Kinh tế Mỹ bấp bênh đầu năm
Sau một năm đầy khó khăn, các công ty lớn của Mỹ lại bắt đầu năm kinh doanh 2016 bằng việc siết chặt đầu tư cơ bản, sa thải lao động trước nhu cầu ì ạch trong ngành công nghiệp và sự không chắc chắn về sức mua tiêu dùng Mỹ, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới. Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại về sức bền bỉ của kinh tế Mỹ - một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu thời gian qua.
Lực đỡ tiêu dùng
Các doanh nghiệp lớn từ Johnson & Johnson cho đến Yahoo! Inc. đã tuyên bố các kế hoạch cắt giảm khoảng 14.000 việc làm trong những tuần gần đây. Các công ty khác như hãng đường sắt Norfolk Southern Corp. và hãng dầu mỏ Chevron Corp. đều cắt giảm chi tiêu. “Chúng tôi biết đây là một môi trường cam go khó mà nói đến chuyện tăng trưởng. Đó là lý do vì sao chúng tôi chỉ tập trung vào cắt giảm chi phí”, CEO James Squires của Norfolk Southern cho biết.
Động thái thận trọng này cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vẫn còn lo ngại khi đồng USD mạnh và đà tăng trưởng yếu ớt tại các thị trường đang phát triển đang tác động tiêu cực đến doanh số bán của họ ở nước ngoài. Đà sụt giảm thị trường chứng khoán và nỗi lo ngại về nền kinh tế đình trệ cũng gây bất an cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng tại thị trường nội địa, mặc cho những dấu hiệu tích cực trên thị trường nhà đất và lao động.
Thời gian qua, tiêu dùng nội địa đã đóng vai trò là lực đỡ mạnh mẽ cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh tăng trưởng ì ạch tại các thị trường mới nổi. Ngoài các công ty như Starbucks và Nike, Royal Caribbean Cruises Ltd. cho biết nhu cầu đang tăng lên, sau thời gian ế ẩm do ảnh hưởng bởi cuộc tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11.2015. “Chúng tôi đang chứng kiến sức mạnh đặc biệt từ người tiêu dùng Bắc Mỹ”, Giám đốc Tài chính Jason Liberty cho biết.
Các công ty hàng tiêu dùng cũng dẫn chứng những dấu hiệu cho thấy người Mỹ sẵn sàng mở rộng hầu bao để mua những sản phẩm mới có thương hiệu hoặc có chất lượng cao hơn. P&G cho biết doanh số bán hữu cơ (đã loại trừ các thương vụ thâu tóm) đã tăng 2%, một sự cải thiện so với mức sụt giảm 1% của quý trước.
Thế nhưng, các chuyên gia đang lo ngại khi Mỹ quá dựa vào lực đỡ tiêu dùng, nhất là khi khu vực này đang phát đi những dấu hiệu tốt xấu đan xen: số liệu của Chính phủ Mỹ về chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ tháng 12.2015 đầy thất vọng, nhưng các công ty như Starbucks, Ford Motor và Nike thì lại tiếp tục ghi nhận doanh số bán mạnh ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, Starbucks lại dự báo doanh số quý I/2015 yếu hơn và sự lạc quan của Ford cũng kém vui trước những nỗi lo rằng doanh số bán ôtô đã chững lại. Nhìn chung, rất ít nhà điều hành doanh nghiệp dự báo mức tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới và vì thế hạn chế đầu tư.
Tăng trưởng lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) điều chỉnh của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 |
“Mỹ về cơ bản dựa vào một khu vực để tạo nên hầu hết tăng trưởng: tiêu dùng. Nghĩa là sẽ dễ bị tác động khi một cú sốc xảy ra”, Joseph LaVorgna, chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của Deutsche Bank Research, nhận xét.
Nhìn chung, các công ty trong chỉ số S&P 500 dự kiến sẽ báo cáo kết quả lợi nhuận quý IV/2015 (đã điều chỉnh) giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước và doanh số giảm 3,5%, theo Thomson Reuters. Điều này đánh dấu 2 quý liên tiếp lợi nhuận sa sút, lần đầu tiên kể từ năm 2009 và 4 quý liên tiếp chứng kiến doanh số bán giảm.
