Kinh tế eurozone tiếp tục xấu đi trong tháng 10
Theo kết quả thăm dò 5.000 doanh nghiệp tại 17 quốc gia, chỉ số quản lý thu mua tổng hợp (PMI) của eurozone đã giảm từ 46,1 điểm trong tháng 9 còn 45,8 điểm trong tháng 10.
Đây cũng là chỉ số PMI thấp nhất của eurozone kể từ tháng 6/2009, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng trước đó của các nhà kinh tế. Trước đó, theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự báo PMI tổng hợp của eurozone trong tháng 10 là 46,4 điểm.
Kể từ tháng 2 năm nay, chỉ số PMI tổng hợp của eurozone liên tục dưới 50 điểm - mốc điểm cho thấy sản xuất đang tăng trưởng hoặc suy yếu.
Theo kết quả khảo sát, chỉ số PMI các ngành dịch vụ chính trong tháng 10 của eurozone tăng từ 46,1 điểm trong tháng 9 lên 46,2 điểm. Tuy nhiên, số điểm này vẫn thấp hơn kỳ vọng 46,4 điểm của các nhà kinh tế. Trong khi đó, chỉ số niềm tin kinh doanh của eurozone trong tháng 10 đã giảm mạnh xuống còn 47,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.
Đối với khu vực sản xuất, tình hình cũng không mấy lạc quan. Theo kết quả từ Markit, chỉ số PMI sản xuất trong tháng 10 của eurozone đã giảm từ 46,1 điểm trong tháng trước còn 45,3 điểm. Đây cũng là tháng 15 liên tiếp, PMI sản xuất của eurozone dưới 50 điểm.
Sự suy giảm của khu vực sản xuất và dịch vụ đang buộc các doanh nghiệp châu Âu phải tiết giảm chi tiêu, đồng thời tăng cường sa thải nhân công. Theo số liệu chính thức phát hành hồi đầu tháng này, tỷ lệ thất nghiệp của eurozone trong tháng 8 là 11,4%, mức cao nhất kể từ khi khối được thành lập năm 1999.
Kinh tế trưởng tại Markit, ông Chris Williamson, cho biết: "Kết quả trên thật đáng thất vọng. Đây thực sự là một kịch bản không như mong đợi trong khi mọi thứ đang ngày một tồi tệ hơn". Ông Williamson cũng cho biết kết quả này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh doanh của eurozone trong 3 tháng cuối năm.
Trong quý II năm nay, kinh tế eurozone đã giảm 0,2% và được dự báo tiếp tục tăng trưởng âm 0,3% trong quý III, đồng nghĩa eurozone chính thức rơi vào suy thoái.
Theo Markit, không chỉ các nước ngoại vi châu Âu gặp khủng hoảng, ngay cả các nền kinh tế đầu tàu của eurozone cũng đang phải vật lộn với khó khăn. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ số PMI tổng hợp giảm tháng thứ 6 liên tiếp, trong khi chỉ số PMI của Pháp cũng giảm 8 tháng liên tiếp.
Nguồn CNBC/Khampha