Ảnh: Reuters
Kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, sự sụp đổ diễn ra nhanh chưa từng có
Mỹ chính thức suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, GDP quý II/2020 của Mỹ có thể giảm đến 40% so với cùng kỳ năm vừa qua.
CNN đưa tin, những số liệu được Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ (NBER) vừa công bố, cho thấy kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái vào tháng 2 vì đại dịch COVID-19, chấm dứt quãng thời gian tăng trưởng dài kỷ lục gần 11 năm.
Với những số liệu này, NBER đã chắc chắn trong tuyên bố Mỹ đã bước vào một cuộc suy thoái mới. Động thái này của NBER hoàn toàn khác với những lần tuyên bố trước khi đợi suy thoái cả một năm, khi mọi người đều đã biết rồi mới chính thức công bố. Đây cũng là lần tuyên bố suy thoái nhanh chóng nhất của NBER kể từ khi cơ quan này bắt đầu vào năm 1979.
Theo AP, một ủy ban thuộc NBER xác định thời điểm suy thoái bắt đầu và kết thúc. Họ định nghĩa suy thoái là "sự sụt giảm hoạt động kinh tế kéo dài hơn vài tháng". Vì thế, NBER thường chờ đợi lâu hơn trước khi ra kết luận liệu kinh tế có suy thoái hay không. Trong đợt suy thoái gần đây nhất, ủy ban trên không ra kết luận cho đến tháng 12.2008, một năm sau khi suy thoái bắt đầu.
Như vậy, nếu dự báo của NBER là chính xác, đại dịch COVID-19 sẽ là dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ kể từ sau khủng hoảng năm 2008. Tính đến tháng 7.2019, Mỹ đã tăng trưởng 128 tháng liên tiếp không gián đoạn, dài nhất kể từ năm 1854 và phá vỡ kỷ lục 120 tháng của giai đoạn tháng 3.1991 đến tháng 3.2001 trước khi bong bóng dotcom xì hơi.
Tuy nhiên, ngày 5.6, chính phủ Mỹ cho biết các nhà tuyển dụng đã bổ sung 2,5 triệu việc làm vào tháng 5, một tín hiệu tích cực bất ngờ cho thấy tình trạng lao động mất việc làm chuẩn bị được cải thiện. Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 13,3%, giảm từ 14,7% trong tháng 4.
Nền kinh tế Mỹ đã giảm 4,8% trong quý đầu tiên, mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. |
Kỳ vọng sớm chấm dứt suy thoái kinh tế
Một nhóm các nhà kinh tế thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cũng vừa đưa ra đánh giá rằng, suy thoái kinh tế do COVID-19 tại Mỹ có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt sau khi xuất hiện một số tín hiệu lạc quan của thị trường việc làm của nước này.
Thông báo từ chính phủ Mỹ cho biết, nước này đã có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Đây được cho là một diễn biến bất ngờ khi số người mất việc tại Mỹ liên tục tăng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Các chuyên gia nhận định, suy thoái kinh tế Mỹ đã diễn ra từ hồi tháng 2. Tuy nhiên, việc có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5 được coi là một tín hiệu tích cực cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đã chạm đáy và bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh những thông tin trên, thì những tín hiệu tích cực từ Phố Wall đã phục hồi hầu hết các khoản lỗ từ cuộc suy thoái này khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi hình chữ V. S & P 500 đã tăng hơn 40% so với mức thấp ngày 23.3.
Quý II, người thất nghiệp ở Mỹ cao nhất từ năm 1940. Hình minh họa: Reuters |
"Điều quan trọng nhất là tập trung vào sức phục hồi. Hiện tại, đây là nơi ẩn chứa nhiều bất ổn nhất", ông Ernie Tedeschi, Ngân hàng đầu tư Evercore ISI (trụ sở New York, Mỹ), khẳng định. Theo ông Tedeschi, hiện vẫn chưa rõ liệu COVID-19 đã được kiểm soát hay chưa, liệu có xảy ra đợt lây nhiễm thứ 2 hay không, liệu hoặc khi nào vaccine sẽ ra đời.
Theo các chuyên gia, một cuộc suy thoái kết thúc khi số lượng việc làm bắt đầu tăng trở lại. Chính vì thế, có thể hy vọng rằng suy thoái kinh tế hiện nay tại Mỹ, về mặt kỹ thuật, sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, 13,3% trong tháng 4, cao hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào kể từ chiến tranh thế giới thứ 2.
Chính quyền các bang và địa phương đang có kế hoạch cắt giảm việc làm, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực như dịch vụ xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Kế hoạch này được cho là sẽ gây rủi ro cho hơn 3 triệu việc làm trong tháng tới. Ngoài ra, nước Mỹ vẫn lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần 2 trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình bùng phát tại nhiều bang. Điều này có thể làm tiêu tan khả năng phục hồi và khiến nền kinh tế Mỹ tổn hại nặng nề hơn.