Kinh tế của Canada đang có dấu hiệu suy giảm
Các thị trường Canada cũng bị đè nặng do thất bại của các cuộc thương lượng nhằm tránh một cuộc khủng hoảng ngân sách tại Washington, có khả năng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái trong năm tới. Giá đồng đô la Canada (CAD) giảm, thị trường chứng khoán Toronto ít thay đổi. Kinh tế Mỹ suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến Canada, vốn đang gặp những khó khăn riêng như thị trường nhà đất ảm đạm và nợ tiêu dùng cao.
Ông David Madani, một nhà phân tích thuộc Capital Economics tại Toronto, nhận xét rằng kinh tế Canada có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 1% trong năm 2013, trong khi nhiều nhà kinh tế dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP của Canada là 2% từ nửa sau của năm 2013.
Lạm phát thấp thường được xem là tích cực đối với người tiêu dùng, bởi vì sức mua của CAD vẫn còn nguyên nếu giá cả ổn định. Thâm chí một sự tăng lương nhỏ trên mức lạm phát cũng có thể cải thiện tình hình tài chính của các cá nhân.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Doug Porter của Ngân hàng Montreal cho rằng việc tỷ lệ lạm phát tại Canada giảm không phải là điều tốt, bởi vì một giai đoạn giảm giá, tức "giảm phát" có thể là do giá nhà giảm, nợ tiêu dùng cao và chính phủ giảm chi tiêu gây ra.
Ông Porter cho rằng kinh tế Canada chưa nằm trong "vùng nguy hiểm", nhưng cũng đang gần kề. Giảm phát có nghĩa là những "con nợ" có thể đang gặp khó khăn do số nợ của họ bắt đầu tăng lên về giá trị thực, như đã từng xảy ra tại Nhật Bản. Một khi đã rơi vào giảm phát, đó là một cái bẫy khó thoát ra. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với Canada, do nợ hộ gia đình của nước này hiện đã lên tới mức 163% thu nhập thực tế hàng năm.
Ngân hàng trung ương Canada coi tỷ lệ lạm phát 2% là lý tưởng và hy vọng giữ được tỷ lệ lạm phát trong khoảng 1-3%.
Nguồn Vietnam+