Châu Á khó có thể trở thành lực lượng mạnh mẽ trong việc kiềm chế đà tăng giá như trước đây. Ảnh: WSJ.
Khủng hoảng thương mại châu Á giúp giải tỏa áp lực lạm phát ở Mỹ?
Thương mại toàn cầu suy giảm đang khiến hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á sụt dốc, điều này lại giúp giải tỏa áp lực lạm phát nhất định cho người tiêu dùng ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
Tuy nhiên, việc đồ nội thất gia đình, đồ điện tử và các mặt hàng sản xuất khác giảm giá không có nghĩa là lạm phát cao sẽ sớm kết thúc. Tiền lương và giá dịch vụ vẫn đang duy trì đà tăng cao. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương ở Mỹ và châu Âu cảnh báo rằng họ vẫn chưa hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc chiến nhằm chống lại lạm phát.
Thời đại toàn cầu hóa đã qua
Trong nhiều thập kỷ, thời điểm trước đại dịch COVID-19 xuất hiện, các mặt hàng châu Á có giá rẻ đã giúp hạn chế sự tăng giá ở các quốc gia phương Tây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng đó giờ đây khó mà có thể quay trở lại với cường độ như cũ bởi quá trình toàn cầu hóa đã đi qua đỉnh.
Các cường quốc xuất khẩu của châu Á đã có thời gian tận hưởng sự bùng nổ doanh số bán hàng ở quốc tế khi dịch bệnh khiến nhiều người tiêu dùng trong lúc bị phong tỏa đã chi mạnh cho việc mua máy tính mới, thiết bị tập thể dục và cải tạo nhà ở. Theo chu kỳ 12 tháng, giá trị xuất khẩu bằng đồng USD từ Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đạt đỉnh vào tháng 9/2022 với mốc 6.100 tỉ USD. Con số này cao hơn 40% so với mức được ghi nhận trong 12 tháng tính đến tháng 3/2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu.
Hoạt động xuất khẩu của châu Á bắt đầu có xu hướng trượt dốc kể từ cuối năm ngoái khi lãi suất tăng làm giảm bớt sức nóng trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế ở các nước phương Tây. Thậm chí, người tiêu dùng ở khu vực này đã giảm bớt chi tiêu cho các danh mục hàng hóa tiêu dùng hằng ngày để chuyển sang đi ăn ngoài, du lịch và các dịch vụ khác mà họ đã không thể thực hiện trong thời gian phong tỏa vì đại dịch.
Mặt khác, hy vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy sự phục hồi thương mại châu Á cũng tan biến khi đà phục hồi của thị trường tỉ dân đang có những dấu hiệu ngày càng đuối sức.
Theo hãng tin Wall Street Journal, xuất khẩu Hàn Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 5/2023 thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu Đài Loan cũng giảm 14% trong cùng khoảng thời gian. Xuất khẩu của các nước Singapore, Nhật và Trung Quốc giảm lần lượt 6%, 4% và 3%.
Sự yếu kém trong thương mại được thể hiện rõ nét qua giá hàng hóa khi rời nhà máy châu Á. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp của công xưởng thế giới. Các thước đo lạm phát tương tự ở các nước xuất khẩu khác ở châu Á cũng đang suy yếu do giá hàng hóa đầu vào thấp hơn làm giảm chi phí. Ngoài ra, nhu cầu đối với hàng hóa sụt giảm cũng làm giảm sức mạnh định giá của các doanh nghiệp.
Những tác động từ việc giảm tốc của thương mại châu Á đang bắt đầu rõ rệt ở Mỹ, nhưng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau khi tạm dừng trong cuộc họp định kỳ tháng 6.
Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, giá nhập khẩu hàng vào Mỹ trong tháng 5 từ Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 2% còn từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 3,7%.
Lạm phát còn dai dẳng
Giá mà các quốc gia nhập khẩu phải chi trả để mua hàng hóa có thể không giống với giá mà người tiêu dùng phải trả, vì các doanh nghiệp cần trang trải nhiều chi phí khác nhau như chi phí lao động, vận chuyển và một số chi phí khác để đưa sản phẩm đến nơi được bán ra. Tuy nhiên, trong tháng 5, giá cả của nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc từ châu Á ở Mỹ đã giảm so với một năm trước.
Dẫu vậy, lạm phát ở Mỹ vẫn còn dai dẳng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4% trong tháng 5, cao gấp đôi so với mục tiêu 2% mà Fed đưa ra trước đó. Giá tiêu dùng lõi, chỉ số giá tiêu dùng ngoại trừ thực phẩm và năng lượng, tăng 5,3%.
Theo các nhà kinh tế học, nếu giá hàng hóa leo thang trong thời kỳ dịch bệnh là nguyên nhân khiến lạm phát bùng nổ lần đầu tiên và giá năng lượng tăng cao do căng thẳng Nga - Ukraine dẫn đến lần bùng nổ thứ 2 của lạm phát thì tình trạng lạm phát dai dẳng như hiện tại được hỗ trợ từ xu hướng tăng tiền lương và giá dịch vụ. Do đó, mặc dù việc giảm lạm phát hàng hóa được hoan nghênh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các Ngân hàng Trung ương đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát.
“Động lực giảm lạm phát đến từ châu Á sẽ không phải là “thuốc giải” cho vấn đề lạm phát của phương Tây”, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại ngân hàng HSBC chi nhánh Hồng Kông, nhận định.
Giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, sự hội nhập của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu đã góp phần tạo ra một thời kỳ “hoàng kim” với lạm phát thấp và ổn định dưới sự chứng kiến của nhiều nền kinh tế phương Tây. Sự hội nhập rộng rãi hơn của thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn dưới sự đa dạng toàn cầu hóa đã mang lại nguồn hàng hóa rẻ hơn cho người tiêu dùng và xoa dịu tâm lý gánh nặng về lạm phát của các Ngân hàng Trung ương, mặc dù các nhà kinh tế vẫn còn tranh luận xem mức độ của tác động này lớn như thế nào.
Giờ đây, chính phủ các nước và nhiều doanh nghiệp đang âm thầm rời khỏi xu hướng toàn cầu hóa vì lý do lợi ích an ninh quốc gia và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Các nhà sản xuất thế giới đang nhắm đến Việt Nam hoặc Ấn Độ để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này phản ánh mối lo ngại về căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Các chính phủ đang triển khai kế hoạch trợ cấp cho những ngành công nghiệp chiến lược như chất bán dẫn, công nghệ xanh nhằm thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm trong nước.
Các nhà kinh tế cho biết những rạn nứt thương mại như hiện tại có thể làm tăng chi phí đối với hoạt động sản xuất. Nếu nhu cầu toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc, những rạn nứt đó có thể khiến lạm phát trong tương lai không thể giữ ở mức thấp như trong quá khứ nữa.
Song, điều này không có nghĩa quá trình toàn cầu hóa đã kết thúc hay châu Á sẽ không còn là miếng bánh thị phần để cạnh tranh sản xuất. Nhưng châu Á khó có thể trở thành lực lượng mạnh mẽ trong việc kiềm chế đà tăng giá như trước đây.
“Kỷ nguyên vàng của toàn cầu hóa đã qua rồi”, ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Cà chua đắt hơn cả xăng khiến Ấn Độ "đau đầu"
Nguồn WSJ