Khủng hoảng Trung Quốc cận kề: Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
Cuối năm ngoái khi giá thép thành phẩm giảm hơn 40%, cuộc khủng hoảng đã lên đến đỉnh điểm tại Anh. Hàng loạt nhà máy lớn như Redcar, Caparo Industries, hay Tata Steel đã tạm dừng hoặc đóng cửa, khiến cho khoảng 130.000 lao động mất việc.
Nguyên nhân đến từ “hiệu ứng cánh bướm” trong nguồn cung thép dư thừa mỗi năm tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngành công nghiệp thép Trung Quốc được ví như chú bướm xinh đẹp với sản lượng khoảng 850 triệu tấn mỗi năm thì có đến 1/3 lượng thép sản xuất ra bị dư thừa. Trong nền kinh tế toàn cầu phẳng, một chú bướm vỗ cánh ở Đông bán cầu vẫn có thể gây ra cơn bão lớn trên khắp thế giới. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở giá thép thành phẩm tại châu Âu và Bắc Mỹ, sự lao dốc không phanh đã bao trùm lên giá bán của nhôm, than đá, hóa chất trên phạm vi toàn cầu.
Giữa tuần qua, bên lề hội nghị do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì tại Brussels (Bỉ), giới quan chức của hơn 30 quốc gia đang quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang “tiệm cận” cuộc khủng hoảng tài chính.
Các dấu hiệu và triệu chứng khá rõ ràng và liên tục. Trong hơn một thập niên qua, sự gia tăng đột biến của tỉ lệ nợ so với GDP (từ 150% lên gần 260%), lượng tiền mặt bơm vào lưu thông lên tới 800 tỉ USD trong vòng 2 năm thông qua các gói kích cầu đã khiến giới quan sát lo ngại sâu sắc về một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang cận kề mà phạm vi và mức độ thiệt hại sẽ gấp nhiều lần năm 2008.
Nằm ngay cạnh nước láng giềng khổng lồ và đang giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất, một khi kịch bản xấu xảy ra tại đại lục, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp trên một loạt những ngành nghề chủ chốt của quốc gia như công nghiệp nặng (than, khoáng sản, thép, kim loại màu), nông nghiệp và dịch vụ.
Bão khủng hoảng đã nổi
Đầu tiên, phải kể đến sự thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế. Quốc gia đông dân này đang chuyển đổi mô hình kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực công nghiệp, mà thay vào đó là dịch vụ. Trên con đường thực hiện chủ trương này, Trung Quốc gặp phải 4 rào cản cốt lõi (thị trường tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, nợ công) xuất phát từ cấu trúc nội tại trong mô hình phát triển kinh tế.
Cú sốc năm 2015 đã khiến chính phủ Trung Quốc phải chi ra gần 400 tỉ USD để vực dậy thị trường chứng khoán - Ảnh: usatoday.com |
Trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc dẫn đầu thế giới, tương đương 40% GDP toàn cầu. Hiệu suất chuyển đổi của tín dụng tại Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng, khi giờ đây phải cần cho vay tới gần 4 đồng mới tạo ra được 1 đồng góp vào GDP. Mặt khác, hơn 1/3 trong số các khoản vay mới được dùng vào mục đích trả lãi cho các khoản vay từ trước. Nghiêm trọng hơn, chỉ số nợ xấu trên thực tế cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức hiện tại, chiếm 5,5% tổng dư nợ ngân hàng.
Đối với thị trường vốn, cú sốc năm 2015 đã khiến chính phủ nước này phải chi ra gần 400 tỉ USD để vực dậy thị trường chứng khoán. Nguyên nhân nằm ở sự tăng trưởng giá trị vốn hóa quá nóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc: tăng gần gấp đôi trong 2 năm trước. Thế nên, mặc dù đã áp dụng sáng kiến “cơ chế tự ngắt” để ngừng giao dịch nếu thị trường rớt giá hơn 7%, nhưng đã không thể ngăn đà lao dốc khiến 4.500 tỉ USD vốn hóa bị bốc hơi hồi giữa năm ngoái.
