Việc Cục Dự trữ Liên bang siết chặt chính sách tiền tệ là lí do khiến mọi người nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị đóng băng. Ảnh: Getty Images.
Kịch bản Mỹ rơi vào khủng hoảng sẽ không xảy ra?
Nhiều CEO, nhà đầu tư và nhà kinh tế đã dự đoán rằng trong năm 2023 một cuộc suy thoái sẽ tấn công nền kinh tế Mỹ.
Việc Cục Dự trữ Liên bang siết chặt chính sách tiền tệ là lí do khiến mọi người nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị đóng băng. Trong khi các doanh nghiệp liên tục sa thải còn người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Nhưng viễn cảnh suy thoái kinh tế năm 2023 đang sụp đổ vì một lý do đơn giản: Thị trường việc làm của Mỹ quá mạnh.
Tuyển dụng bất ngờ tăng trở lại vào tháng trước, với các nhà tuyển dụng bổ sung thêm 339.000 việc làm trong tháng 5. Con số này không chỉ nhiều hơn bất kỳ dự báo nào được đưa ra, mà còn nhiều hơn số việc làm mà nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm trong suốt năm 2019, một năm rất mạnh mẽ của thị trường việc làm.
Ông Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “Nền kinh tế này có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc, bất chấp mọi khó khăn như khủng hoảng ngân hàng, tăng lãi suất, trần nợ”.
Ông Zandi ngày càng tin tưởng rằng năm 2023 sẽ không phải là năm bắt đầu suy thoái. “Trong năm nay, với số lượng việc làm tăng như thế này, thật khó để nhận thấy một cuộc suy thoái.” ông nhận định.
Không chỉ bảng lương phi nông nghiệp tăng vọt với 339.000 việc làm trong tháng 5, mà chính phủ cũng đã điều chỉnh mức tăng trưởng việc làm trong hai tháng trước đó cao hơn đáng kể. Hiện tại Cục Thống kê Lao động cho biết bảng lương đã tăng thêm 217.000 việc làm trong tháng 3 và 294.000 trong tháng 4.
Điều đó khác xa với những dự đoán ảm đạm được đưa ra cách đây không lâu. Mùa thu năm ngoái, Bank of America đã cảnh báo bảng lương sẽ bắt đầu bị thu hẹp vào đầu năm 2023, dẫn đến mất khoảng 175.000 việc làm mỗi tháng trong quý đầu tiên, và kéo dài xuyên suốt cả năm.
Tín hiệu mâu thuẫn
Một số công ty thực sự đang cắt giảm việc làm, đặc biệt là trong ngành công nghệ và truyền thông.
Số lượng công việc bị cắt giảm đã tăng gấp 4 lần trong năm nay, theo Challenger, Grey & Christmas. Nhưng các chỉ số kinh tế cho thấy nhiều người bị sa thải đang nhanh chóng được tuyển dụng lại.
Báo cáo việc làm ngày 2/6 đã đưa ra một số tín hiệu mâu thuẫn, đặc biệt là trong cuộc khảo sát hộ gia đình. Cuộc khảo sát này cho thấy tỷ lệ thất nghiệp, vốn ở mức thấp nhất trong 53 năm, đã tăng 0,3 điểm phần trăm - mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020 - do việc làm giảm mạnh.
Tuy nhiên, giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan, ông Justin Wolfers lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp trung bình thay đổi trong ba tháng qua vẫn rất thấp, ở mức 3,5%. Ông cho biết thị trường việc làm hiện tại cực kỳ tốt và các báo cáo mới nhất tiếp tục bác bỏ quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ đã suy thoái – một niềm tin mà nhiều người Mỹ có. Trong một cuộc thăm dò hồi tháng 5 của CNN, 76% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tồi tệ.
“Chúng ta đang không trải qua suy thoái. Hai năm qua mọi người đều nói họ sống trong thời buổi suy thoái và mỗi ngày qua lại càng chứng tỏ họ sai.” Ông Wolfers nói. “Việc làm đã phát triển vượt bậc và có dữ liệu rõ ràng để chứng minh. Không hề có suy thoái.”
Điều gì có thể thay đổi?
Tất nhiên, vẫn có yếu tố có thể làm thay đổi cục diện trong những tháng tới. Và có một rủi ro đáng kể về suy thoái trong trung hạn, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại về tài chính sau hai năm lạm phát cao.
Chuỗi cửa hàng tạp hóa Dollar General đã cắt giảm dự báo trong năm và cảnh báo ngày càng có nhiều người tiêu dùng phụ thuộc vào ngân hàng thực phẩm, khoản tiết kiệm và thẻ tín dụng. Còn Macy cắt giảm dự báo vì cho rằng nhu cầu người tiêu dùng giảm. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang đãphát hiện ra rằng các khoản nợ quá hạn cho vay mua ô tô đang gia tăng, vượt mức trước Covid.
Một vấn đề khác là cuộc chiến chống lạm phát của FED đang chậm rãi tác động đến nền kinh tế. Tức hệ quả trọn vẹn của đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong bốn thập kỷ có thể vẫn chưa được cảm nhận.
Ông Zandi nhận thấy 1/3 khả năng xảy ra suy thoái trong năm nay, nhưng tỷ lệ đó sẽ tăng lên mức 50/50 vào năm 2024.
Tuy nhiên, các báo cáo việc làm mới nhất không báo hiệu một cuộc suy thoái đang ra hoặc sắp xảy ra.
“Miễn là nền kinh tế tiếp tục tạo ra trên 200.000 việc làm mỗi tháng, nền kinh tế này sẽ không rơi vào suy thoái,” ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế tại RSM, nhận định.
Morgan Stanley dường như cũng đồng ý, nói rằng báo cáo việc làm tháng 5 tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang “hạ cánh mềm”, một thuật ngữ của FED về việc tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái.
Có thể bạn quan tâm:
Chế độ ăn của người Trung Quốc quá lệ thuộc vào phương Tây?
Nguồn CNN