Thứ Ba | 06/11/2012 17:00

Kinh tế eurozone tiếp tục giảm sâu đầu quý IV

Số liệu tháng 10 cho thấy kinh tế eurozone tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, trong khi các công ty tiếp tục phải vật lộn để tồn tại.
Trong báo cáo hôm nay 6/11, hãng nghiên cứu thị trường Markit cho biết chỉ số quản lý thu mua (PMI) tổng hợp của khu vực đồng euro (eurozone) giảm từ 46,1 điểm trong tháng 9 còn 45,7 trong tháng 10, giảm nhẹ so với số liệu sơ bộ cách đây 2 tuần (45,8 điểm).

Đây cũng đánh dấu tuần thứ 9 liên tiếp, chỉ số PMI tổng hợp của eurozone dưới 50 điểm - mốc điểm cho thấy kinh tế đang mở rộng hay thu hẹp.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng đang lan rộng tới nhiều nền kinh tế lớn của khu vực, trong đó các hoạt động kinh doanh tại Đức - nền kinh tế lớn nhất eurozone - cũng suy giảm với tốc độ nhanh hơn trong tháng 10.

Khảo sát của của hãng Markit cũng cho thấy chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 10 phù hợp với số liệu cho thấy kinh tế eurozone đang giảm với tốc độ theo quý là 0,5%.

Chỉ số hoạt động kinh doanh mới trong tháng 10 đã tăng lên 44,7 điểm, tăng mạnh so với tháng 9 (43,8 điểm), tuy nhiên, chỉ số này vẫn dưới ngưỡng tăng trưởng.

Trong khi đó, chỉ số PMI khu vực dịch vụ trong tháng 10 của eurozone là 46 điểm, giảm nhẹ so với số liệu sơ bộ 46,2 điểm trước đó, cũng như so với tháng 9 (46,1 điểm). Điều này cho thấy chỉ số PMI dịch vụ hiện nay đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009.

Chỉ số việc làm trong tháng 10 của khu vực eurozone mặc dù đã tăng từ 45,9 điểm trong tháng 9 lên 47,4 điểm, song số điểm dưới 50 đồng nghĩa các công ty vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm.

Hãng Markit cảnh báo nếu các chỉ số PMI không được cải thiện trong tháng 11 và tháng 12, kinh tế eurozone có thể sẽ phải đối mặt với một đợt suy giảm mạnh trong quý IV, chứ không đơn thuần chỉ là trì trệ như dự báo của các nhà kinh tế 2 tuần trước đây.

Nhà kinh tế cấp cao tại Markit, ông Rob Dobson nhận định: "Niềm tin vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề khi các công ty trong eurozone vẫn tỏ ra lo ngại về tác động kép của sự suy giảm trong nhu cầu nội địa cùng sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu".

Ông Dobson cũng cho biết những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất eurozone, Đức, đang chậm lại và suy yếu trong thời gian qua là khá thất vọng. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế Đức trong việc kích thích tăng trưởng cho phần còn lại của eurozone.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện