Chủ Nhật | 16/12/2012 10:29

Kiều hối đang thay đổi bộ mặt kinh tế toàn cầu

Thế giới các nước phát triển có thể tạo sự khác biệt lớn cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách giúp lao động nhập cư gửi tiền về nhà.
Mọi người đều biết rằng hàng chục triệu lao động nhập cư từ các nước đang phát triển làm việc tại châu Âu, Bắc Mỹ và vùng Vịnh Ba Tư gửi rất nhiều tiền về quê nhà của họ. Điều hầu hết mọi người không biết là lượng kiều hối này cao gấp 3 lần ngân sách viện trợ/cứu trợ của các nước giàu, và đang tiếp tục tăng.

Kiều hối đã chuyển từ “nhân vật phụ” thành “nhân vật chính” trong chiến lược biến các nước nghèo thành những nền kinh tế “đang nổi” thành công. Thực tế, rõ ràng Lant Pritchett, nhà kinh tế học danh tiếng đang làm việc tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu đã đi trước thời đại của ông trong tranh luận rằng điều tốt nhất nước giàu có thể làm cho các nước đang phát triển là cho phép lao động nhập cư làm những công việc khó khăn và nặng nhọc.

Hãy xem xét một vài số liệu. Nguồn kiều hối đổ về các nước đang phát triển đã tăng từ dưới 100 tỷ USD năm 2002 lên 372 tỷ USD năm 2011. Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu danh sách các nước tiếp nhận kiều hối lần lượt là 64 tỷ USD và 62 tỷ USD, tiếp đến Mexico 24 tỷ USD, Philippines 23 tỷ USD, Ai Cập 14 tỷ USD, Pakistan 12 tỷ USD, Bangladesh 12 tỷ USD và Nigeira 11 tỷ USD.

Điều có thể gây ngạc nhiên là tác động của kiều hối đối với những nước từng là thuộc địa hoặc “vệ tinh kinh tế” của các quốc gia dầu lửa. Ví dụ, một số nước cộng hòa thuộc liên bang Xô-viết trước kia như Tajikistan, Moldova và Cộng hòa Kyrgyz, với nguồn kiều hối chiếm hơn 1/5 GDP của mỗi nước, trong khi kiều hối đổ về Lesotho, đất nước nằm trong lãnh thổ Nam Phi, chiếm đến 29% GDP, Lebanon với 20% GDP là từ kiều hối, phần lớn từ vùng Vịnh. Kiều hối của các nước độc lập ở châu Mỹ Latinh với El Salvador, Haiti và Honduras chiếm khoảng 15% GDP mỗi nước, phần lớn từ kiều dân của họ đang sinh sống tại Mỹ.

Dòng kiều hồi này không ổn định. Giá dầu thô biến động đã ảnh hưởng đến dòng kiều hối từ Nga và vùng Vịnh, trong khi suy thoái toàn cầu (đặc biệt là sự sụp đổ của ngành xây dựng) cũng khiến lượng kiều hối từ châu Âu và Mỹ giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được phần nào bù đắp bằng sức mạnh của đồng USD và euro trong thời kỳ suy thoái, điều này có nghĩa là kiều hối gửi về có thể thanh toán được nhiều hóa đơn hơn bằng đồng nội tệ.

Tất nhiên, những người đầu tiên hưởng lợi là gia đình của người lao động di cư. Tuy nhiên kiều hối cũng có tác động dài hạn đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế, vì nhiều lý do. Trung Quốc có khởi đầu khá ấn tượng về khía cạnh này. Hoa kiều cung cấp nguồn vốn khổng lồ - và quan trọng hơn – bí quyết công nghệ và quản lý cũng như kinh nghiệm trong thương mại quốc tế - giúp kinh tế Trung Quốc cất cánh trong những năm 1980.

Trong khi đó, Ấn Độ tụt lại khá xa, một phần vì một phần lớn Ấn kiều là công nhân có tay nghề bậc trung làm việc tại vùng Vịnh. Thật trớ trêu, thị trường tài chính phát triển của Ấn Độ cũng đóng vai trò đáng kể: thị trường này tạo điều kiện cho Ấn kiều đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu tại quê nhà thay vì đầu tư vào các doanh nghiệp mới. Nhưng rõ ràng rằng mối liên kết công nghệ cao của người Mỹ gốc Ấn bắt đầu phát huy tác dụng, cả về phương diện đầu tư trực tiếp và chuyển giao công nghệ.

Cho dù rất khó xác định số lượng, nhưng thành công của cộng đồng Ấn kiều tại Bắc Mỹ rõ ràng đã giúp làm tăng sự quan tâm trở lại quê nhà – đất nước đang nỗ lực mở cửa với doanh nghiệp nước ngoài – cuộc đấu tranh đầy cam go tại một đất nước từ lâu chịu sự điều hành của các chính trị gia và quan chức quan liêu – những người có quá nhiều để mất trong một nền kinh tế cạnh tranh hơn và mở cửa hơn.

Tỷ lệ tiết kiệm ở châu Á rất cao – điển hình là Trung Quốc, một quốc gia có tiền tiết kiệm nhiều hơn số tiền có thể dễ dàng đầu tư tại quê nhà và do vậy phụ thuộc vào thặng dư thương mại để duy trì tăng trưởng sản lượng và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, châu Mỹ Latinh, nơi tỷ lệ tiết kiệm nội địa khá èo uột, là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ngày nay, kiều hối đang là động lực thúc đẩy tiêu dùng – người nghèo cần ăn nhiều hơn là họ cần tiết kiệm. Nhưng điều này có thể thay đổi khi người dân Mỹ Latinh sống tại Mỹ bắt đầu đạt được thành công về kinh tế. Do vậy, số tiền dành để gửi về nhà của họ trở nên sẵn có hơn, nhất là dành cho việc thành lập doanh nghiệp nhỏ.

Thực tế, các nước nghèo nhất đang khao khát có vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng cũng như doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, đang có mối quan tâm đến “trái phiếu kiều dân” (diaspora bond) – một loại nợ chính phủ phát hành bằng nội tệ được bán cho người dân xa xứ để có vốn đầu tư vào các dự án cụ thể. Kiều dân cũng như các nhà đầu tư tiềm năng khác biết rằng những loại trái phiếu này chứa đựng rủi ro vỡ nợ cũng như giảm giá trị gốc khi đồng nội tệ mất giá. Hơn nữa, loại trái phiếu này dường như là phù hợp, ít nhất là về lý thuyết, vì chúng kêu gọi lòng yêu nước cũng những người con xa xứ và vì vấn đề rủi ro của nội tệ cũng ít quan trọng hơn đối với kiều dân vì họ hàng, người thân của họ có thể luôn sử dụng nội tệ.

Do vậy, đến nay “trái phiếu kiều dân” đang phát huy hiệu quả, và người ta hy vọng rằng biện pháp này có thể tạo ra sự khác biệt, nhất là ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Nguồn Economist/Khampha


Sự kiện