Tổn thất còn trải rộng trên thị trường tiền tệ khi họ chủ động khai ngòi “cuộc chạy đua hạ giá đồng nội tệ” với việc phá giá nhân dân tệ gần 5%, mức giảm sâu nhất trong vòng 20 năm qua. Tác hại từ việc đồng nội tệ mất giá càng thêm trầm trọng khi được cộng hưởng với sự xuống giá của hầu hết các hàng hóa Trung Quốc sản xuất do nguồn cung dư thừa trong bối cảnh sức cầu nội địa suy yếu. Mặc dù quốc gia này lý giải sự phá giá đồng tiền là do lợi thế về thặng dư tài khoản tiền gửi và nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ hơn 4.500 tỉ USD, nhưng giới phân tích cho rằng chúng xuất phát sâu xa từ những áp lực kinh tế.
Các chỉ số kinh tế thực quan trọng như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và nhất là chỉ số giá sản xuất (PPI) đều giảm rất mạnh và lần lượt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh đó, một thực trạng không thể tránh né căn cứ trên số liệu công bố chính thức là chỉ số xuất khẩu của quốc gia đông dân này đã sụt giảm trong 18 tháng liên tiếp. Quan trọng hơn, cơ hội 5 năm mới xảy ra một lần đã vuột khỏi tầm với của chính phủ nước này khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ chối đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ thế giới. Điều này khiến cho cơ quan điều hành phải “mở hầu bao” để hình thành Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) quy mô 50 tỉ USD nhằm thiết lập đối trọng mới với World Bank và IMF.
Trong một diễn biến bất lợi khác, Trung Quốc cũng để rơi vị trí số 1 về tay Ấn Độ khi lượng kiều hối trong năm 2015 giảm, thấp hơn kỳ vọng khi đạt gần 64 tỉ USD. Mặc dù số người Hoa di cư liên tục tăng trong 1 thập niên gần đây, trong đó có khoảng 76.000 là triệu phú, nhưng trái với kỳ vọng của Chính phủ, tỉ lệ tăng trưởng luồng kiều hối thấp hơn nhiều so với luồng vốn “di cư” ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Theo quy định, một cá nhân người Hoa chỉ được chuyển tối đa 50.000 USD/năm, nhưng trên thực tế, chỉ tính riêng trong năm 2015, gần 1.000 tỉ USD đã tháo chạy ra nước ngoài, tức gấp hơn 15,6 lần số tiền người gốc Hoa gửi về đại lục. Các chuyên gia kinh tế của J.P. Morgan Chase cảnh báo “cơn bão rút vốn khỏi quê hương” đang tăng tốc từng ngày từ khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng nội tệ lần đầu vào tháng 8 năm ngoái; thậm chí có ngày kỷ lục lên tới 200 tỉ USD.
Để tránh cơn chao đảo và hiệu ứng domino đến từ sụt giảm giá trị các cổ phiếu niêm yết và bong bóng bất động sản xì hơi gây ảnh hưởng đến các tài sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng, nhà điều hành Trung Quốc buộc phải can thiệp hành chính bằng việc bơm thêm tiền. Tính hết năm 2013, lượng cung tiền đã đạt tới 17.770 tỉ USD. Con số bơm tiền vào lưu thông này cao gấp 4 lần so với thời điểm 10 năm trước đó là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang in tiền nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi đó, GDP Trung Quốc cả năm 2015 đạt hơn 10.000 tỉ USD, tăng 6,9% (tương đương tăng 439 tỉ USD), mức chậm nhất trong vòng 25 năm qua.
Vài tháng trước khủng hoảng năm 2008, Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng các liệu pháp kích thích nền kinh tế, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều hơn so với tổng số vốn 712 tỉ USD mà họ đã bơm ra trong 3 tháng đầu năm 2016 thông qua hệ thống ngân hàng theo hình thức những khoản tín dụng - một biện pháp tăng cường đầu tư và kích cầu thị trường nội địa. Tuy vậy, hiệu quả của gói kích thích chỉ duy trì được hơn 30 ngày vì sự sụt giảm mạnh cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu trong tháng 4. Rõ ràng, khi quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa vẫn còn chưa thấy kết quả thì tăng trưởng kinh tế quốc gia này đã đảo chiều và có biểu hiện “miễn nhiễm” với những gói kích cầu khổng lồ.