Phần lớn mức giảm cho thấy một khu vực năng lượng đầy bão táp, với lợi nhuận giảm 75% trong quý IV/2015 và doanh số bán giảm 35%, theo dự báo của Thomson Reuters. Chevron, ConocoPhillips đều cho biết đã lỗ nặng trong quý IV/2015. Nếu không tính các công ty năng lượng, lợi nhuận điều chỉnh của các công ty S&P 500 dự kiến sẽ tăng 2,1% trong khi doanh số bán chỉ tăng 0,9%. Lợi nhuận điều chỉnh là lợi nhuận đã loại trừ các khoản chi phí và thu nhập được xem là bất thường, vì thế thường được các nhà phân tích đầu tư sử dụng.
Mối lo ngại về sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất là không mới. Nhưng tăng trưởng kinh tế ở bên ngoài khu vực sản xuất, theo tính toán của Viện Quản trị Cung ứng (ISM), cũng đã chậm lại trong tháng 1, chậm nhất trong gần 2 năm qua, theo Oxford Economics. Và Thomson Reuters cũng dự báo mức lợi nhuận thấp hơn trong nhiều lĩnh vực như hàng hóa thiết yếu và dịch vụ công ích. Tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ chững lại trong lĩnh vực công nghệ.
Chờ dấu hiệu rõ ràng hơn
Tính đến đầu tháng 2.2016, có gần 1/3 công ty S&P 500 đã báo cáo kết quả tài chính cuối năm chi tiết. Howard Silverblatt, chuyên gia phân tích cấp cao tại S&P Dow Jones Indices, cho biết đầu tư cơ bản đã tăng 6,2% so với cách đó 1 năm. Con số này bằng chưa tới phân nửa mức tăng 13,9% của quý IV/2014, dù phần lớn mức sụt giảm đến từ các công ty năng lượng, theo Silverblatt.
Các doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc kiềm hãm chi tiêu. Norfolk Southern cho biết lượng bán than đã giảm xuống trong bối cảnh giá năng lượng giảm và tồn kho bán lẻ vẫn cao. Công ty đã giảm chi tiêu đầu tư cơ bản khoảng 100 triệu USD vào năm ngoái “để thích ứng với môi trường kinh tế đang thay đổi”, theo các nhà điều hành. Họ cũng cho biết sẽ giảm thêm nữa nếu cần thiết.
Oshkosh, nhà sản xuất xe cơ giới hạng nặng và thiết bị dùng trong ngành xây dựng, cho biết các khách hàng dè dặt đặt mua thiết bị trong năm 2016. “Nhiều công ty muốn chắc chắn rằng thị trường xây dựng tại Mỹ có bước khởi đầu thuận lợi trước khi toàn tâm toàn ý với kế hoạch mua thiết bị”, CEO Wilson Jones nói trong một cuộc họp với nhà đầu tư vào cuối tháng 1 vừa qua.
Trong khi đó, U.S. Steel Corp. cho biết sẽ tập trung vào các dự án nhỏ hơn. “Đó là các dự án mà khi triển khai sẽ ít rủi ro hơn nhiều và lợi ích thu về sẽ nhanh hơn. Đây không phải là môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các dự án lớn”, Dan Lesnak, nhà điều hành về quan hệ nhà đầu tư ở U.S. Steel, nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang chớp lấy cơ hội đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của mình. Harley-Davidson có kế hoạch đẩy tăng chi tiêu cơ bản khoảng 6% so với năm ngoái, một phần là tăng chi tiêu vào các sản phẩm mới lên tới 35%.
Tình hình lao động có thể nắm giữ chìa khóa đối với lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong những quý tới. Nền kinh tế đã có thêm 262.000 việc làm trong tháng 12.2015, cao hơn dự kiến của các chuyên gia kinh tế, nhưng tăng trưởng cả năm lại thấp hơn mức kỷ lục suốt 15 năm của năm 2014 và việc làm đã tăng chỉ 151.000 vào tháng 1.2016, thấp hơn dự kiến.
Theo LaVorgna, Deutsche Bank, báo cáo việc làm tháng 1 có thể là do yếu tố thời tiết và thời điểm nghỉ lễ. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh doanh nghiệp đang tỏ ra thận trọng và các xu hướng đang diễn ra trong cả 2 khu vực sản xuất và phi sản xuất, ông cho rằng “có mối lo ngại thực sự rằng chúng ta sẽ tăng trưởng chậm hơn”.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