thập kỷ tới. Khoản cắt giảm đầu tiên trị giá 85 tỷ USD sẽ có hiệu lực trong vòng 7 tháng (đến cuối tháng 9). Hầu hết các chi bắt buộc theo luật định (như lương hưu và chi cho y tế) đều được bỏ qua. Chi tiêu cho quốc phòng giảm 13% trong 7 tháng tới và chi tiêu cho các chương trình theo ý muốn của chính phủ (discretionary programmes) giảm 9%.

Sau 1 thời gian dài cho rằng các khoản cắt giảm là quá tồi tệ và rất khó thực thi, cuối cùng thì nội các của ông Obama cũng phải thông qua. Bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là công chức nhà nước. Marcherie Williams, người đang làm việc cho Sở thuế vuj (IRS) Philadelphia, phàn nàn rằng chắc chắn cô và các đồng nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Một nghiên cứu được thực hiện trên các nhân viên của National Treasury Employees Union (công đoàn lớn nhất của công chức liên bang) cho thấy 63% số người tham gia dự định sẽ phải tiêu đến tiền tiết kiệm khi về hưu và 57% có kế hoạch đi vay thêm. Các bang Maryland, Virginia và Washington, DC sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đây là nơi tập trung nhiều công chức.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (AIA) thừa nhận có kế hoạch cắt giảm 47.000 nhân sự. Hiệp hội Thịt bò quốc gia thì cho rằng số lượng thanh tra an toàn thực phẩm đối với thịt, gia cầm và trứng sẽ ảnh hưởng đến 6.300 cơ sở kinh doanh và có thể khiến ngành này bị thiệt hại 10 tỷ USD. Hơn nữa, sự kiện này còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng rất quan trọng đối với ngành vận tải.

Những ước tính trên có thể khiến các ngành đồng loạt rung hồi chuông báo động về những hậu quả tai hại của chính sách cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, bạn sẽ chọn chính sách này nếu như muốn giảm thâm hụt ngân sách theo cách hủy hoại nhất.

Nguồn CafeF


Sự kiện