Kinh tế châu Á giảm tốc, HSBC và Standard Chartered lãnh hậu quả
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh giảm sút tại nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia nửa đầu của năm 2013, cho thấy sự phụ thuộc của các ngân hàng này vào châu Á đang trở thành lo ngại cho các nhà đầu tư.
Theo các số liệu thống kê, lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2009 - 2011của HSBC và StanChart là 66 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay 2 gã khổng lồ của ngành ngân hàng đang bị “lép vế” so với các ngân hàng khác của Anh tập trung vào thị trường phương Tây.
Giá cổ phiếu của HSBC tăng 25% và StanChart tăng 8% trong năm vừa qua nhưng chẳng thấm vào đâu so với mức tăng 130% của Lloyds Banking Group hay 50% của Barclays và Royal Bank of Scotland năm 2012 vừa qua.
Các nhà phân tích cho biết họ đang chuẩn bị tinh thần cho nhiều thứ tồi tệ hơn xảy ra trong bối cảnh các khoản cho vay sẽ giảm sút do nợ xấu tăng nhanh.
Chirantan Barua – nhà phân tích của hãng Bernstein Research cho biết: “Đây chính là khởi đầu của chu kỳ giảm sút tại các thị trường mới nổi của HSBC và StanChart và khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng của các ngân hàng còn lại ở Anh. Nếu nhìn ra xung quanh ta sẽ thấy các bong bóng đang tập trung ở khu vực châu Á.”
Cách đây 2 năm, hoạt động cho vay nở rộ tại khu vực châu Á, khiến cho HSBC và StanChart cũng đầu tư nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh của mình tại khu vực này nhằm thu lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở đây.
Hoạt động kinh doanh giảm tốc ở khu vực này chủ yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc – nền kinh tế đang cố gắng giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng thấp hơn nhưng bền vững hơn dựa trên tiêu dùng nội địa. Đi kèm với đó là một loạt các sự kiện bất ngờ - chẳng hạn như các rắc rối của ngân hàng StanChart ở Hàn Quốc – nơi mà gã khổng lồ này buộc phải gánh lỗ đối với các khoản cho vay tiêu dùng.
Ông Barua cho rằng tình hình kinh tế châu Á sẽ tồi tệ đi trông thấy trong bối cảnh kinh tế Mỹ dần hồi phục. Lãi suất tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ sẽ làm giảm động lực của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm lợi nhuận tại các nền kinh tế tăng trưởng cao ở châu Á.
Ông này cũng cho rằng HSBC sẽ có “lá chắn tự động” trước tình hình này do hoạt động kinh doanh của họ ở Mỹ sẽ tốt hơn nếu như nền kinh tế lớn nhất thế giới này phục hồi đủ mạnh để lãi suất tăng lên. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng StanChart sẽ chịu nhiều rủi ro do lợi nhuận của gã khổng lồ có không đến 20% từ thị trường Mỹ.
Đầu tháng này, StanChart thừa nhận không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 2 con số trong năm nay nữa khi mà theo báo cáo mới nhất, tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm của họ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái – lần sụt giảm đầu tiên trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên ông Peter Sands – CEO của ngân hàng này cũng cho rằng: “Trong bối cảnh mà quan hệ tương hỗ giữa tâm lý thị trường và các thị trường mới nổi lên cao, cần phải nhớ rằng các nền kinh tế này không tăng trưởng và giảm tốc cùng lúc”.
Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế từ thị trường Hong Kong của StanChart là 1 tỷ USD trong vòng 6 tháng dầu năm trong bối cảnh xuất nhập khẩu được cải thiện. Hoạt động kinh doanh của StanChart tại Ấn Độ và châu Phi cũng rất tốt.
Trong khi đó, HSBC gặp bất lợi lớn tại các thị trường Mỹ Latinh khi việc trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu đã làm giảm lợi nhuận của HSBC tại Brazil và Mexico.
Tuy nhiên các nhà phân tích ít quan ngại hơn đối với triển vọng của các quốc gia Mỹ Latinh vì cho rằng các ngân hàng tại đây đã chịu thiệt hại lớn hơn trong bối cảnh nợ xấu tăng cao hơn là ở châu Á.
Ông Stuart Gullive – CEO của HSB cho rằng việc tăng trưởng của các thị trường mới nổi giảm sút không ảnh hưởng nhiều đến ngân hàng này. Ông này cho biết HSBC vẫn đang ở trong điều kiện hết sức thuận lợi để có thể thu lợi từ các xu thế dài hạn.
Tuy nhiên với việc các nhà phân tích kỳ vọng rằng Lloyds sẽ đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RoE) cao hơn HSBC trong năm 2014 tới đây (lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), sự khác biệt giữa các ngân hàng Anh đang dần giảm sút.
Nguồn FT/Dân Việt