Kinh tế Đông Nam Á rung lắc
Đó là những biểu hiện rung lắc ban đầu của một số nền kinh tế Đông Nam Á, mà theo các nhà phân tích, nguyên nhân phần lớn là do bất ổn trong nội bộ các nước, cộng với “dư chấn” từ cuộc bầu cử khó đoán định ở Mỹ.
Enda Curran, cây bút đặc trách khu vực châu Á của Wall Street Journal - nhật báo chuyên về tài chính hàng đầu của Mỹ, có bài phân tích, bình luận về hiện tượng này.
Rủi ro chính trị gia tăng
Theo Enda Curran, nguyên nhân hay nói cách khác là mẫu số chung của ba nền kinh tế này chính là rủi ro chính trị trong nước ngày càng tăng. Đó là những động thái xích lại gần Trung Quốc song song với việc xa rời Mỹ và cuộc chiến chống tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte; là sự băng hà của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej - biểu tượng của sự nối kết và ổn định của đất nước trong hàng chục năm qua. Còn tại Malaysia, chính quyền của Thủ tướng Najib Razak đang bị lôi vào bê bối 1MDB chưa rõ ngày thoát.
Bill Hayton, tác giả của cuốn The South China Sea: The struggle for power in Asia (tạm dịch là Biển Đông: Cuộc chiến giành quyền lực ở châu Á), nhận định: “Những rủi ro chính trị đang gia tăng tại khu vực Đông Nam Á. Sự trở lại của các cuộc tranh đua địa chính trị trong khu vực đã tạo ra sự không chắc chắn”.
Ông Hayton cũng đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước Mỹ đang chuyển mình mạnh mẽ để xoay trục sang châu Á. Cuộc gặp gỡ giữa hai cường quốc số 1 và 2 thế giới tại Đông Nam Á khiến bầu không khí vốn đã căng thẳng vì những tranh chấp trên Biển Đông nay càng bị bóp nghẹt.
Điều đó sẽ trì hoãn quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài và đẩy khách du lịch ra khỏi khu vực vào thời điểm mà xuất khẩu - động lực tăng trưởng chính của khu vực - vẫn đang gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến sự không chắc chắn và những rủi ro toàn cầu như lãi suất Mỹ cao hơn hay thậm chí ứng viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ.
Những dấu hiệu đầu tiên
Capital Economics Ltd, công ty chuyên về tư vấn kinh tế có trụ sở tại Anh, cho biết đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng đối với Thái Lan và Philippines trong năm nay. Tuy nhiên, công ty này thừa nhận họ không thể đưa ra được dự báo trong năm tiếp theo bởi còn phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở hai nước này.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của kinh tế Thái Lan trong năm tới sẽ ở mức 3,3%, Malaysia là 4,6% và Philippines là 6,7%. Có thể thấy trong ba nước trên, Thái Lan - nền kinh tế số 2 của khu vực - có thể trở thành mối lo ngại lớn nhất.
Sự không chắc chắn đó đến từ trước khi Quốc vương Bhumibol băng hà, đó là những bất ổn trên chính trường Thái Lan kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014.
Các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán hơn 514 triệu USD cổ phiếu và thoái vốn khỏi Thái Lan chỉ tính riêng trong tháng 10. Một số chuyên gia kinh tế nhận định thời gian để tang gần 1 năm sẽ hạn chế sự tăng trưởng trong lĩnh vực giải trí và chi tiêu xã hội khác.
Các hãng hàng không và công ty lữ hành đang đối mặt với khả năng ít du khách đến Thái Lan hơn so với những năm trước. Du lịch chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm trong nước của quốc gia này.
Ngoại trừ cú “xoay mình” của Tổng thống Duterte sang Trung Quốc, “những thứ đang xảy ra trong các nền kinh tế Đông Nam Á không phải là quá đặc biệt hay đáng ngạc nhiên” - Trinh Nguyen, một chuyên gia phân tích kinh tế cao cấp tại Hong Kong, nhận định.
Còn ông Damian Karmelich - giám đốc Công ty quản lý rủi ro Political Monitor của Úc - cho rằng Đông Nam Á đang bị thách thức bởi một số rủi ro chính trị mới nổi, chẳng hạn như sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. “Triển vọng rủi ro ở mức từ trung bình đến cao” - ông nói.
Cũng có một vài “điểm sáng” như các thỏa thuận trị giá hàng chục tỉ USD được Trung Quốc ký kết với Malaysia và Philippines trong những ngày vừa qua. Những hợp đồng này về cơ bản là có lợi cho cả hai nước nhưng về lâu dài sẽ càng khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực thêm quyết liệt, nguy cơ rủi ro sẽ càng tăng.
Nguồn Tuổi trẻ