Khủng hoảng nước không còn là dự báo
Mối lo ngại đối với Coca-Cola là sông Nar đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt sau nhiều thập niên bị khai thác quá mức. Cùng với đó là việc sử dụng phân bón từ các nông trại cũng làm cho nguồn nước trở nên ô nhiễm.
Coca-Cola nhận thức rõ điều này có thể là một rủi ro lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cách đây 11 năm, một nhà máy đóng chai của Công ty ở Ấn Độ đã bị công chúng phản đối dữ dội do ảnh hưởng của nó đối với nguồn cung cấp nước địa phương và cuối cùng đã bị đóng cửa.
Đó là lý do kể từ năm 2003, Coca-Cola và các nhà máy đóng chai của Hãng đã bỏ ra gần 2 tỉ USD để giảm lượng nước sử dụng và cải thiện chất lượng nước ở những nơi nhà máy hoạt động. Khoản chi phí này bao gồm cả việc cải thiện sông Nar. Coca-Cola đã đưa 1,2 triệu bảng Anh cho tổ chức bảo tồn World Wildlife Fund để giúp Công ty phục hồi lại nguyên trạng của dòng sông này.
Khoản đầu tư của Coca-Cola nghe có vẻ nhiều, nhưng thực chất là một con số rất nhỏ so với số tiền mà các doanh nghiệp trên toàn cầu đang bắt đầu phải bỏ ra vì nước. “Chi phí sử dụng nước đang tăng lên trên toàn thế giới. Trước đây, nước được xem như một nguyên liệu miễn phí. Giờ các công ty nhận ra rằng nó có thể tổn hại đến hình ảnh thương hiệu, uy tín, hệ số tín nhiệm nợ cũng như chi phí bảo hiểm của họ”, Christopher Gasson, nhà xuất bản tạp chí Global Water Intelligence, nhận xét.
Tập đoàn Thụy Sĩ Nestlé đã phải bỏ ra 43 triệu USD chỉ riêng cho thiết bị xử lý nước thải và tiết kiệm nước tại các nhà máy của mình vào năm ngoái. Tại Úc, một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Anh BG Group đã đầu tư một hệ thống quản lý và theo dõi nước trị giá 938,7 triệu USD. Hay Rio Tinto và BHP Billiton đã đưa ra một chương trình khử muối với chi phí lên tới 3 tỉ USD để bơm nước biển đã qua xử lý vào một mỏ đồng tại Chile.
“Chúng ta sẽ cạn nước trước khi chúng ta cạn dầu. Chúng ta bị khủng hoảng nguồn nước vì chúng ta đã đưa ra những quyết định sai lầm trong vấn đề quản lý nước. Biến đổi khí hậu sẽ càng làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng này”, Peter Brabeck, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nestlé, nhận xét.
Kể từ năm 2011, các doanh nghiệp toàn thế giới đã bỏ ra hơn 84 tỉ USD để cải thiện cách mà họ bảo tồn, quản lý và thu giữ nước, theo dữ liệu từ Global Water Intelligence, công bố của các cơ quan quản lý nhà nước và các cuộc phỏng vấn với giới điều hành doanh nghiệp do Financial Times thực hiện.
84 tỉ USD có thể chưa phải là con số trên thực tế. Bởi vì các công ty nhìn chung không bắt buộc phải công bố vốn đầu tư hoặc chi phí hoạt động liên quan đến các biện pháp bảo tồn nguồn nước. Mặc dù một số doanh nghiệp nhấn mạnh các khoản đầu tư vào nước trong báo cáo bền vững của mình, nhưng rất ít doanh nghiệp công bố cụ thể chi phí.
Thế nhưng, với các quy định mới về môi trường và rủi ro cao liên quan đến nguồn nước, các nhà đầu tư đang bắt đầu buộc doanh nghiệp phải minh bạch hơn về các rủi ro liên quan đến nước. Quỹ dầu mỏ 890 tỉ USD của Na Uy là một trong số nhiều nhà đầu tư lớn buộc doanh nghiệp phải công khai rõ hơn trong các báo cáo của mình. “Việc nước ngày càng khan hiếm và các sự kiện bất lợi liên quan đến nước có thể ảnh hưởng đến mức lợi nhuận dài hạn của Quỹ”, Jan Thomsen, Giám đốc Rủi ro của quỹ đầu tư quốc gia Na Uy, nhận xét.
Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy là 1 trong số 530 nhà đầu tư với giá trị tài sản tổng cộng 57.000 tỉ USD đang làm việc với Carbon Disclosure Project (CDP), một tổ chức từ thiện môi trường quốc tế. Thay mặt cho các nhà đầu tư này, CDP yêu cầu các công ty lớn mỗi năm phải công bố rủi ro và cơ hội mà nước mang đến cho doanh nghiệp của họ. Năm ngoái, 70% trong số 180 công ty thuộc FTSE Global 500 cho biết nước là một rủi ro lâu dài đối với hoạt động kinh doanh của họ, tăng từ mức 59% của năm 2011.
Cuộc khảo sát rủi ro toàn cầu hằng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng cho thấy, kể từ năm 2012, khủng hoảng nguồn cung cấp nước đã nằm trong top 3 rủi ro lớn nhất được giới doanh nghiệp chỉ ra.
Rõ ràng, khan hiếm nước không còn là một vấn đề nhỏ nhặt, ở cấp độ nhà máy mà là một vấn đề mang tầm chiến lược đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, theo Martin Stuchtey, chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn McKinsey. “Nó đang chiếm một phần lớn hơn trong chi phí đầu tư cơ bản của nhiều doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Stuchtey cho biết thêm, thị trường nước toàn cầu trị giá 550 tỉ USD đang tăng trưởng 3,5% mỗi năm. Nhưng tại một số ngành, lĩnh vực, nó đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều, lên tới 14% mỗi năm đối với ngành dầu khí và 7% đối với ngành thực phẩm và nước giải khát.
Ngành chứng kiến chi phí nước tăng nhanh nhất là khai khoáng. Chi tiêu của ngành khai khoáng vào nước đã tăng từ 3,4 tỉ USD năm 2009 lên tới xấp xỉ 10 tỉ USD vào năm 2013 và dự kiến sẽ vượt con số 12 tỉ USD trong năm nay, theo Global Water Intelligence.
Tác động từ cuộc khủng hoảng nước lên hoạt động của doanh nghiệp là có thể thấy rõ. Nhưng điều đáng buồn là giải pháp cho vấn đề khan hiếm nước phần lớn lại nằm trong tay chính phủ. Bởi lẽ, nó đòi hỏi phải đề ra những chính sách ở cấp vĩ mô như chính sách quản lý tốt hơn mạch nước ngầm sử dụng cho tưới tiêu hoặc các chính sách sử dụng lượng nước thải một cách thông minh hơn.
Một số chính phủ đã xử lý tốt vấn đề quản lý nước. Israel và Singapore, chẳng hạn, đã có các biện pháp quản lý và tái chế nước được xem như mô hình đáng để học hỏi. Thế nhưng, các trường hợp như vậy rất ít, buộc một số doanh nghiệp phải tự hành động thay vì chờ chính phủ.
Một nhóm doanh nghiệp trong đó Nestlé và Coca-Cola đã bắt tay với Công ty Tài chính Quốc tế, thuộc Ngân hàng Thế giới, để thành lập 2030 Water Resources Group, một tổ chức giúp nâng cao nhận thức về vấn đề khan hiếm nước và đưa ra những cách ít đắt đỏ nhất để giải quyết vấn đề này. 2030 Water Resources Group đã công bố các bản báo cáo, trong đó có một báo cáo chỉ ra rằng nhu cầu đối với nước ngọt dự kiến sẽ vượt qua nguồn cung thế giới tới khoảng 40% vào năm 2030. “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề nước, chúng ta sẽ cạn hết nước và rồi sau đó, chúng ta sẽ bắt đầu đưa ra các quyết định mà không phải lúc nào cũng là quyết định sáng suốt nhất”, ông Peter Brabeck của Nestlé nói.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư