Người lao động làm việc tại một công trường xây dựng ở Mumbai. Ảnh: AFP.
Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng như họ "quảng cáo"
Ấn Độ đã báo cáo mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên, kết thúc năm 2023 một cách thành công và mang lại động lực cho Thủ tướng Narendra Modi chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử có thể mang lại cho ông nhiệm kỳ thứ 3.
Văn phòng thống kê nước này cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 8,4% trong 3 tháng cuối năm 2023 so với 1 năm trước đó, tăng từ mức 7,6 % trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9.
Bà Thamashi De Silva, Trợ lý kinh tế Ấn Độ tại Capital Economics, nhận định rằng mức tăng mới nhất mạnh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích và phản ánh việc nền kinh tế Ấn Độ đã kết thúc năm ngoái một cách thành công.
Bà nói thêm: “Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ là mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn trong quý trước”.
Dữ liệu cũng củng cố thêm sự lạc quan về triển vọng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo một báo cáo từ công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, số lượng người Ấn Độ siêu giàu, những người có tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD, sẽ tăng 50% trong vòng 5 năm tới năm 2028, mức tăng lớn nhất trên toàn cầu.
Phấn khích trước những số liệu GDP mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Ấn Độ đạt mức cao mới mọi thời đại vào ngày 1/3. Các nhà đầu tư Ấn Độ đã đẩy giá cổ phiếu tăng đều đặn trong 12 tháng qua, đẩy tổng giá trị của các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của Ấn Độ lên trên 4.000 tỉ USD vào cuối năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm tài chính tính đến tháng 3, trong khi chính phủ ông Modi đưa ra ước tính cao hơn nhiều là 7,6%. IMF dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/4.
“Tăng trưởng GDP mạnh mẽ 8,4% cho thấy sức mạnh và tiềm năng của nền kinh tế Ấn Độ”, ông Modi cho biết. “Những nỗ lực của chúng tôi sẽ tiếp tục mang lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giúp 140 triệu người Ấn Độ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông nói thêm.
Trước bối cảnh đó, các nhà phân tích tại Jefferies kỳ vọng nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027, tăng từ vị trí thứ 5 hiện nay.
Ấn Độ cũng được coi là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc phổ biến đối với các quốc gia và công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên xấu đi.
Chính phủ của ông Modi đã tích cực lôi kéo các công ty đa quốc gia thành lập nhà máy ở nước này khi chi hàng tỉ USD để nâng cấp đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt.
Một số công ty lớn nhất thế giới, trong đó có nhà cung cấp Foxconn của Apple, đã mở rộng hoạt động tại đây. Và Giám đốc Điều hành Tesla Elon Musk cho biết vào tháng 6 năm ngoái rằng công ty của ông đang tìm cách đầu tư vào Ấn Độ càng sớm càng tốt.
Cũng trong ngày 29/2, chính phủ ông Modi đã phê duyệt khoản đầu tư hơn 15 tỉ USD để xây dựng 3 nhà máy bán dẫn của các công ty, trong đó có Tập đoàn Tata, đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất điện tử.
Chính phủ cho biết các nhà máy này dự kiến tạo ra 20.000 việc làm công nghệ tiên tiến và khoảng 60.000 việc làm trong cộng đồng rộng lớn hơn. Họ cho biết khoản đầu tư này là một “bước nhảy vọt khổng lồ” cho tham vọng bán dẫn của Ấn Độ.
Các nhà kinh tế của HSBC cho biết, thị trường cần phải “bình tĩnh” vì sản xuất và xây dựng của quốc gia này đã yếu hơn so với quý trước, ngay cả khi họ thừa nhận đất nước đang tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc.
Bà De Silva tại Capital Economics lưu ý rằng, động lực đằng sau sự tăng trưởng kinh tế nóng bỏng của Ấn Độ có thể giảm dần, do tăng trưởng toàn cầu yếu gây áp lực lên xuất khẩu, trong khi những hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc cho vay không có bảo đảm ở nước này có thể hạn chế chi tiêu hộ gia đình.
Có thể bạn quan tâm:
Khủng hoảng năng lượng mặt trời tại châu Âu sẽ còn kéo dài
Nguồn CNN