Theo thống kê của các nhà phân tích kinh tế độc lập, tổng số nợ chính phủ, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc ở thời điểm hiện tại nhiều hơn gấp 4,3 lần con số chính thức, tức phải chạm ngưỡng 28.000 tỉ USD, tương đương 282% GDP. Trong đó, các khoản nợ tới hạn cũng đang xấp xỉ 1.100 tỉ USD. Chính quyền Bắc Kinh đã phải lập ra Công ty China Trust Protection vào cuối năm 2014 để hỗ trợ các tập đoàn quốc doanh giải quyết các khoản nợ xấp xỉ 2.000 tỉ USD của mình.
Theo thời báo Pháp Les Echo, Trung Quốc đóng góp 32% tăng trưởng toàn cầu và chiếm 30% lượng đầu tư trên thế giới, nên cần có một kế hoạch đối phó với kịch bản xấu nếu có khủng hoảng tài chính xảy ra. Trong những thập niên trước, chính sách dự trữ tài nguyên cho thế hệ kế cận khiến Trung Quốc, mặc dù là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về tổng giá trị tài nguyên (có giá trị ước tính 23.000 tỉ USD với 90% trong số đó nằm ở các mỏ than và khoáng sản đất hiếm), lại ưu tiên đi nhập khẩu. Khi có khủng hoảng xảy ra, Trung Quốc sẽ phải đối diện với “trái đắng” của chính sách đã áp dụng trong hàng thập niên trước đó: khủng hoảng thừa. Khi tiêu dùng nội địa bị chững lại, để duy trì công suất hoạt động của hệ thống công xưởng của Trung Quốc, họ bắt buộc phải áp dụng chính sách xuất khẩu ra toàn thế giới với mức giá thấp nhằm giảm lượng hàng tồn kho.
Châu Âu và Bắc Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề từ nguồn cung thép thành phẩm phá giá từ quốc gia này. Kế đến là than đá. Tuy nhiên, theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating, “cơn ác mộng” thật sự sẽ tiếp tục với ngành nhôm, hóa chất và dầu khí.
Theo Fitch Ratings, “cơn ác mộng” thật sự từ Trung Quốc sẽ tiếp tục với ngành than đá, nhôm, hóa chất và dầu khí - Ảnh: businesstimes.com.sg |
Đến năm 2018, Trung Quốc sẽ dư thừa khoảng 3,3 tỉ tấn than đá và đang cung cấp tới hơn 50% nguồn cung nhôm của thế giới. Thêm vào đó, 1/3 sản lượng lọc dầu dư thừa của nước này cũng sẽ tràn ra ngoài lãnh thổ khi năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu ròng các sản phẩm từ dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 31%. Với kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu lên 10 triệu tấn than năm 2016 của công ty khai thác than lớn nhất nước Shenhua Energy, dự báo giá bán mặt hàng này sẽ bắt đầu chu kỳ giảm sâu trên phạm vi toàn cầu. Làn sóng xuất khẩu từ lực lượng hơn 25.000 doanh nghiệp hóa chất đã cuốn trôi toàn bộ lợi nhuận của các công ty đối thủ Nhật trong năm vừa qua.
Những nguy cơ cần nhận diện
Đối với thị trường nhập khẩu của Việt Nam, Trung Quốc là nguồn cung nguyên nhiên liệu lớn nhất. Nhập siêu từ thị trường này luôn tăng đều qua các năm và đạt tới 32,3 tỉ USD năm ngoái bao gồm nhập máy móc thiết bị, dụng cụ, phôi thép; hóa chất; nguyên liệu dệt may… Để thanh toán phần nhập siêu này, Việt Nam không thể dùng VND để trả tiền hàng nhập khẩu mà phải dùng hoàn toàn bằng ngoại tệ như USD hoặc nhân dân tệ. Khi có suy thoái kinh tế xảy ra, với vị trí địa lý ngay cạnh, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng bởi “địa chấn” nhanh nhất. Lúc đó, Việt Nam bị thiệt hại kép: ngoài việc sụt giảm doanh thu các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này là thủy sản, rau quả, nhân điều, cà phê, chè, gạo, cao su, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với chỉ số nhập khẩu các mặt hàng về than đá, thép, hóa chất… tăng mạnh, kéo theo sự thất thu nguồn ngoại tệ USD lớn hoặc có thể gây tâm lý tích lũy nhân dân tệ thành đồng tiền thanh toán.
Theo chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, đang có sự mất cân đối về an ninh tài chính trong thanh toán thương mại song phương Việt - Trung. Giải pháp cho vấn đề này, ngân hàng trung ương của hai quốc gia cần sớm ký văn bản thỏa ước hoặc Hiệp định trao đổi tiền tệ thông qua quy chế mua tiền của nhau dựa trên tỉ giá quy chiếu theo đồng tiền phi quốc tịch SDRs trong từng thời gian và dựa trên năng lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
GDP Trung Quốc năm 2015 tăng trưởng chỉ 6,9%, chậm nhất trong vòng 25 năm qua - Ảnh: ibtimes.com |
Trong tương lai gần, các doanh nghiệp nội địa sẽ có nguy cơ vỡ trận ngay trên sân nhà nếu không có biện pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đầu tư vào công nghệ nhằm hạ giá thành sản phẩm. Thị trường tôn thép nội địa là lĩnh vực đầu tiên đã chịu tác động. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, ngoài con đường nhập khẩu chính thức, tôn thép có xuất xứ Trung Quốc nhập lậu do lợi dụng quy định về thép hợp kim để trốn thuế. Tổng thiệt hại ngành tôn Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế nội địa đã lên tới hơn gần 60 triệu USD.
Theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Độ, thuộc Học viện Tài chính, khi lập mô hình phân tích mối tương quan giữa tốc độ tăng xuất khấu của Việt Nam ra nước ngoài và tốc độ xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam, đặt trong tương quan với tốc độ phá giá đồng nhân dân tệ, đã đưa ra kết luận đáng ngạc nhiên. Nếu Việt Nam phá giá VND để thúc đẩy xuất khẩu, thì sẽ dẫn đến nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng theo. Kết luận này cũng lý giải tại sao trong nhiều năm qua, Việt Nam giảm giá mạnh VND, còn nhân dân tệ thì tăng giá so với USD, nhưng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng cao. Vấn đề này không phải do tỉ giá được xác định cao hay thấp, mà là do cơ cấu kinh tế. Cũng theo ông Nguyễn Đức Độ tính toán, khi nhân dân tệ giảm giá, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do hàng hóa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Việt Nam là nền kinh tế gia công, theo đó nhập khẩu nguyên liệu, chế biến, rồi xuất khẩu. Đơn cử như ngành thủy sản liên tục gia tăng thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện chiếm khoảng 10%. Năm 2015, giá trị xuất khẩu cả ngành đạt khoảng gần 7 tỉ USD. Cũng trong năm qua, khi nước này áp dụng quy chế khắt khe hơn trong kiểm duyệt và nhu cầu tiêu thụ nội địa suy yếu đã khiến cho sản lượng xuất khẩu tôm sú giảm gần 20%. Hiện tại, Việt Nam có 623 cơ sở được phía Trung Quốc công nhận để xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại VASEP, cảnh báo Trung Quốc tuy là thị trường nhập khẩu thủy sản chính lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng luôn tiềm ẩn những rủi ro nếu các doanh nghiệp Việt không chú trọng đến quản lý thương hiệu sản phẩm.
Một nguy cơ khác đến từ nguồn vốn FDI và ODA mà Trung Quốc đầu tư và tài trợ cho Việt Nam qua các năm. Tính đến giữa năm ngoái, Việt Nam đã hấp thụ gần 400 triệu USD vốn ODA từ quốc gia láng giềng này. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc tới Việt Nam, còn đưa ra lộ trình kế hoạch cung cấp viện trợ 1 tỉ nhân dân tệ trong 5 năm tới để giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện. Nếu có khủng hoảng xảy ra, Việt Nam cần có kế hoạch dự phòng để bù đắp nguồn vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc, hiện đang ở mức lũy kế 10,4 tỉ USD.
Nguyệt Nguyễn