Kinh tế Anh, Mỹ, Nhật với chuyện điều chỉnh chính sách tiền tệ
Triển vọng lạc quan hơn
Dù GDP của Mỹ trong quý đầu năm 2014 giảm 1%, lần đầu tiên tăng trưởng âm trong ba năm qua, do tác động của điều kiện thời tiết xấu, các chuyên gia kinh tế vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng nhanh hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội các nhà kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ, nhóm 47 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội thương mại và các học viện khi được hỏi ý kiến đều cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với nhịp độ nhanh hơn trong các quý còn lại của năm nay. Ông Jack Kleinhenz, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ (NABE), cho biết các chuyên gia có chung dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong ba quý còn lại sẽ đạt trên 3%, trong đó riêng quý 2 có thể là 3,5%.
Sau khi kết thúc hai ngày họp định kỳ trong hai ngày 17-18/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong cả năm 2014 xuống từ 2,1-2,3% so với 2,8-3% như dự báo đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, thông báo của Fed vẫn bày tỏ lạc quan về đà phát triển với nhịp độ nhanh hơn của nền kinh tế Mỹ, bắt đầu từ năm tới.
Một trong những bằng chứng phản ánh rõ thái độ lạc quan của Fed là, tại cuộc họp lần này, Ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định từ ngày 1/7 tới sẽ cắt giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần ba, tức chương trình mua trái phiếu dài hạn, thêm 10 tỷ USD, xuống còn 35 tỷ USD/tháng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, GDP trong quý 1/2014 của nước này tăng 1,6% so với quý 4/2013 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây và tăng mạnh hơn so với con số ban đầu, chủ yếu là nhờ việc hiệu chỉnh theo hướng tích cực liên quan đến chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp.
Trong quý, chi cho đầu tư của doanh nghiệp - yếu tố được Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe coi là then chốt để vực dậy nền kinh tế - tăng 7,6%, sau khi được điều chỉnh lên so với mức tăng 4,9% được đưa ra trước đó. Trong báo cáo ban đầu, Chính phủ Nhật Bản cho biết trong quý 1/2014, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo các số liệu công bố gần đây, nền kinh tế Anh quốc trong quý 1/2014 tăng trưởng 0,8% so với quý trước và theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế , tăng tới 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này giúp nước Anh trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới mặc dù GDP hiện vẫn còn thấp hơn so với thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008.
Các cuộc khảo sát mới nhất cũng cho thấy nền kinh tế Anh đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,8% - mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây.
Còn những điểm yếu
Trong báo cáo đánh giá hàng năm về tình hình kinh tế Mỹ mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm mạnh mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2014 xuống 2%, so với mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng Tư vừa qua, chủ yếu là do kết quả hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý I/2014 yếu kém một cách bất ngờ.
Báo cáo nhận định phải tới cuối năm 2017, nền kinh tế Mỹ mới bước vào thời kỳ phát triển đầy đủ và mạnh mẽ, tạo ra đủ việc làm và tăng đáng kể mức lương. Theo IMF, viễn cảnh đó của nền kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ là lý do để Fed tiếp tục duy trì lãi suất của các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại ở mức gần như bằng 0% lâu hơn mức thị trường tài chính đang dự đoán là giữa năm 2015.
Đối với Nhật Bản, IMF cho rằng Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) có thể cần duy trì xu hướng kích thích kinh tế thêm một thời gian nữa, đồng thời kêu gọi chính phủ nước này theo đuổi các cải cách kinh tế đã cam kết trước đó. Theo IMF, mục tiêu lạm phát 2% mà BoJ đặt ra cho năm 2015 nhằm kết thúc nhiều năm giảm phát vốn cản trở tăng trưởng gần như chỉ có thể đạt được vào năm 2017.
IMF tỏ ra lạc quan về chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết hợp tăng cường chi tiêu chính phủ và nới lỏng tiền tệ, song cho rằng "mũi tên thứ ba" của kế hoạch này gồm những cải cách bao gồm cải cách thị trường lao động và các thỏa thuận thương mại tự do mới chỉ "diễn ra trên giấy". Thêm vào đó, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản đưa ra dự báo GDP quý II của Nhật Bản có thể suy giảm 4,2%, hệ quả trực tiếp từ việc tăng thuế tiêu dùng.
IMF cảnh báo giá nhà liên tục tăng cao cùng với các khoản vay thế chấp đầy rủi ro và năng suất lao động thấp có thể trở thành những mối đe dọa đối với sự phục hồi của nền kinh tế Anh. Bên cạnh đó, IMF cho rằng Anh sẽ không "miễn nhiễm" trước những cú sốc đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ hay những căng thẳng địa chính trị. Do vậy, thiết chế tài chính này khuyến cáo Chính phủ nước Anh áp dụng các biện pháp phòng ngừa mang tính vĩ mô nhằm hạn chế những rủi ro tài chính.
Với nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ lạm phát thấp như hiện nay, IMF cho rằng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nên giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5%, song có thể nâng lên nếu năng suất lao động tiếp tục ở mức thấp hoặc năng lực sản xuất dự phòng của nền kinh tế giảm nhanh.
Vẫn cần sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ
Theo biên bản cuộc họp ngày 29-30/4, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cân nhắc các cách thức nâng lãi suất hiện đang ở mức gần như bằng 0% trong khi rút hàng nghìn tỷ USD ra khỏi hệ thống tài chính. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp nhấn mạnh việc chuẩn bị như vậy không có nghĩa quá trình bình thường hóa lãi suất sẽ sớm xảy ra.
Nhận định được đưa ra là với sự hỗ trợ của một chính sách tiền tệ thích hợp thì các hoạt động kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và thị trường việc làm sẽ được cải thiện từng bước. Dù vậy, động thái của Fed tại cuộc họp vừa qua là dấu hiệu mới nhất cho thấy kỷ nguyên lãi suất thấp kỷ lục và mua lượng lớn trái phiếu đang đi đến hồi kết.
Trong khi đó, kết thúc cuộc họp thường kỳ vừa qua, BoJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ ổn định, khẳng định nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phục hồi vừa phải bất chấp việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 vừa qua.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Thống đốc Haruhiko Kuroda một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng rằng BoJ có thể đạt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2015 với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng tiền tệ liên quan đến việc mua một lượng lớn tài sản tài chính từ các ngân hàng cũng như tăng gấp đôi số tiền bơm vào nền kinh tế. Tuy nhiên, BoJ cũng lưu ý sự sụt giảm về nhu cầu nội địa do việc tăng thuế trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về chi tiêu cho lĩnh vực nhà ở và đầu tư kinh doanh chậm lại.
Trong cuộc họp vừa qua, BoE cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì từ tháng 3/2008, đồng thời không bơm thêm tiền cho chương trình mua lại trái phiếu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng, hiện lên tới 375 tỷ bảng (khoảng 630 tỷ USD).
Quyết định của BoE không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, bất chấp những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh quốc đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Giới chuyên gia cho rằng tỷ lệ lạm phát hiện dưới mục tiêu 2% nên BoE có thể chờ thêm trước khi thắt chặt chính sách và việc đồng bảng Anh tăng giá trong năm qua khiến cho hàng xuất khẩu của nước này trở nên đắt đỏ hơn cũng là một lý do quan trọng để BoE không vội vàng tăng lãi suất cơ bản. Trong khi đó, Thống đốc BoE Mark Carney sau đó đã nói tới khả năng lãi suất có thể được tăng lên sớm hơn so với nhận định của các thị trường tài chính là phải đến quý 2 năm tới.
Nguồn Vietnam+