Thứ Tư | 26/12/2012 10:03

Kiều hối - Thị trường béo bở đang bị cạnh tranh (Kỳ 7)

Hoạt động gửi tiền qua biên giới thực sự một vốn bốn lời, đang tăng trưởng nhanh và đã đến lúc thay đổi.
Tọa lạc ở ngay lối vào trụ sở chính của Wells Fargo tại San Francisco là một cỗ xe ngựa cổ tráng lệ với đầy đủ két sắt và một chỗ ngồi kế bên vị trí của người đánh xe dành cho lính gác làm việc cho ngân hàng. Đó là một sự gợi nhắc rằng cách đây không lâu, một trong những công việc chính của ngân hàng là khóa chặt tiền trong két sắt và chuyển chúng đến khắp nơi trên thế giới dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt.

Đối với các công ty, hiện các ngân hàng quốc tế lớn cung cấp một phiên bản ảo của hoạt động này, với những mạng lưới cho phép gom tiền từ những nơi xa xôi mỗi ngày. Tại các tập đoàn và ngân hàng lớn, dòng tiền chưa bao giờ ngừng chảy. Từ lúc bình minh tiền tham gia vào hoạt động thương mại và trả lương nhân viên, và sau đó tiếp tục dịch chuyển khi màn đêm buông xuống để làm những công việc tương tự ở bên kia bán cầu.

Đối với khách hàng có nhu cầu chuyển tiền đến một nơi khác xa xôi trên thế giới, chưa có nhiều thay đổi kể từ thời kỳ của Viễn Tây xưa. Nếu bạn muốn gửi một khoản tiền nhỏ từ Mỹ sang Philippines hoặc Mexico, có lẽ bạn sẽ phải xếp hàng tại một điểm giao dịch chuyển tiền địa phương và phải trả một khoản phí đôi khi bằng 10% giá trị số tiền cần chuyển.

Ngân hàng Thế giới ước tính năm ngoái lượng kiều hối đạt 483 tỷ USD. Đây chủ yếu là các khoản tiền nhỏ được người lao động xa xứ thường xuyên gửi về cho gia đình họ ở quê nhà. Số người lao động nhập cư ngày một nhiều hơn làm tăng đáng kể lượng kiều hối: với mức tăng trung bình 8%/năm trong những năm gần đây.

Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn các ngân hàng lớn quan tâm rất ít đến hoạt động chuyển kiều hối. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng ngân hàng chỉ thực hiện 5-10% lượng kiều hồi luân chuyển giữa Mỹ và khu vực châu Mỹ Latinh, một trong những khu vực thanh toán lớn nhất thế giới. Mặc dù có mức lợi nhuận lớn, nhưng các ngân hàng hầu như né tránh hoạt động này do hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng hiện hành được thiết kế để chuyển tiền với khối lượng lớn chứ không phải nhỏ giọt.

Vì lý do này, đa số các ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ chuyển tiền nước ngoài ở quy mô nhỏ như một dịch vụ phụ trợ, và cũng áp mức phí cao cùng với các thủ tục phiền hà đến mức dịch vụ này hiếm khi được sử dụng. Hầu hết giao dịch loại này cần vài ngày để hoàn tất, và nếu có gì trục trặc thì khách hàng cũng nhận được rất ít sự trợ giúp.

Mức phí phổ biến để chuyển tiền nước ngoài hiện ở mức 25 USD hoặc hơn, và các ngân hàng thường áp thêm mức phụ phí 2-3% trong trường hợp hoán đổi tiền tệ. Nhiều ngân hàng không chỉ thu phí cho việc chuyển đi mà còn cả việc tiếp nhận. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2009 cho thấy mức phí trung bình của các ngân hàng đối với các khoản kiều hối nhỏ là 12%, trong khi mức trung bình của các đại lý chuyển tiền như Western Union là 9%.

jh
Western Unions là người khổng lồ trong lĩnh vực chuyển tiền, cứ 5 USD chuyển đi trên thế giới thì có 1 USD do hãng này thực hiện. Năm ngoái, tổ chức này đã chuyển gần 80 tỷ USD thông qua mạng lưới gần nửa triệu điểm giao dịch. Đối thủ chính xếp ngay sau Western Union là MoneyGram cũng thực hiện chuyển 20 tỷ USD mỗi năm.

UAE Exchange có quy mô lớn hơn đôi chút, nhưng vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường trọng điểm. Ngoài ra còn có vô vàn các đại lý chuyển tiền quy mô nhỏ đặt trong các ki-ốt và cửa hàng tạp hóa tại những khu vực nhiều người nhập cư sinh sống.

Mặc dù thu phí thấp hơn ngân hàng, nhưng các đại lý chuyển tiền cũng kiếm được mức lợi nhuận đáng ghen tị liên khi chuyển tiền kiều hối. Năm ngoái, tỷ lệ lợi nhuận của Western Union tại nhiều thị trường lớn nhất của hãng đạt trên 28%. Mức lợi nhuận béo bở như vậy là vì mức giá không hề minh bạch. Ví dụ, Western Union áp phí dịch vụ cho khách hàng cá nhân tùy thuộc vào nơi họ ở và số tiền họ chuyển. Để chuyển 500 USD từ Dallas đến Mexico, chi phí là 14 USD, trong khi phí chuyển số tiền tương tự từ New York lại lên đến 25 USD.
Tốc độ là lợi nhuận

Với lợi nhuận như vậy, thị trường này đang thu hút sự quan tâm của các hãng công nghệ. Một trong số những hãng nổi tiếng nhất là Xoom, hãng kinh doanh trên mạng có trụ sở tại San Francisco và đang nhận được nguồn tài trợ tại Thung lũng Silicon. Xoom áp mức phí đồng hạng 5-6 USD/giao dịch.

Lý do giải thích cho mức phí thấp như vậy là hãng đã sớm cho phép một đầu giao dịch trực tuyến. Hầu hết kiều hối được gửi ở dạng tiền mặt và rút ra cũng ở dạng tiền mặt, nhưng Xoom đã thành công trong việc thuyết phục hầu hết khách hàng thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản của họ (một vài khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, chịu phí cao hơn). Nếu so sánh với các đối thủ, thì quy mô của Xoom hiện còn khá nhỏ bé – số tiền giao dịch của hãng trong năm ngoái đạt 1,7 tỷ USD – nhưng hãng đang tăng trưởng rất nhanh. Dịch vụ của hãng rất tiện dụng. Nhiều khách hàng trong khi đi làm vẫn có thể sử dụng điện thoại để chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của họ. Năm nay, Xoom dự tính chuyển khoảng 3,4 tỷ USD. Hãng này cho rằng thậm chí với mức phí thấp như trên, hãng vẫn có thể thu được lợi nhuận tốt hơn Western Union.

Nếu Xoom có thể tiết kiệm chi phí bằng cách cho phép thực hiện một đầu giao dịch trực tuyến, thì tại sao không phải là cả hai đầu? John Kunze, giám đốc điều hành Xoom, giải thích rằng người nhận tiền thường ở các nước có hệ thống ngân hàng kém phát triển và họ thường thích tiền mặt hơn. “Nguyên tắc cần ghi nhớ là không bao giờ đề nghị các bà mẹ thay đổi cách cư xử và ăn ở của họ”, John Kunze cho biết thêm.

Đối với những người sẵn lòng đi đến sàn giao dịch điện tử thì chuyển tiền nước ngoài có thể vẫn rẻ hơn rất nhiều. CurrencyFair là một sàn giao dịch với các máy tính nối mạng ngang hàng, thành lập một năm trước sau khi một trong những người sáng lập, Brett Meyers, bị ngân hàng thu một khoản phí lớn không rõ ràng liên quan đến tỷ giá hối đoái khi chuyển tiền ra nước ngoài. Sau đó, ông này bắt đầu gọi điện cho bạn bè ở nước ngoài để xem ai có nhu cầu hoán đổi tiền tệ. Kết quả là một sàn giao dịch trực tuyến kết nối người muốn bán với người muốn mua ngoại tệ ra đời. Tại những khu vực chính như giữa Anh và khu vực đồng Euro, lượng tiền chuyển từ nước này sang nước kia rất ít. Một số người muốn bán đồng Bảng Anh và mua Euro, sẽ ký gửi đồng Bảng tại hãng và sẽ được kết nối với những người đã ký gửi đồng Euro và muốn mua đồng Bảng.

Trong khi hầu hết các ngân hàng thu phí khoảng 2,5% mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán một đơn vị tiền tệ, thì ở CurrencyFair, tỷ lệ này do những người tham gia quyết định. Nếu một giao dịch hoàn tất, CurrencyFair sẽ thu mức phí bằng 0.15% giá trị và một khoản phí nhỏ để gửi tiền đến tài khoản ngân hàng của người nhận với đồng tiền đã được chuyển đổi. Trên thực tế, điều này có nghĩa là nói chung mọi người sẽ cần một tài khoản ở mỗi nước, hoặc ít nhất phải có một người bạn mà họ có thể gửi tiền đến. CurrencyFair cho biết hãng dự định cung cấp thêm dịch vụ giao tiền mặt. Nếu không thể tìm được đối tác phù hợp (không thể khớp lệnh), CurrencyFair sẽ tự niêm yết một mức giá tham khảo từ các thị trường bán buôn và thêm một khoản phí 0,5%.

Một lựa chọn khác là gửi tiền từ điện thoại này sang điện thoại khác. M-Via, một hãng của Mỹ, cho phép người dùng tại Mỹ nạp tiền vào điện thoại tại các cửa hàng 7-Eleven hoặc các cửa hàng khác, và sau đó gửi tiền đến những thành viên khác. Tiền mặt có thể được rút tại các cây ATM bằng thẻ kết nối với các tài khoản hoặc tiền có thể được chi tiêu bằng cách sử dụng thẻ ghi nợ.

Các dịch vụ trực tuyến mới cũng được đưa ra phục vụ các doanh nghiệp. Currency Cloud, hãng có trụ sở tại London, đã nhận được khoản đầu tư 4 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm để thiết lập hệ thống hối đoái tự động nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển và nhận các khoản thanh toán bằng 140 đồng tiền khác nhau.

Trở lại thực tại

Tuy nhiên, bản thân những ý tưởng tốt là chưa đủ để vượt qua các trở ngại khi thâm nhập thị trường chuyển tiền kiều hối. Có lẽ trở ngại lớn nhất là cần phải có một mạng lưới có khả năng tiếp nhận và chi trả tiền mặt. Ví dụ, Western Union liên tục tăng thị phần một phần nhờ việc tăng 5 lần số lượng đại lý trong mạng lưới trong những năm qua. Thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng. Western Union có thể áp mức phí cao hơn một số các đối thủ cạnh tranh đơn giản vì khách hàng sẵn sàng chi thêm tiền cho một cái tên nổi tiếng mà họ cảm thấy an tâm.

Trở ngại thứ ba, một trở ngại có thể ngày càng cao hơn khi ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện trực tuyến, là kiến thức và kiểm soát rủi ro. “Nếu bạn không giỏi trong việc phát hiện ra tình trạng gian lận trong hoạt động chuyển tiền, bạn sẽ phá sản hoặc ngồi tù. Những kẻ lừa đảo cũng đọc mọi cuốn sách như chúng ta. Bản thân chúng cũng là những tiến sĩ”, ông Kunze nói.

Với những trở ngại như trên, những người mới gia nhập thị trường có thể tìm kiếm liên minh và đối tác thay vì cố gắng tự thâm nhập thị trường. Việc này đã bắt đầu diễn ra. Hãng M-Pesa của Kenya, một hãng cho phép khách hàng chuyển tiền cho nhau bằng điện thoại, đã hợp tác với Western Union nhằm cho phép người dân tại 45 quốc gia có thể trực tiếp chuyển tiền đến người sử dụng M-Pesa tại Kenya.

Các lính mới không nhất thiết phải chiếm được thị phần chi phối để tạo ra khác biệt lớn trong phương thức hoạt động. Tại hầu hết các khu vực chính với nhiều đối thủ cạnh tranh, mức phí của các ngân hàng và đại lý chuyển tiền truyền thống đang giảm mạnh. Một ngân hàng truyền thống đã thành công trong việc trực tuyến hóa các giao dịch là Ngân hàng ICICI của Ấn Độ.

Theo hãng nghiên cứu Aite Group, thị phần thị trường kiều hối của ngân hàng này giai đoạn 2008-2011 tăng 50%, đưa ngân hàng này lên vị trí thứ 4 toàn cầu. Khách hàng của ngân hàng này là những người thông thạo công nghệ và hiểu biết về giá cả, và họ nhanh chóng chuyển sang thực hiện chuyển tiền trên internet với chi phí thấp hơn.

Nguồn Economist/Khampha


Sự kiện