Thứ Hai | 11/01/2016 12:30

Kinh tế Mỹ bền vững đến đâu trong năm 2016?

Liệu nước Mỹ có thể đứng một mình ung dung tự tại trong khi xung quanh nó là một thế giới đầy bất ổn với quá nhiều thách thức?

2016 sẽ tiếp tục là một năm sóng gió của thế giới với những thách thức kinh tế và địa chính trị gần như có mặt khắp mọi nơi. Ngoại trừ, hiện tại, ít nhất là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới – còn đứng khá vững trong thế giới biến động này.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn cho năm 2016 là kinh tế Mỹ sẽ vững đến đâu, đặc biệt nếu các nền kinh tế trên toàn cầu đi theo chiều hướng xấu hơn.

Trong nền kinh tế thế giới liên thông chặt chẽ với nhau, rắc rối ở một nước có thể dễ dàng lan nhanh sang các nước khác, có thể là thông qua các thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng hoặc các mối quan hệ giao thương. Chỉ mới giữa tuần qua, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm thứ 3 liên tiếp. Điều này có nghĩa là nhu cầu ít hơn cho các sản phẩm Mỹ trên toàn thế giới và ít công việc hơn cho lao động Mỹ.

Thế nhưng, trong quá khứ, Mỹ đã cho thấy một xu hướng kỳ lạ là nó hưởng lợi từ những biến động ở thị trường bên ngoài. Ian Bremmer, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Eurasia Group, nhận xét: “Mỹ có thể không có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đáng kinh ngạc và vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dễ nhận thấy. Nhưng xét ở tính ổn định, trong lúc mọi thứ trở nên bất ổn hơn, Mỹ ở một số khía cạnh nào đó lại trở nên mạnh mẽ hơn”, khi mọi người và các đồng đô-la vốn đầu tư đều bị “hút” về tính ổn định tương đối của quốc gia này.

Một thực tế là những thông tin kinh tế, tài chính xuất hiện cho đến thời điểm này trong năm 2016 không phải là tin mới hoàn toàn hay có gì bất ngờ, mà chúng là phần tiếp theo của các xu hướng đã có từ lâu trong năm 2015. Chẳng hạn như căng thẳng ở Trung Đông là không hề mới.

Thông thường, cách mà những căng thẳng này tác động đến nền kinh tế toàn cầu là qua việc đẩy cao chi phí dầu. Nhưng thay vào đó, điều ngược lại đang xảy ra. Giá dầu đã giảm còn 37 USD/thùng từ mức khoảng 53 USD/thùng trong năm ngoái và hiện đã về dưới 34 USD/thùng. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại không chỉ tại Trung Quốc mà ở nhiều thị trường mới nổi khác, bao gồm cả Brazil và Nigeria, trong 2 năm qua. Châu Âu và Nhật không tăng trưởng là mấy và thậm chí các nền kinh tế phát triển tăng trưởng tốt trước đây như Canada cũng đang khốn khổ vì hàng hóa dư thừa.

Trong bối cảnh kém lạc quan của nền kinh tế toàn cầu, dự báo kinh tế chung cho Mỹ khá là đẹp đẽ. Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2016. Các chỉ số chứng khoán Mỹ, mặc cho làn sóng bán tháo toàn cầu và lợi nhuận các doanh nghiệp dầu mỏ bị giảm mạnh, vẫn ở trên mức của tháng 9.2015.

Kinh te My ben vung den dau trong nam 2016?
Kinh tế Mỹ dường như đang trên đường tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển khác

Nhưng liệu Mỹ có thể đứng một mình ung dung tự tại trong khi xung quanh nó là một thế giới đầy bất ổn với quá nhiều thách thức? Và liệu thế giới có thể dựa vào Mỹ làm trụ cột chống đỡ cho mình?

Một rủi ro là những làn gió ngược trên toàn cầu quá mạnh khiến Mỹ không thể vượt qua được. Rõ ràng, việc giá dầu giảm sâu đã khiến cho các công ty sản xuất dầu mỏ và các nhà cung cấp của họ lao đao. Khu vực công nghiệp Mỹ đang rên rỉ dưới sức nặng của một đồng USD mạnh, vốn đã đẩy cao giá hàng hóa xuất khẩu của nước này. Đó là hậu quả của sự lệch pha giữa tăng trưởng tại Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Một khu vực dịch vụ mạnh và nền kinh tế tiêu dùng nói chung vẫn khả quan tại Mỹ cho đến nay đã bù đắp được cho tình trạng chông chênh ở những khu vực khác. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã cho thấy nền kinh tế thế giới đã đan xen, hòa quyện với nhau theo những cách khó mà dự đoán trước được điều gì. Đó là chưa tính đến những yếu tố bất ổn hiện tại, đặc biệt là các mối đe dọa địa chính trị từ khu vực Trung Đông và bán đảo Triều Tiên, vốn có thể gây ra tình trạng trì trệ kinh tế nếu tình hình diễn biến xấu đi.

Trong kịch bản xấu, kinh tế toàn cầu sẽ khó mà đỡ nổi một cú sốc khác khi nền kinh tế ở nhiều nơi đang “kiệt sức”. Bằng chứng là thâm hụt đang ở mức cao ở nhiều quốc gia trên thế giới và thậm chí ở những quốc gia không bị thâm hụt thì các nhà lãnh đạo cũng không mặn mà với việc mở rộng chi tiêu để hỗ trợ các nền kinh tế. Hơn nữa, ngân hàng trung ương các nước đã làm “tràn ngập” cả thế giới với dòng vốn dễ dãi và nếu bơm thêm vào, hệ quả sẽ khó nói trước.

Suốt những năm trước khi diễn ra khủng hoảng 2008, Mỹ đã đóng vai trò là quốc gia tiêu dùng cuối cùng của thế giới. Người Mỹ vẫn tiếp tục đi mua sắm trong khi người tiêu dùng ở các nước khác thắt chặt hầu bao. Tác dụng phụ của việc này là nợ không ngừng tăng lên, mà trong giai đoạn trước khủng hoảng nằm dưới dạng các chứng khoán bảo đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

Tình trạng bất ổn của các nền kinh tế khác trên toàn cầu càng kéo dài và đà tăng trưởng Mỹ vẫn tiếp tục vững chắc thì những thế lực này sẽ càng bám rễ. Nghĩa là đồng USD không ngừng mạnh lên sẽ làm khổ cho các nhà xuất khẩu Mỹ, trong khi người tiêu dùng nước này sẽ dần siết chặt chi tiêu. Nghĩa là những hy vọng về một nền kinh tế toàn cầu cân bằng hơn sẽ tiếp tục xa vời.

Điều tốt nhất có thể xảy ra cho kinh tế toàn cầu là chấm dứt hoặc ít nhất rút ngắn sự lệch pha giữa tăng trưởng kinh tế Mỹ với phần còn lại của thế giới và chắc chắn không phải là vì Mỹ tăng trưởng chậm lại mà cần các nền kinh tế khác tăng trưởng mạnh hơn. Đó là khi châu Âu và Nhật đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn; Trung Quốc xoay xở thành công cuộc chuyển dịch sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng hơn và các nền kinh tế mới nổi khác thoát được một năm cam go để hướng tới tăng trưởng ổn định và bền vững.

Đây thực sự là đòi hỏi quá cao đối với một thế giới đầy rủi ro khó lường. Dù sao năm 2016 chỉ mới bắt đầu, vẫn còn nhiều thời gian để Mỹ cũng như các nền kinh tế khác hành động để lật ngược thế cờ.

Đàm Hoa

Nguồn NYT