Kinh tế châu Phi vẫn tăng trưởng nóng
Các nhà đầu tư nước ngoài đang lũ lượt tràn đến Abidjan, thủ đô của Bờ biển Ngà. Các du khách đang quây quần trong tiền sảnh có máy điều hòa; tại đây có một tiệm cà phê phong cách Pháp bán bia, bánh snack và tạp chí. Quảng cáo có ở khắp mọi nơi, nào là quảng cáo của các công ty điện thoại di động, quảng cáo vé máy bay hạng nhất, bánh Burger King loại mới... Taxi chạy trong Thành phố, một cách thong dong lướt qua một cây cầu có thu phí với 6 làn đường. Trên đường đến Plateau, khu trung tâm thương mại của Abidjan, những chiếc cần cẩu, các tòa nhà mới và bảng hiệu vươn cao trên bầu trời.
Các khách sạn sang trọng (như khách sạn Ivoire được khai trương trở lại với giá 300 USD/đêm) đều kín chỗ. 3 cảng biển của Bờ Biển Ngà trong đó cảng lớn nhất đang được mở rộng thêm bởi tập đoàn công nghiệp Pháp Bolloré, thì đang chạy hết công suất, chuyên nhập khẩu xe hơi và hàng điện tử và xuất khẩu ca cao, cà phê và hạt điều.
Những vị bộ trưởng vận trang phục rất trang trọng, được giáo dục theo văn hóa Pháp, giải thích bằng thứ tiếng Pháp rất chuẩn về những điều gì họ đang làm để “mở cửa” nền kinh tế, “cải thiện môi trường làm ăn kinh doanh” và “tăng trưởng một cách bền vững tầng lớp trung lưu”.
Hình ảnh của Bờ Biển Ngà hôm nay thật khác với 5 năm về trước, khi quốc gia này chìm trong biến động chính trị, tình trạng bất ổn diễn ra ở nhiều nơi. Ngày nay, Bờ Biển Ngà không phải đã “dọn dẹp” xong các vấn đề của mình, khi mới tháng 3 vừa qua, một cuộc tấn công khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 22 người.
Tuy nhiên, Bờ Biển Ngà đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 tại châu Phi (chỉ sau Ethiopia) với mức tăng trưởng gần 9% mỗi năm. Hơn hết, nước này là biểu tượng của một châu lục đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và tạo ra các thị trường mới sinh lời cho các tập đoàn đa quốc gia.
Trong 2 thập niên sau khi giành độc lập từ Pháp vào năm 1960, Bờ Biển Ngà đã tận hưởng một thời kỳ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Sau đó, đột nhiên, giá ca cao và cà phê giảm sâu và cơn sốt dịu xuống nhanh như khi nó bắt đầu.
Nỗi lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay ở châu Phi là nó có thể xảy ra lần nữa. Tại quốc gia láng giềng của Bờ Biển Ngà là Ghana, hàng ngàn nhân viên chính phủ biểu tình trên các con đường trong vài tháng qua để phản đối việc chi phí sinh hoạt gia tăng. Ghana phụ thuộc vào dầu mỏ và vàng (cả 2 loại hàng hóa này đều giảm giá mạnh) cũng như vào ca cao. Điều này cùng với việc vay mượn quá lớn của Chính phủ đã dẫn đến khủng hoảng.
Một đồng USD giờ “ăn” 4 cedi, đồng nội tệ của Ghana, trong khi vào năm 2012, một đồng USD “ăn” chưa tới 2 cedi. Tăng trưởng cũng đã giảm phân nửa kể từ năm 2014 và Ghana đang bị thâm hụt ngân sách tới 9% GDP và thâm hụt tài khoản vãng lai tới 13%.
Theo World Bank, trong năm kết thúc vào tháng 4 năm ngoái, tỉ lệ mậu dịch (tỉ số giữa giá cả hàng hóa xuất khẩu với giá cả hàng hóa nhập khẩu) đã giảm mạnh ở 36 trong số 48 quốc gia châu Phi khu vực hạ Sahara. 36 quốc gia này chiếm tới 80% dân số châu lục và 70% GDP. 8 quốc gia, trong đó có 2 “gã khổng lồ” Angola và Nigeria, đang mất hơn 90% doanh thu xuất khẩu từ dầu mỏ. Nigeria và Angolia có thể sẽ cần đến vốn viện trợ của IMF trong vòng 1 năm.
Tăng trưởng khắp châu Phi hạ Sahara đã giảm xuống còn 3,7% vào năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,4% của khu vực Đông Á và với mức tăng trưởng thấp này, không thể tạo ra đủ việc làm cho một châu lục đang có dân số trẻ nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. World Bank dự kiến, tăng trưởng sẽ nhích lên trở lại nhưng chỉ đạt 4,8% vào năm 2017.
