Thứ Hai | 23/04/2012 17:01

Kinh tế khu vực đồng euro bất ngờ xấu đi trong tháng 4

Hoạt động sản xuất và dịch vụ khu vực đồng euro (eurozone) trong tháng 4 giảm mạnh hơn dự báo làm giảm hy vọng phục hồi của nền kinh tế.
Theo các chỉ số quản lý mua hàng (PMI), một chỉ số đáng tin cậy để theo dõi tăng trưởng kinh tế do viện Markit công bố, đơn đặt hàng giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở cả hai khu vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 4.

Chỉ số PMI tháng 4 của lĩnh vực dịch vụ chiếm ưu thế trong nền kinh tế của eurozone giảm từ 49,2 điểm trong tháng 3 xuống còn 47,9 điểm, thấp nhất trong 5 tháng và thấp hơn so với dự báo của giới chuyên gia.

Chỉ số PMI trong tháng 4 của các loại hình dịch vụ tiếp tục dưới ngưỡng 50 điểm, số điểm được dùng làm mốc phân chia ranh giới giữa tăng trưởng và suy thoái. Chỉ số kinh doanh dịch vụ mới giảm từ 47,6 điểm xuống còn 45,4 điểm, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Kinh tế trưởng của Markit cho biết: "Chúng tôi từng nói, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở eurozone sẽ có quý giảm thứ 2 liên tiếp và khu vực này sẽ rơi vào suy thoái, nhưng hiện giờ xu hướng này đang lan đến quý thứ 3.

Tuần trước, các nhà kinh tế học trong cuộc khảo sát của Reuters ước tính, kinh tế eurozone giảm 0,2% trong quý I và sẽ tiếp tục giảm 0,1% trong quý II này.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chính phủ các nước eurozone  mạnh tay cắt giảm ngân sách mcùng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại Hy Lạp, Italia đã hạn chế tốc độ phục hồi chung của khu vực.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, Mario Draghi cho rằng nền kinh tế eurozone đang có dấu hiệu ổn định ở mức độ thấp. ECB dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ tiếp tục suy giảm trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế của ING Group tại Amsterdam, Martin van Vliet nhận định đà suy thoái của khu vực Nam châu Âu quá mạnh và nỗ lực của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là không đủ để vực dậy tăng trưởng khu vực. Ông Vliet cũng cho rằng chính phủ các nước sẽ tăng cường thắt chặt tài chính và mọi thứ có thể xấu đi nhanh chóng nếu cuộc khủng hoảng nợ ngày càng leo thang.

Nguồn Economictimes/Reuters/Bloomberg/DVT


Sự kiện