Thứ Năm | 21/02/2013 09:07

Kinh tế Iran vẫn đứng vững dù bị siết chặt trừng phạt

Bằng những biện pháp khẩn cấp và kịp thời của chính phủ, kinh tế Iran cho đến nay vẫn trụ vững trước cơn bão trừng phạt.
Một năm sau khi phần lớn hệ thống ngân hàng bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, người ta vẫn thấy các cửa hàng mua bán đồ trang sức và hàng hóa ở thủ đô của Iran vẫn đông đúc khách mua hàng. Trong khi đó, những khu vui chơi nghỉ mát trên các ngọn núi phía Bắc Tehran cũng chật kín khách du lịch trong nước.

Hossein Ahmad, một chủ tiệm đồ trang sức ở Dubai và thường xuyên bay tới Iran để thực hiện giao dịch, cho biết: "Kinh tế Iran quả thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt, song nó vẫn hoạt động. Nó cũng không tồi tệ như nhiều người ở nước ngoài vẫn nghĩ".

Quả thực, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã tác động không nhỏ tới doanh thu từ dầu mỏ của Iran, cũng như làm gián đoạn các hoạt động thương mại khác. Bên cạnh đó, đồng rial trượt giá cũng khiến giá nhập khẩu của Iran tăng vọt, khiến một số nhà máy phải đóng cửa và nhiều người mất việc làm.

Từ những thực tế này, nhiều người cho rằng tại cuộc hội đàm với 6 cường quốc (P5+1) về chương trình hạt nhân của Iran tuần tới, chắc chắn Tehran sẽ phải chịu không ít áp lực.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị về Iran, ông Mohammad Ali Shabani, cho rằng: "Chính phủ Iran đã có thời gian dài để chuẩn bị cho chiến tranh kinh tế. Do đó, kinh tế Iran sụp đổ là điều không xảy ra".

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Iran, chiếm 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đã giảm mạnh trong năm 2012 vì các biện pháp trừng phạt, và có thể còn giảm hơn nữa nếu Washington xiết chặt lệnh trừng phạt.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran có thể giảm xuống dưới 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 1/2013, so với 2,2 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2011. Ước tính, Iran thiệt hại hơn 40 tỷ USD trong năm ngoái, IEA cho biết.

Kinh tế Iran vẫn đứng vững dù bị xiết chặt trừng phạt 1

Tuy nhiên, sự mất mất này là có kiểm soát đối với 1 nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD như Iran. Trong năm qua, Tehran đã thực hiện những bước khẩn cấp để vực dậy kinh tế, và bù đắp phần nào tình trạng suy giảm trong dòng vốn đầu tư đổ vào các loại tài sản trong nước, kết hợp với ngăn chặn tình trạng bay vốn.

Có thể kể đến 1 số biện pháp mà chính phủ Iran đã áp dụng như cấm nhập khẩu hàng hiệu và đồ xa xỉ, bao gồm cả xe hơi và điện thoại di động nước ngoài, giảm trợ cấp cho các du học sinh, đồng thời kiểm soát xuất khẩu vàng để ngăn ngừa tình trạng bay vốn.

Song quan trọng nhất, chính phủ Iran đã ngăn chặn thành công sự trượt giá của đồng rial. Năm ngoái, đồng rial đã mất khoảng 2/3 giá trị so với USD trên thị trường ngoại hối tự do trước khi ổn định ở mức 36.500 rial/USD.

Kết quả là, Iran có thể tránh được cuộc khủng hoảng thanh toán ở nước ngoài, dù xuất khẩu dầu giảm.

Theo ước tính của các nhà kinh tế, dự trữ ngoại hối của Iran có thể đã giảm mạnh từ 100 tỷ USD vào cuối năm 2011 xuống còn 70-80 tỷ USD trong năm ngoái, song sự suy giảm có xu hướng chậm, thậm chí dừng hẳn nhờ các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn sự trượt giá của đồng rial của chính phủ. Việc hỗ trợ đồng rial cũng giúp vực dậy hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Tháng 10/2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính thâm hụt ngân sách của Iran sẽ ở mức 3,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Con số này xem ra khá "dễ thở" với Iran - quốc gia có tổng nợ chỉ chiếm khoảng 9% GDP.

Mặc dù đã có các biện pháp đối phó, song sự suy yếu của đồng rial khiến lạm phát tại Iran tăng vọt. Tính đến cuối năm 2012, lạm phát của Iran là 27,4%, trong đó giá một số loại nhu yếu phẩm như sữa, thịt gà, bánh mỳ tăng vọt.

Để giảm thiếu tác động của lạm phát, chính phủ Iran đã can thiệp bằng cách giữ giá các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, bánh mỳ, đường và dầu ăn ở mức vừa phải. Tháng trước, quốc hội Iran còn nhất trí phân bổ thêm 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các gia định thu nhập thấp.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện