Ảnh: Bloomberg
Kịch tính xung quanh đồng Nhân dân tệ khiến Mỹ và Trung Quốc ngày một xa cách
Việc Tổng thống Donald Trump đột ngột đe dọa mở rộng phạm vi áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh ngừng nhập khẩu hàng nông sản và để đồng tiền tệ nước này giảm xuống dưới mức lằn ranh đỏ (7 NDT đổi 1 USD).
Để đáp trả, Washington chính thức gán mắc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Những chuyên gia bao gồm cả ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho biết đó là một lời buộc tội nặng nề và khó bào chữa. Mặc dù Trung Quốc có lịch sử duy trì đồng NDT yếu để thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây quốc gia này thật sự muốn làm đồng NDT mạnh lên. Trong thực tế, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác Trung Quốc thao túng tiền tệ ngay khi nước này ngừng can thiệp và để thị trường tự điều chỉnh. Hơn nữa, việc gắn mác này chỉ là một hình thức tượng trưng.
Sự kịch tính xung quanh đồng NDT đã khiến giới phân tích rà soát kỹ các động thái thiết lập tỷ giá tham chiếu (CNY Fixing) hằng ngày của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Tỷ giá được công bố mỗi ngày vào lúc 9:15 sáng, sau đó NDT được phép biến động trong biên độ +/- 2% quanh tỷ giá tham chiếu. Vào ngày 8/8, PBOC kéo tỷ giá USD/CNY lên mức cao nhất (nghĩa là NDT ở mức yếu nhất so với đồng USD) từ năm 2008.
Biến động của đồng Nhân dân tệ - tâm điểm của thị trường tài chính thế giới trong tuần qua. |
Những quan chức Trung Quốc và truyền thông trong nước tập trung nhấn mạnh rằng diễn biến của đồng NDT là bình thường và Bắc Kinh sẽ không dùng tiền tệ như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại. PBOC cũng thông báo với các công ty nước ngoài rằng NDT sẽ khó mất giá mạnh. Nhưng các trader (thương nhân hay nhà giao dịch ngoại hối) sẽ khó lòng bị thuyết phục sau khi đã từng bị bỏng tay trong quá khứ.
Vậy cuộc đàm phán thương mại giờ sẽ thế nào? Trong tuần này truyền thông Trung Quốc đã đưa ra một loạt các chỉ trích, buộc tội nước Mỹ thất hứa và sẵn sàng kéo dài thương chiến trừ khi Washington thay đổi giọng điệu của mình. Ông Trump vẫn không hề nao núng, chính quyền của ông đang gấp rút chuẩn bị cho vòng áp thuế quan sắp tới. Dù vậy, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của chính quyền Trump, đưa ra một thông báo lạc quan rằng các nhà đàm phán kỳ vọng những cuộc đàm phán tại Washington vào tháng 9 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến.
Hiện giờ, có vẻ như hai bên đang ngày một xa cách hơn bao giờ hết. Lãnh đạo hai bên đều không tin rằng bên còn lại nghiêm túc trong việc tiến tới thỏa thuận: Trung Quốc nghĩ ông Trump đang phô trương thanh thế trước cuộc bầu cử năm 2020, trong khi quan chức Mỹ nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, muốn đợi khi ông Trump thất cử để đạt được thỏa thuận tốt hơn.
Mới nhất, ngày 9/8, ông Trump đã tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ không làm ăn với Huawei và cũng chưa sẵn sàng tiến tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Và thương chiến cứ thế leo thang...
Nguồn Bloomberg