Các quốc gia đã đi vay mượn thoải mái từ các nhà đầu tư quốc tế trong những năm vừa qua giờ nhận thấy họ bị các thị trường “cạch mặt”. Lượng trái phiếu chính phủ lưu hành trong khu vực đã tăng từ mức chưa tới 1 tỉ USD năm 2009 lên tới hơn 18 tỉ USD vào năm 2014. Nếu tăng trưởng tiếp tục ổn định thì mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng nếu tăng trưởng hãm phanh thì mức lãi suất từ 10% trở lên đối với các trái phiếu có mệnh giá bằng USD sẽ khiến cho việc tái cấp vốn trở nên khó khăn.
Hai nền kinh tế lớn nhất châu lục là Nigeria và Nam Phi đã rơi vào suy thoái. Nguyên nhân suy thoái có khác nhau nhưng cả 2 đều bị ảnh hưởng bởi việc giá cả hàng hóa giảm sâu cũng như do quản lý kinh tế thiếu hiệu quả. Hiện IMF cung cấp khoản vay 1 tỉ USD cho Ghana và chuẩn bị thêm một khoản vay khác tương tự cho Zambia. Trước diễn biến này, một số ý kiến lo ngại châu Phi có thể sẽ quay trở về thời điểm năm 2000, khi được tờ The Economist mô tả là “châu lục vô vọng”.
Mặc dù vậy, các trung tâm mua sắm sầm uất ở Nairobi và các cảng biển nhộn nhịp ở Abidjan cho thấy có nhiều lý do để nhà đầu tư tiếp tục lạc quan. Dù tình hình kinh tế đang trở nên xấu đi, nhưng đây là một châu lục rất khác so với cách đây 2 thập niên khi chỉ tại Congo, đã có 8 nước châu Phi tham chiến. Chiến sự vẫn còn diễn ra ở Nam Sudan, Somalia, Mali và Bắc Nigeria và bạo động tại những nơi như Đông Congo, Cộng hòa Trung Phi và Burundi.
Nhưng nhìn chung, hầu hết các nước tại khu vực châu Phi hạ Sahara giờ sống trong không khí hòa bình. Các cuộc bầu cử dường như ngày càng ít kết thúc bằng các cuộc xung đột. Các chính phủ lên nắm quyền dù vẫn còn tham nhũng và thiếu hiệu quả nhưng đã khả quan hơn nhiều so với trước đây.
Dân số 1,2 tỉ người của châu Phi cũng đầy hứa hẹn. Đó là dân số trẻ: ở phía Nam Sahara, độ tuổi trung bình là dưới 25, chỉ trừ ở Nam Phi. Người dân cũng được giáo dục tốt bao giờ hết: tỉ lệ biết đọc biết viết ở những người trẻ giờ vượt 70%, trừ tại một số nước sa mạc ở Sahara. Đời sống cũng đã khá hơn: tại châu Phi hạ Sahara, tỉ lệ người sống dưới 1,9 USD/ngày đã giảm từ mức 56% vào năm 1990 xuống còn 35% vào năm 2015, theo World Bank. Và bệnh tật, vốn đã làm giảm tuổi thọ cũng như làm giảm năng suất làm việc tại đây, giờ cũng đang lùi dần như HIV/AIDS, đặc biệt là bệnh sốt rét.
Mặc dù dầu mỏ và kim loại đã chiếm lĩnh các nền kinh tế như của Nigeria và Congo, nhưng cơn sốt đã mở rộng ra khỏi lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên. Điện thoại di động đã làm thay đổi ngành thương mại trên khắp châu Phi và giờ điện thoại thông minh và điện thoại có tính năng cơ bản đang bám trụ.
Vào năm 2014 (năm gần nhất có được số liệu), 27% người dân Nigeria sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Tại nhiều nước châu Phi, cơ sở hạ tầng điện thoại di động 4G là thứ duy nhất hoạt động tốt, nhưng ít nhất là nó hoạt động tốt giống như tại nhiều nước giàu hơn và nhiều thứ có thể được phát triển trên nền tảng 4G này. Những hệ thống như hệ thống chuyển tiền di động M-Pesa của Keyna giờ đang “bành trướng” sang các tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm, cho vay và bảo hiểm.
Tất nhiên, sẽ khá rủi ro khi đưa ra nhận định chung về cả một châu lục với 54 quốc gia và 2.000 ngôn ngữ. Nhưng các quốc gia khu vực hạ Sahara là rất đáng chú ý, đặc biệt là Nam Phi, Nigeria, Kenya và Bờ Biển Ngà; tất cả đều là các quốc gia duyên hải, đô thị hóa và tương đối giàu.
Đàm Hoa
Nguồn The Economist